Bình Thuận: 2 vụ phá rừng lớn tại Tánh Linh

Hạt Kiểm lâm huyện Tánh Linh (Bình Thuận) vừa phát hiện 2 vụ phá rừng có tổ chức tại các tiểu khu 336A, 336B thuộc lâm phần Ban Quản lý Rừng phòng hộ La Ngà và tại tiểu khu 358 (rừng đặc dụng) thuộc lâm phần Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông.

Hạt Kiểm lâm huyện Tánh Linh (Bình Thuận) vừa phát hiện 2 vụ phá rừng có tổ chức tại các tiểu khu 336A, 336B thuộc lâm phần Ban Quản lý Rừng phòng hộ La Ngà và tại tiểu khu 358 (rừng đặc dụng) thuộc lâm phần Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông.

Qua kiểm tra tại các tiểu khu 336A, 336B thuộc Ban Quản lý Rừng phòng hộ La Ngà, tổ công tác phát hiện 25 cây gỗ quý (gồm căm xe, bằng lăng, sao) bị triệt hạ lấy đi khoảng 43m3 gỗ. Theo trình bày của Trạm trưởng Trạm Bảo vệ rừng La Ngâu (thuộc Ban Quản lý Rừng phòng hộ La Ngà), số gỗ bị triệt hạ nói trên được trạm phát hiện ngày 28-2-2012. Trong khi đó, trước khi đi hiện trường kiểm tra, lãnh đạo trạm khẳng định từ đầu năm 2012 đến nay chỉ có 1 vụ khai thác rừng trái phép với thiệt hại… một cây gỗ (!).

Tại tiểu khu 358 thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Núi Ông (địa bàn xã Gia Huynh), tổ công tác phát hiện 38 cây gỗ quý bị chặt hạ bằng cưa máy và cưa tay, với khối lượng gỗ thiệt hại khoảng 38,8m3. Tại hiện trường dấu vết để lại cho thấy việc chặt phá mới diễn ra trong quý 1 năm nay, lâm tặc đã lấy đi phần thân, bỏ lại phần ngọn và cành nhánh.

Trong khi đó, tình trạng phá rừng ở xã Sông Hinh thuộc huyện miền núi Sông Hinh (tỉnh Phú Yên) đang diễn ra khá phức tạp. Chỉ trong vòng 3 tháng gần đây, cơ quan chức năng ở xã Sông Hinh đã lập biên bản 30 vụ vi phạm lâm luật, qua đó phát hiện ít nhất 44ha rừng bị tàn phá; thu giữ 36m3 gỗ khai thác trái phép. Thực tế số gỗ bị khai thác trái phép có thể nhiều hơn bởi địa bàn xã Sông Hinh có hơn 20.700ha rừng già giáp với 2 tỉnh Khánh Hòa và Đắc Lắc.

Mới đây, khi lực lượng kiểm lâm kiểm tra tại tiểu khu 316 đã phát hiện 5 hộ dân ngang nhiên dọn đốt trên diện tích khoảng 1ha. Khu vực bị tàn phá thuộc rừng phòng hộ đầu nguồn tại các tiểu khu 316, 317, 318, vùng V6 và khu vực rừng giáp ranh với các tỉnh; sau đó những kẻ phá rừng sử dụng trâu kéo gỗ về tập kết gần bìa rừng để tiêu thụ.

Chủ tịch UBND xã Sông Hinh Trần Ngọc Thuân nói rằng sở dĩ dân phá rừng là do thiếu đất sản xuất; đồng thời việc phát hiện, xử lý còn nhẹ nên người dân vẫn cố tình vi phạm pháp luật.  

T.HẢI

Tin cùng chuyên mục