Bộ GD-ĐT nói gì về việc sử dụng môn Văn để tuyển sinh ngành y?

Vừa qua, một số trường đại học tuyển sinh ngành y công bố sử dụng các tổ hợp chứa môn Ngữ văn để xét tuyển ngành y khoa gây ra phản ứng trái chiều.

Trong 27 trường đại học đào tạo ngành y khoa ở Việt Nam, 4 trường dùng tổ hợp có môn Văn để xét tuyển (đây là một trong số tổ hợp các trường này dùng để xét tuyển ngành y). Cụ thể, Đại học Văn Lang, TPHCM, sử dụng tổ hợp D12 (Văn, Hóa, Anh); Đại học Võ Trường Toản ở Hậu Giang và Tân Tạo ở Long An dùng tổ hợp B03 (Toán, Văn, Sinh); Đại học Duy Tân ở Đà Nẵng dùng tổ hợp A16 (Toán, Khoa học tự nhiên, Văn).

Đại diện các trường nhận định môn Văn cần thiết, cho thấy khả năng truyền đạt, sự cảm thông, chia sẻ - những yếu tố cần có ở một bác sĩ. Trong khi đó, nhiều bác sĩ và giảng viên y khoa lo ngại, cho rằng việc này chỉ để phục vụ chiến lược tuyển sinh.

Bộ GD-ĐT nói gì về việc sử dụng môn Văn để tuyển sinh ngành y? ảnh 1

Y khoa là ngành khoa học đòi hỏi tính chính xác

Dư luận xã hội cũng nghiêng về hướng không đồng tình. Đa số ý kiến cho rằng, y khoa là ngành khoa học đòi hỏi tính chính xác. Bác sĩ là một ngành nghề mà tất cả các quốc gia trên thế giới đều áp dụng chương trình học khắt khe nhất. Trong đó, Toán, Hóa, và Sinh học là những môn bắt buộc mà sinh viên phải thực sự giỏi. Môn Văn không liên quan gì đến tiêu chí đầu vào của ngành y.

Trước sự việc này, ngày 28-5, bà Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT) đã có ý kiến về thông tin sử dụng môn Văn trong tuyển sinh y khoa ở một số trường đại học tư thục.

Bà Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT

Bà Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT

Theo bà Thủy, trong vấn đề này, vai trò của Bộ Y tế cũng đặc biệt quan trọng. Bởi quyết định số 436/QĐ-TTg ngày 30-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ (ban hành kế hoạch thực hiện khung trình độ quốc gia Việt Nam đối với các trình độ của giáo dục đại học giai đoạn 2020-2025) đã giao Bộ Y tế chủ trì xây dựng chuẩn chương trình đào tạo của khối ngành sức khỏe.

Thực hiện Luật Giáo dục đại học và Quyết định số 436/QĐ-TTg, Bộ GD-ĐT đã ban hành Thông tư số 17/2021/TT-BGDĐT quy định về chuẩn chương trình đào tạo, về xây dựng, thẩm định và ban hành chuẩn chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học, trong đó đã quy định rõ: Chuẩn chương trình đào tạo của các ngành, nhóm ngành ở từng lĩnh vực (như lĩnh vực/khối ngành sức khỏe do Bộ Y tế chủ trì xây dựng) phải bao gồm không chỉ những quy định về chuẩn đầu vào, mà còn các yêu cầu khác về điều kiện bảo đảm chất lượng và chuẩn đầu ra cho từng lĩnh vực, nhóm ngành, ngành đào tạo.

Bà Nguyễn Thu Thủy nhấn mạnh, chuẩn đầu vào của chương trình đào tạo phải xác định rõ những yêu cầu tối thiểu về trình độ, năng lực, kinh nghiệm phù hợp với từng trình độ, ngành và định hướng đào tạo mà người học cần đáp ứng để có thể học tập thành công và hoàn thành tốt chương trình đào tạo. Khi quy định về chuẩn đầu vào, cần có quy định rõ các yêu cầu về kiến thức, năng lực… của người học, trong đó có thể có yêu cầu về kiến thức các môn trong tổ hợp xét tuyển hay bài thi đánh giá năng lực đầu vào.

Mặt khác, quy chế tuyển sinh hiện hành của Bộ GD-ĐT đã quy định rõ mỗi phương thức tuyển sinh (mà cơ sở đào tạo quyết định sử dụng) phải quy định rõ các tiêu chí đánh giá, xét tuyển và cách thức sử dụng kết hợp các tiêu chí để phân loại, xếp hạng và xác định điều kiện trúng tuyển đối với thí sinh theo yêu cầu của chương trình, ngành đào tạo. Tiêu chí đánh giá, xét tuyển phải dựa trên yêu cầu về kiến thức nền tảng và năng lực cốt lõi mà thí sinh cần có để theo học chương trình, ngành đào tạo.

Bà Thủy cũng cho biết, trong thời gian tới, Bộ GD-ĐT sẽ rà soát tổng thể phương thức tuyển sinh của các trường. Trong trường hợp cần thiết, bộ sẽ yêu cầu các cơ sở đào tạo liên quan báo cáo, giải trình về những vấn đề mà xã hội quan tâm.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học cũng nêu, chất lượng đào tạo của các trường là vấn đề được quan tâm nhất. Trường nào có hình thức, cách thức tuyển sinh không phù hợp, có đầu vào tuyển sinh quá thấp… thì sẽ bị ảnh hưởng đến chính uy tín, thương hiệu, chất lượng đào tạo của mình, về lâu dài chắc chắn thí sinh sẽ không lựa chọn vào học.

Trao đổi với báo chí, lãnh đạo Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) cho biết, theo quy định, cơ sở giáo dục đại học được quyền quyết định phương thức tuyển sinh. Tuy nhiên, ông Long cũng cho rằng, lĩnh vực sức khỏe cơ bản là khoa học tự nhiên, cần tư duy logic, khả năng phân tích nhanh, đánh giá chính xác. Nhìn chung, Toán, Hóa, Sinh, Lý là những môn rất quan trọng và cần thiết với lĩnh vực sức khỏe.

Lãnh đạo cục này cho rằng, Bộ GD-ĐT là đầu mối quản lý nhà nước về giáo dục đại học, trong đó có cả giáo dục đại học cho lĩnh vực sức khỏe. Bộ Y tế không quản lý đầu vào, đầu ra của bậc đào tạo đại học mà chỉ đưa ra các tiêu chuẩn làm cơ sở xây dựng và phát triển chuẩn chương trình đào tạo. Bên cạnh đó, Bộ Y tế kiểm tra, rà soát việc đảm bảo các yêu cầu trong thực hành ở các trường y.

Đáng chú ý, Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi năm 2023 quy định việc kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh trước khi đề nghị cấp giấy phép hành nghề áp dụng đối với các chức danh bác sĩ, y sỹ, điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y, dinh dưỡng lâm sàng, cấp cứu viên ngoại viện và tâm lý lâm sàng, do Hội đồng Y khoa Quốc gia chủ thực hiện.

Tin cùng chuyên mục