
Gần đây, nhiều người dân sống tại các chung cư của quận Bình Thạnh (BT) TPHCM, đã bức xúc phản ánh với Báo SGGP việc không được hợp thức hóa chủ quyền nhà dù họ đã nộp xong tiền mua nhà. Vì sao?

Một số chung cư trên địa bàn quận Bình Thạnh đang xuống cấp nhưng người dân vẫn chưa có... chủ quyền nhà!? Ảnh: M.Y.
Cư dân bức xúc...
Ông Đoàn Trọng Tín, ngụ tại nhà 1 A3 chung cư C1, đường Điện Biên Phủ, phường 25 quận BT, thuộc diện có thu nhập thấp nên được mua nhà chung cư C1, đường Điện Biên Phủ, phường 25 quận BT, từ gần 10 năm nay. Khi nhận nhà, ông đã nộp xong tiền mua nhà từ 2 năm qua nhưng không được cấp chủ quyền nhà. “Do không có chủ quyền nhà nên tôi sống trong nhà mình mà cứ phập phồng lo âu như người đi… ở trọ, vì chẳng có miếng giấy tờ hợp pháp nào để lận lưng. Người dân chúng tôi không thể thực hiện các giao dịch mua bán hoặc thế chấp tài sản để làm ăn. Nếu làm “chui” thì sợ vi phạm pháp luật…” - ông Tín bộc bạch.
Tương tự, ông Lê Minh (số nhà 2 A3) đã trả xong 100% tiền mua nhà cho Công ty Kinh doanh và phát triển nhà (KD-PTN) quận BT, nhưng đến nay vẫn phải chịu cảnh “tiền đã trao mà chủ quyền nhà… chưa có”. Ông bức xúc: “Chuyện giấy tờ pháp lý giữa chủ đầu tư với chính quyền như thế nào chúng tôi không cần biết, vì đó là trách nhiệm của họ. Từ nhiều năm nay, tôi đi gõ cửa nhiều nơi, từ phường đến quận, rồi Công ty KD-PTN quận BT, thậm chí gửi đơn lên tận TP, nhưng không được giải quyết (!?). Người dân mong mỏi từng ngày nhưng không biết đến bao giờ mới có chủ quyền nhà?”.
Ông Phạm Huy Bách (nhà 2 B3) của chung cư này than thở: “Hiện nay chung cư đã có dấu hiệu xuống cấp nhưng chúng tôi vẫn chưa có chủ quyền nhà, làm sao có thể an cư lạc nghiệp…”.
Theo lãnh đạo Phòng Quản lý đô thị quận BT: trên địa bàn quận hiện có khoảng 65 chung cư, trong đó có 45 chung cư cũ và 20 chung cư mới xây. Tuy nhiên, việc cấp chủ quyền nhà cho người dân tại các chung cư này rất chậm. Do đó, không chỉ có người dân ở chung cư đường Điện Biên Phủ, quận BT than phiền vì chưa được cấp chủ quyền nhà mà nhiều người dân đang sống ở các chung cư khác trên đường Nơ Trang Long, phường 13, quận BT; chung cư Miếu Nổi (lô 9), phường 3, quận BT; chung cư Thanh Đa… cũng cùng chung nỗi khổ này.
Tại các cuộc họp tổ dân phố, UBND quận hoặc tại các cuộc tiếp xúc cử tri với HĐND TP và đại biểu Quốc hội, người dân nhiều lần kiến nghị sớm giải quyết việc cấp chủ quyền nhà cho cư dân, song đến nay chưa thấy tín hiệu khả quan.
Chính quyền lúng túng
Trả lời những câu hỏi bức xúc của cư dân, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch UBND quận BT, cho biết: “Đúng là lãnh đạo quận có tiếp nhận ý kiến phản ánh của cử tri về vấn đề chủ quyền nhà tại các chung cư trên địa bàn và chúng tôi đang chỉ đạo các ngành chức năng ở quận nhanh chóng xác minh và đề xuất hướng giải quyết nguyện vọng chính đáng của người dân. Bên cạnh đó, quận cũng phối hợp với các sở ngành chức năng của TP tìm cách tháo gỡ những vướng mắc về thủ tục pháp lý…”.
Ông Đặng Minh Nguyên, Phó phòng Tài nguyên – Môi trường quận BT, giải thích: “Trước đây, các chủ đầu tư xây dựng chung cư chỉ có mỗi giấy giao đất hoặc quyết định chấp thuận địa điểm xây chung cư của UBND TP là họ tiến hành xây nhà và bán cho dân. Lúc đầu, những người dân hợp thức hóa nhà theo tinh thần Quyết định 54 của UBND TPHCM ngày 30-3-2007, thì được cấp chủ quyền nhà, còn những người làm sau thì bị ách hồ sơ. Đây là nguyên nhân khiến hầu hết các chung cư trên địa bàn quận BT rơi vào tình trạng cấp chủ quyền nhà “nham nhở” vì nơi được cấp nơi không…”.
Theo quy định của Nghị định 90/CP, để được cấp chủ quyền nhà cho cư dân, chủ đầu tư phải hoàn tất các hồ sơ pháp lý, biên bản bàn giao cơ sở hạ tầng, giấy phép khởi công xây dựng chung cư, quyết định của UBND TP về việc đầu tư xây dựng chung cư, công văn chấp thuận địa điểm, chấp thuận kiến trúc quy hoạch, quyết định giao đất và việc đầu tư dự án xây chung cư… Thế nhưng trên thực tế, đa số các chủ đầu tư đều rơi vào tình trạng hồ sơ pháp lý chưa hoàn chỉnh, có giấy này thì thiếu giấy khác, thậm chí xây dựng chung cư trái phép. Cuối cùng, người dân mua nhà chung cư phải “lãnh đủ”!
Gần đây, khi nỗi bức xúc của cư dân tăng cao thì các chủ đầu tư lẫn chính quyền không tránh khỏi lúng túng. Công ty KD-PTN quận BT gửi công văn kiến nghị UBND quận có biện pháp tháo gỡ thủ tục, hồ sơ pháp lý.
Để giải quyết vấn đề này, UBND quận BT đang cùng Sở Xây dựng bàn thảo biện pháp “gỡ” vướng mắc về thủ tục bàn giao cơ sở hạ tầng giấy phép xây dựng, bản vẽ thiết kế, hồ sơ hoàn công, giấy nghiệm thu công trình… Như thế, việc hợp thức hóa nhà ở đối với cư dân ở BT vẫn phải tiếp tục chờ đợi!
Minh Yến