Ngày 4-7, Bí thư Quận ủy quận Bình Tân Lê Văn Thinh thông tin, tình hình dịch Covid-19, tình hình dịch bệnh ở các khu phố 2, 3, 4 phường An Lạc vẫn rất phức tạp, chưa có dấu hiệu giảm. Do đó, quận tiếp tục thực phong tỏa thêm 1 tuần để theo dõi, đánh giá sát sao tình hình. Trong thời gian này, quận tiếp tục phối hợp tiếp tục lấy mẫu tầm soát, truy tìm các F0 để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan.
Đặc biệt, việc phong tỏa thực hiện theo 2 lớp. Trong đó, vòng ngoài bao quanh diện tích 317 của 3 khu phố. Ở bên trong, ở địa điểm, vị trí nào có ca mắc thì tiếp tục thiết lập thêm điểm, chốt kiểm soát.
Theo thống kê, kết quả tầm soát trên toàn quận Bình Tân cho thấy số người mắc Covid-19 ở quận có tỷ lệ 1,15:1.000, nghĩa là khi xét nghiệm 1.000 người thì có hơn 1 người mắc Covid-19. Riêng ở 3 khu phố của phường An Lạc, con số này gấp gần 6 lần mức bình quân của toàn quận.
Tính trên toàn quận, trong đợt lây nhiễm lần thứ 4 này, đến ngày 3-7 quận có 944 ca mắc. Trong 13 ngày qua, kể từ ngày phong tỏa 3 khu phố ở phường An Lạc (ngày 20-6), số ca mắc mới tăng lên gấp 5 lần so với trước.
Trong 944 ca này, hầu hết từ F1 đã đưa đi cách ly tập trung (439 ca) và khu vực cách ly, phong tỏa (458 ca). Như vậy, bênh cạnh việc tổ chức phong tỏa 3 khu phố ở phường An Lạc và 77 điểm khác trên toàn quận, từ ngày 20-6 đến ngày 3-7, quận đã “vây” được 458 ca. Riêng đối với phường An Lạc, số ca mắc với Covid-19 ở 3 khu phố bị phong tỏa chiếm khoảng 85% số ca của toàn phường.
“Điều này khẳng định, việc quận, phường lập chốt phong tỏa, cách ly là kịp thời phù hợp, cần thiết. Qua các con số thống kê đã nêu cho thấy, nếu quận không tổ chức phong tỏa kịp thời thì hậu quả sẽ rất khủng khiếp”, Bí thư Quận ủy quận Bình Tân nhấn mạnh.
Ông Tô Hoàng Giang, Chủ tịch UBND phường An Lạc cũng cho biết, số ca mắc mới ở các khu phố 2, 3, 4 của phường vẫn rất cao. Đặc biệt, các chùm ca bệnh ở phường chủ yếu xảy ra ở các khu nhà trọ, với đặc điểm mỗi phòng diện tích chỉ 12-15m² nhưng có từ 2-6 người ở. Lối đi chung của các dãy phòng trọ nhỏ, cửa phòng này cách cửa phòng kia chỉ khoảng 1,5 - 2m. Vì vậy, phường đề xuất, đối với khu vực nhà trọ khi có 5 ca trở lên thì coi toàn khu nhà trọ là F1 để cách ly toàn bộ để xử lý, dập dịch.
Quận Bình Tân có đặc thù dân số đông và có khoảng 350.000 công nhân lao động. Những ngày TPHCM thực hiện giãn cách thì những người này vẫn đi làm bình thường. Trong khi đó, họ sinh sống trong các khu nhà trọ chật hẹp, với môi trường thuận lợi cho virus biến chủng Delta phát triển.
Do đó, UBND quận Bình Tân yêu cầu các chủ nhà trọ đồng hành cùng chính trong việc tuyên truyền, vận động, nhắc nhở người thuê trọ thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tại các khu nhà trọ. Đó là, tuyên truyền nhắc nhở người ở trọ không tụ tập ăn uống tại khu trọ, đeo khẩu trang mỗi khi đi ra khỏi phòng trọ, làm việc xong ở công ty về ngay phòng trọ…
Theo UBND quận Bình Tân, từ khi áp dụng Chỉ thị 10 của UBND TPHCM, người dân trên địa bàn quận đa số chấp hành nghiêm các quy định. Dù vậy, vẫn còn một số trường hợp chủ quan, lơ là và không tuân thủ nghiêm túc các yêu cầu phòng, chống dịch. Do đó, quận đã tập trung kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các yêu cầu phòng, chống dịch. Tính từ ngày 29-4 đến nay, các cơ quan chức năng của quận đã kiểm tra hơn 2.020 lượt, nhắc nhở gần 1.947 trường hợp. Đồng thời, quận xử phạt khoảng 280 trường hợp (chủ yếu không đeo khẩu trang) với tổng số tiền hơn 1,5 tỷ đồng. UBND quận Bình Tân cũng kêu gọi người dân cùng chung tay thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 bằng những hành động cụ thể, trách nhiệm để sớm đẩy lùi lịch bệnh, đưa cuộc sống, sinh hoạt trở lại bình thường. |