Bộ GD-ĐT báo cáo Thủ tướng 94 hồ sơ GS, PGS cần rà soát kỹ

Tại cuộc họp báo chiều tối 1-3, báo chí chất vấn: Đến nay Bộ GD-ĐT đã báo cáo Thủ tướng như thế nào? Chính phủ có khuyến khích các thành viên Chính phủ bỏ thời gian để làm GS, PGS hay không? Hồ sơ GS của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến bị gác lại để rà soát do có đơn thư khiếu nại, vậy khiếu nại cụ thể vấn đề gì?
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu mở đầu họp báo. Ảnh: VGP
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu mở đầu họp báo. Ảnh: VGP

Chiều tối 1-3, tại Hà Nội, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng chính phủ Mai Tiến Dũng đã chủ trì cuộc họp báo Chính phủ tháng 2 -2018.

Tại cuộc họp báo, báo chí tập trung quan tâm nhiều vấn đề trong đó nổi bật hơn cả là vụ phong hàm Giáo sư, Phó Giáo sư (GS, PGS) mà dư luận ồn ào trong thời gian qua.

Báo chí chất vấn: Đến nay Bộ GD-ĐT đã báo cáo Thủ tướng như thế nào? Chính phủ có khuyến khích các thành viên Chính phủ bỏ thời gian để làm GS, PGS hay không? Hồ sơ GS của  Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến bị gác lại để rà soát do có đơn thư khiếu nại, vậy khiếu nại cụ thể vấn đề gì?

Trả lời vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Mạnh Hùng cho biết, tiêu chuẩn xét duyệt GS, PGS đã được Chính phủ quy định rõ. Nhưng năm 2017 số lượng tăng nhiều hơn nên dư luận quan tâm, nguyên nhân là do thời gian xét duyệt kéo dài hơn 6 tháng so với mọi năm, vì vậy nhiều ứng viên đăng ký hơn.

Bên cạnh đó, số lượng ứng viên đủ tiêu chuẩn tăng lên do những năm qua, Chính phủ có các đề án đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài, họ được đào tạo bài bản nên nhiều người đủ tiêu chuẩn xét duyệt (bài báo khoa học, công trình nghiên cứu).

Cùng với đó, nhiều cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam trong những năm qua rất chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng giảng viên, vì thế có nhiều người đủ tiêu chuẩn xét duyệt GS, PGS hơn.

Về chất lượng GS, PGS, ông Phạm Mạnh Hùng khẳng định năm 2017 tăng hơn so với năm 2016. Số lượng bài đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế tăng nhiều hơn (2016 có 2.500 bài, thì năm 2017 có trên 5.000 bài, tăng 2,1  lần). Năng lực ngoại ngữ của các ứng viên tốt hơn vì nhiều người được đào tạo ở nước ngoài; nhiều người thành thạo 2-3 ngoại ngữ. Vì thế năm 2017 có 1.226 ứng viên đạt tiêu chuẩn GS, PGS, tỷ lệ ứng viên đạt trên tổng số ứng viên nộp hồ sơ là tương đương năm 2016.

Tuy nhiên, khi Thủ tướng chỉ đạo rà soát, Hội đồng Chức danh GS Nhà nước đã yêu cầu Hội đồng ngành, liên ngành rà soát, kiên quyết không công nhận ứng viên không đủ tiêu chuẩn. Chủ tịch Hội đồng Chức danh GS Nhà nước là Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã thành lập tổ công tác để rà soát hồ sơ, với ai có đơn thư khiếu nại tố cáo sẽ xem xét giải quyết theo luật. Kết quả rà soát đã báo cáo Thủ tướng, trong thời gian tới Thủ tướng sẽ có  kết luận chính thức.

Về trường hợp của Bộ trưởng Bộ Y tế,  ông Hùng cho biết, nếu có đơn thư khiếu nại thì  xem xét giải quyết theo luật, không có ngoại lệ.
Phần trả lời của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT chưa thực sự rõ ràng, chưa đáp ứng mong đợi của báo giới.
Bộ GD-ĐT báo cáo Thủ tướng 94 hồ sơ GS, PGS cần rà soát kỹ ảnh 1 Quang cảnh buổi họp báo. Ảnh: VGP
Nói rõ thêm về vấn đề này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - ông Mai Tiến Dũng - cho biết, khi dư luận có ý kiến về việc phong hàm GS, PGS, Thủ tướng đã có  ý kiến chỉ đạo rà soát.

Ngày 1-3, Bộ GD-ĐT đã báo cáo Thủ tướng, trong đó có những ứng viên chưa đủ tiêu chuẩn về bài báo, giờ giảng, chưa có nghiên cứu khoa học...

Cụ thể, Bộ GD-ĐT, Hội đồng Chức danh GS Nhà nước báo cáo có 94 ứng viên bị phản ánh chưa đủ tiêu chuẩn (trong đó có trường hợp Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến - bị gác lại hồ sơ để rà soát do có đơn thư khiếu nại). Vì vậy, Hội đồng Chức danh GS Nhà nước đang tiếp tục rà soát, đánh giá  lại các ứng viên này.

“Ứng viên có giờ giảng, nhưng giảng ở đâu, địa điểm nào, hợp đồng thế nào... thì phải làm rõ, chứ không phải là ủng hộ tiền cho nhà trường để có giờ giảng hoàn thiện hồ sơ. Những vấn đề này Thủ tướng biết hết”, ông Mai Tiến Dũng nói.
Thủ tướng đã chỉ đạo Hội đồng Chức danh GS Nhà nước tiếp tục rà soát kỹ để tới đây báo cáo Thường trực Chính phủ và yêu cầu là phải làm rõ, nhất là tiêu chuẩn xét duyệt GS, PGS.

Trả lời câu hỏi Chính phủ có khuyến khích các thành viên Chính phủ bỏ thời gian để làm GS, PGS hay không, ông Mai Tiến Dũng cho biết, thành viên Chính phủ, lãnh đạo bộ ngành phải làm đúng trách nhiệm, nếu trường hợp thực sự chất lượng thì lãnh đạo vẫn được làm hồ sơ để xét duyệt  GS, PGS. “Nhưng yêu cầu phải thực chất, phải chất lượng”, ông Mai Tiến Dũng nói.

Đáng chú ý, ông Mai Tiến Dũng cũng thông tin: ngay khi Chính phủ khóa mới kiện toàn, các thành viên Chính phủ, các vị trí công việc đều đã được kiện toàn, phân công công việc. Theo đó, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã được phân công công việc là Chủ tịch Hội đồng Chức danh GS Nhà nước - chứ không phải ông Nhạ tự phong cho mình như đã có ý kiến.

Tin cùng chuyên mục