Thời gian gần đây, cây điều ở tỉnh Bình Phước đột nhiên khô lá, khô cành, thậm chí làm chết cây hoàn toàn, gây thiệt hại lớn về kinh tế cho người dân. Tổng diện tích trồng điều bị bệnh lạ lên đến gần 2.000 ha, trong đó có 558 ha nhiễm nặng, tập trung nhiều nhất ở 10 xã của huyện Bù Gia Mập và các xã thuộc huyện Đồng Phú.
Chi cục Bảo vệ thực vât (BVTV) tỉnh Bình Phước đã kết hợp với Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu II tại TPHCM lấy mẫu phân tích, giám định bệnh lý. Qua kết quả phân tích giám định cho thấy, trên lá có nấm Pestalotia sp và trên thân, cành có sự hiện diện của nấm Botryodiplodia theobromae.
Đối với 2 loại nấm trên, nhiệt độ thích hợp để sinh trưởng và gây hại từ 25 đến 30°C, thích hợp nhất từ 27 đến 28°C, nấm xâm nhập qua vết thương cơ giới do côn trùng cắn phá. Bệnh gây hại nặng vào các tháng có mưa xen kẽ nắng nóng cục bộ, trên những vườn chăm sóc kém, nhiều cỏ dại, bón phân không hợp lý.
Để phòng trừ 2 loại nấm bệnh gây hại trên, Chi cục BVTV tỉnh Bình Phước khuyến cáo nông dân áp dụng về các biện pháp phòng trừ bệnh cháy lá, khô cành. Ngoài ra, chú ý đến việc thường xuyên thăm vườn để phát hiện bệnh kịp thời, vệ sinh vườn, loại bỏ lá, cành bị bệnh và những cành kém hiệu quả. Cần để vườn cây thông thoáng, bón phân cân đối, hợp lý, đồng thời phòng trừ tốt các loại côn trùng gây vết thương cơ giới như bọ xít muỗi, bọ đục nõn, sâu đục cành, đục thân, nhằm hạn chế nấm bệnh xâm nhập và gây hại.
Theo thạc sĩ Doãn Văn Chiến, Phó Chi cục trưởng Chi cục BVTV tỉnh Bình Phước, cây điều đang giai đoạn sinh trưởng phát triển thân, cành, lá và thời tiết hiện có nhiều biến đổi, ngày nắng nóng, sáng sớm có sương mù và rải rác có mưa, tạo điều kiện cho sâu bệnh phát triển gây hại. Nông dân cần chú ý đến các đối tượng gây hại như bệnh khô ngọn cành, cháy lá, thán thư, bọ trĩ, bọ xít muỗi. Với bệnh thán thư, nên dùng các loại thuốc: Carban 50SC, Tilt Super 300EC, Tungvil 10SC, Antracol 70WP phun 10 đến 15 ngày/lần, phun 2 lần liên tiếp. Đặc biệt bệnh khô ngọn, cành có chiều hướng diễn biến rất phức tạp, các trạm điều tra giám sát tình hình diễn biến của bệnh, hướng dẫn bà con nông dân phòng trừ tốt bệnh thán thư và bọ xít muỗi. Nông dân trồng điều có thể sử dụng một số loại thuốc như Hexado 300SC (Carbendazim 125g/l(250g/l) + Hexaconazole 30g/l(50g/l)) phun 2 đến 3 lần cách nhau 7 đến 10 ngày/lần, hoặc phối hợp giữa Carbendazim + Hexaconazole theo tỷ lệ 1: 1 pha với nồng độ 0,3% Anvil 5SC + Carban 50SC.
V.Việt