Bình Phước: Vùng tái định cư chưa an cư

Từ nhiều năm qua, các cấp chính quyền tỉnh Bình Phước triển khai khá nhiều dự án tái định cư (TĐC) tại các huyện Chơn Thành, Lộc Ninh, Bù Đăng… nhưng do nhiều yếu tố khác nhau, hiện một số vùng TĐC chưa có đường giao thông, điện thắp sáng nên người dân chưa an cư lạc nghiệp.
Bình Phước: Vùng tái định cư chưa an cư

Từ nhiều năm qua, các cấp chính quyền tỉnh Bình Phước triển khai khá nhiều dự án tái định cư (TĐC) tại các huyện Chơn Thành, Lộc Ninh, Bù Đăng… nhưng do nhiều yếu tố khác nhau, hiện một số vùng TĐC chưa có đường giao thông, điện thắp sáng nên người dân chưa an cư lạc nghiệp.

Gặp khó ở nơi mới

Trong số các dự án ở tỉnh Bình Phước, đầu tiên phải kể đến dự án tái định canh, định cư Đa Bông Cua (thôn 12, xã Thống Nhất, huyện Bù Đăng), bố trí nơi ở và đất sản xuất cho 103 hộ từ Vườn quốc gia Cát Tiên đến ở. Dự án đã hoàn thành từ năm 2011 nhưng đến nay vẫn còn gần 10 hộ chưa được cấp đất ở và thiếu đất sản xuất. Theo quy định, người dân đến nơi ở mới phải đảm bảo đầy đủ cơ sở hạ tầng, song thực tế toàn bộ đường giao thông nội vùng khu TĐC (giai đoạn 2) vẫn chưa được đầu tư xây dựng. Người dân phải đi theo đường mòn rất khó khăn. Công trình cấp nước sinh hoạt cũng không đảm bảo vệ sinh. Đa số bà con đến vùng TĐC này đều làm nông nhưng nơi ở mới thiếu đất sản xuất.

Người dân ở vùng TĐC xã Nha Bích (Chơn Thành, Bình Phước) đời sống còn nhiều khó khăn

Cách huyện Bù Đăng gần 150km, tại ấp Thạnh Tây, xã Lộc Tấn (huyện Lộc Ninh), vùng kinh tế mới nơi biên giới này đã có hàng trăm hộ dân sinh sống. Trước đó, từ năm 1995, theo chương trình TĐC 327, có 32 hộ dân đến ấp Thạnh Tây mưu sinh. Điều ngặt nghèo nơi đây là đã 20 năm trôi qua, bà con trong vùng vẫn “thủy chung” với bếp củi, đèn dầu do không có điện sinh hoạt. Những hộ có điều kiện thì đầu tư bộ năng lượng mặt trời, sắm máy nổ, mua bình ắc quy. Còn những hộ khó khăn thì việc sinh hoạt trong gia đình diễn ra gấp rút, trước khi màn đêm buông xuống. Cũng do không có điện nên một số hộ dân đã bỏ xứ đi nơi khác; học sinh bỏ học giữa chừng… Bà Nguyễn Thị Bé lập nghiệp tại ấp Thạnh Tây đã 20 năm, nói như than: “Bà con đa phần cuộc sống khó khăn nên không thể sắm máy phát điện, phải thắp đèn dầu sinh hoạt, bếp ăn đun củi quanh năm. Người dân nơi đây chỉ mong mỏi sớm có điện để thắp sáng những bữa ăn, con cái học hành”.

Còn tại xã Nha Bích (huyện Chơn Thành), dự án TĐC thủy lợi Phước Hòa có 2 khu: Khu 80ha tại ấp 6 và khu 10ha tại ấp 1. Hai khu TĐC này chỉ cách quốc lộ 14 từ 2 - 5km, địa hình bằng phẳng, giáp đường nhựa nên thuận tiện cho việc sinh sống lâu dài của cư dân. Theo quan sát của chúng tôi, cơ sở hạ tầng thiết yếu như đường giao thông, hệ thống trụ điện… ở cả hai khu được đầu tư tương đối hoàn chỉnh. Nhưng thật oái ăm, đã 4 năm trôi qua, mỗi khu TĐC cũng chỉ có… 1 hộ vào ở. Có nhiều nguyên nhân khiến người dân không muốn đến sinh sống nơi đây, đơn cử như nhiều gia đình đã có nhà ở nơi khác; vùng TĐC quá xa trường học, chợ; điện, nước sinh hoạt chưa kéo tới đây... Bức xúc nhất là tình trạng các hộ dân tuy đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng lại chưa được bàn giao ngoài thực địa. Chúng tôi gặp anh Thái Hồng Phong, chủ hộ duy nhất vào khu TĐC 80ha ở ấp 6 sinh sống, anh Phong than thở: “Không có điện, nước sinh hoạt nên nhiều năm rồi, ngoài gia đình tôi ra, chẳng thấy hộ nào đến đây ở. Xa trường, nên con cái đi học cũng có phần vất vả”.

Giải pháp tháo gỡ

Thời gian qua, may mắn đối với dự án tái định canh, định cư Đa Bông Cua là dù địa bàn rất xa trung tâm tỉnh, nhưng các đoàn từ thiện có đến hỗ trợ một số vật chất thiết yếu, giúp bà con bớt khó.

Nhận xét về công tác triển khai dự án TĐC tại xã Nha Bích (huyện Chơn Thành), lãnh đạo Ban Quản lý các dự án ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước cho hay, 2 khu TĐC đều ở địa điểm có nhiều yếu tố thuận lợi, sở dĩ các hộ dân chưa vào ở là do họ đã có nhà ở ổn định tại nơi khác. Người dân sử dụng đất nền TĐC nhằm mục đích sẽ để lại cho con cái khi lập gia đình hoặc chờ giá đất tăng sẽ sang nhượng. Để thu hút người dân vào sinh sống trong những năm tới, ban quản lý sẽ tiếp tục tổ chức các đợt tham vấn cộng đồng để xác định những ai có nhu cầu nhận đất thật sự. Ban cũng trình UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch bàn giao đất TĐC đợt 2 cho số hộ chưa nhận được nền ngoài thực địa.

Trăn trở nhất hiện nay vẫn là người dân vùng TĐC ở ấp Thạnh Tây, xã Lộc Tấn (huyện Lộc Ninh). Trong các đợt tiếp xúc cử tri, người dân đã nhiều lần kiến nghị lên HĐND cấp huyện và tỉnh. Rồi cũng đã có nhiều đoàn về tận nơi khảo sát thực tế và cứ mỗi lần như thế, người dân lại nuôi hy vọng. Chia sẻ nỗi niềm này, ông Giang Minh Hiến, Chủ tịch UBND xã Lộc Tấn, nói: “Ấp Thạnh Tây là vùng sâu, vùng xa của xã Lộc Tấn. Từ đường sá đi lại, đến điện sinh hoạt của người dân đều gặp khó khăn. Việc phát triển sản xuất, nâng cao dân trí trong cộng đồng dân cư vì thế bị bó hẹp. Hiện địa phương đang chờ chủ trương kéo điện lưới quốc gia về từ đầu năm 2016. Khi đó, hy vọng tình hình sẽ đỡ hơn nhiều”. 

ĐỨC TRUNG

Tin cùng chuyên mục