Bình Phước: Chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển nguồn nhân lực

Ngày 1-1-2017, Bình Phước tròn 20 năm tái lập tỉnh; nhân dịp này, phóng viên Báo SGGP đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Nguyễn Văn Trăm, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước, về quá trình 20 năm xây dựng và phát triển cùng những giải pháp nhằm phát huy lợi thế tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), thu hẹp khoảng cách với các tỉnh, thành trong khu vực trong thời gian tới.
Bình Phước: Chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển nguồn nhân lực

Ngày 1-1-2017, Bình Phước tròn 20 năm tái lập tỉnh; nhân dịp này, phóng viên Báo SGGP đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Nguyễn Văn Trăm, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước, về quá trình 20 năm xây dựng và phát triển cùng những giải pháp nhằm phát huy lợi thế tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), thu hẹp khoảng cách với các tỉnh, thành trong khu vực trong thời gian tới.  

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Nguyễn Văn Trăm

 Phóng viên: Đồng chí có thể cho biết sơ nét về tình hình KT-XH tỉnh Bình Phước đạt được sau 20 năm tái lập tỉnh?

 Đồng chí NGUYỄN VĂN TRĂM: Sau 20 năm tái lập, tỉnh Bình Phước đã có bước phát triển đáng ghi nhận về các mặt kinh tế - văn hóa - xã hội và quốc phòng - an ninh. Năm 2016, quy mô GRDP của tỉnh tăng gấp 24 lần so với năm 1997; thu ngân sách đạt 4.200 tỷ đồng, tăng 23,7 lần so với năm 1997; thu nhập bình quân đầu người 42,1 triệu đồng/người/năm, tăng hơn 15 lần so với năm đầu tái lập tỉnh; toàn tỉnh có khoảng 5.200 doanh nghiệp đang hoạt động, với tổng số vốn đăng ký gần 37.000 tỷ đồng (tăng gấp 30 lần về số doanh nghiệp và hơn 1.000 lần về số vốn đăng ký so với năm 1997); thu hút được 154 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký gần 1,2 tỷ USD; quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.

Tuy nhiên, phải nhìn nhận thực tế là tốc độ phát triển của Bình Phước chưa theo kịp các tỉnh bạn trong khu vực Đông Nam bộ. Nguyên nhân do xuất phát điểm thấp, tỉnh được tách ra gồm các huyện nghèo của tỉnh Sông Bé. Để khắc phục khó khăn trên, những năm qua tỉnh đã đề ra và nỗ lực thực hiện các chương trình phát triển, nổi bật là 3 chương trình đột phá: Chuyển dịch cơ cấu kinh tế; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp, đặc biệt là 6 chương trình kinh tế trọng tâm mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X đã đề ra; hy vọng thời gian tới, Bình Phước sẽ có bước phát triển vượt bậc, rút ngắn khoảng cách với các tỉnh, thành phố trong khu vực.

 Là địa phương có tiềm năng về đất đai, những năm qua tỉnh đã khai thác thế mạnh này như thế nào để phát triển nông, lâm nghiệp, thưa đồng chí ?

 Để phát huy tiềm năng về đất đai, thời gian qua tỉnh đã tập trung thực hiện một số chính sách sau: Quy hoạch những vị trí thuận lợi để mời gọi đầu tư xây dựng các khu, cụm công nghiệp nhằm tạo điều kiện phát triển công nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Cụ thể, tỉnh đã chủ động đề nghị và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận giao 3.296ha cao su của Tập đoàn Công nghiệp cao su tại các vị trí thuận lợi để phục vụ nhu cầu phát triển KT-XH của tỉnh. Ngoài ra, tỉnh cũng quy hoạch một phần quỹ đất lâm nghiệp tách khỏi lâm phần giao về địa phương quản lý để phát triển công nghiệp với diện tích 45.460ha.

 Để phát triển kinh tế cũng như ổn định đời sống cho người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, thời gian qua, tỉnh đã giao UBND các huyện, thị xã thực hiện các dự án định canh, định cư và cấp đất sản xuất cho người dân địa phương, đồng bào dân tộc thiểu số không có đất ở, đất sản xuất, cũng như chấp thuận cho nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh đầu tư các dự án trồng rừng, trồng cao su trên đất lâm nghiệp phù hợp với chủ trương của Chính phủ, đảm bảo sử dụng có hiệu quả diện tích đất lâm nghiệp được quy hoạch là đất rừng sản xuất, tăng độ che phủ của rừng.

 Đồng chí đánh giá như thế nào về hiệu quả KT-XH của các dự án trồng cao su  trên đất Bình Phước?

 Bình Phước là tỉnh có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống, trong đó có các dân tộc Stiêng, Khmer, Tày, Nùng… nhưng đa số tay nghề, trình độ không cao. Việc phát triển công nghiệp gặp nhiều khó khăn do cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện, không gần khu vực cầu cảng nên khó thu hút đầu tư. Trong khi đó, điều kiện đất đai, khí hậu của tỉnh rất phù hợp với việc phát triển các loài cây đa mục đích như điều, cao su…

Từ năm 2008 đến nay, Bình Phước đã trồng được hơn 30.000ha cao su. Việc phát triển diện tích cao su thực hiện theo chủ trương của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và hướng dẫn của Bộ NN-PTNT nhằm đảm bảo phát triển KT-XH địa phương, tạo việc làm cho lao động địa phương. Việc triển khai các dự án trồng cao su đã có tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế, cơ sở hạ tầng của tỉnh, đời sống của người dân trong vùng dự án. Đặc biệt trong giai đoạn 2008-2011, lợi nhuận từ cây cao su đã góp phần tăng thu ngân sách địa phương; nhiều gia đình đã vươn lên làm giàu nhờ cao su, góp phần xóa đói giảm nghèo cho nhiều bà con trong tỉnh.

 Là tỉnh có diện tích trồng cây điều lớn nhất nước, thời gian tới tỉnh sẽ làm gì để nâng cao năng suất, đẩy mạnh xuất khẩu để tăng hiệu quả kinh tế của cây điều theo hướng phát triển bền vững?

 Trong tổng diện tích 310.000ha điều của cả nước, tỉnh Bình Phước chiếm 43% với hơn 134.000ha và tổng sản lượng gần 200.000 tấn điều hạt. Điều là một trong những cây trồng chủ lực, đóng góp lớn vào cơ cấu GDP của tỉnh, giải quyết việc làm cho khoảng 50.000 lao động. Tỉnh sẽ triển khai một số chính sách sau: Tập trung chọn tạo các giống địa phương, phát triển các giống điều đã được Bộ NN-PTNT công nhận cho kết quả tốt như PN1, LG1, CH1, MH4/5; sử dụng các biện pháp thâm canh tăng năng suất, trong đó có cải tạo vườn điều; sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đúng cách; đưa các cây trồng có hiệu quả kinh tế cao vào trồng xen dưới tán điều để nâng cao hiệu quả kinh tế (ca cao, gừng, sắn dây…); phát triển chăn nuôi dưới tán ở những diện tích thích hợp. Đẩy mạnh công tác chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, xây dựng mô hình sản xuất theo quy trình VietGAP; thực hiện các biện pháp đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đối với hạt điều; kết hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp thu mua chế biến tạo mô hình khép kín. Thông qua nguồn vốn khuyến công và vốn khoa học công nghệ để hỗ trợ đổi mới công nghệ, trang thiết bị sản xuất, chế biến cho các doanh nghiệp, cơ sở chế biến điều theo hướng hình thành các đơn vị chế biến có quy mô lớn... Phối hợp với Bộ KH-CN xây dựng chỉ dẫn địa lý điều Bình Phước nhằm nâng cao giá trị ngành điều trên thị trường quốc tế khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do mới.

 Xin cảm ơn đồng chí!

VĂN PHONG (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục