Bộ GD-ĐT: Học SGK mới, học sinh lớp 1 đọc thông, viết thạo ngay trong kỳ 1

Bộ GD-ĐT khẳng định học sinh lớp 1 năm nay mạnh dạn, tự tin hơn, biết nêu quan điểm cá nhân và cơ bản là đọc thông, viết thạo ngay trong học kỳ 1, sau đó được củng cố tăng cường bền vững ở học kỳ 2.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ phát biểu khai mạc hội nghị. -học sinh khối tiểu học
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ phát biểu khai mạc hội nghị. -học sinh khối tiểu học

Ngày 12-8, Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị tổng kết năm học 2020-2021 và triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 đối với giáo dục tiểu học. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến với 1 điểm cầu tại Bộ GD-ĐT, 63 điểm cầu tại 63 Sở GD-ĐT và hơn 700 điểm cầu đến các Phòng GD-ĐT cấp quận, huyện. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn và Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ chủ trì hội nghị.

Năm học 2020-2021 là năm đặc biệt với ngành giáo dục nói chung và giáo dục tiểu học nói riêng, khi lần đầu tiên cả nước thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới đối với lớp 1.

Năm học diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19; học sinh lớp 1 không có 2 tuần làm quen nề nếp, môi trường học tập như các năm học trước. Trước đó, suốt nhiều tháng kể từ học kỳ II năm học 2019-2020, không ít địa phương vì ảnh hưởng của dịch đã phải cho học sinh tạm dừng đến trường; thầy trò phải chuyển dần sang dạy học trực tuyến.

Trong năm học vừa qua, giáo dục tiểu học vừa phải phòng chống dịch Covid-19, vừa triển khai hiệu quả Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 1 và Chương trình GDPT 2006 đối với các lớp 2, 3, 4, 5.

Bộ GD-ĐT: Học SGK mới, học sinh lớp 1 đọc thông, viết thạo ngay trong kỳ 1 ảnh 1 Học sinh khối tiểu học. Ảnh: QUANG PHÚC

Riêng kết quả triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa (SGK) lớp 1 mới, ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD-ĐT) cho biết: tất cả các trường tiểu học đã hoàn thành chương trình theo đúng kế hoạch, chất lượng học sinh lớp 1 bảo đảm theo chuẩn đầu ra, yêu cầu cần đạt của chương trình, có một số mặt nổi trội hơn so với chương trình hiện hành.

Cụ thể, học sinh lớp 1 năm nay mạnh dạn, tự tin hơn, biết nêu quan điểm cá nhân và cơ bản là đọc thông, viết thạo ngay trong học kỳ 1, sau đó được củng cố tăng cường bền vững ở học kỳ 2.

 Dù đạt nhiều kết quả tích cực, song năm học vừa qua cũng ghi nhận một số tồn tại, hạn chế của giáo dục tiểu học. Do biên soạn SGK theo chương trình mới lần đầu tiên được áp dụng nên gặp nhiều khó khăn từ khâu thiết kế đến khâu tổ chức thực hiện. Lần đầu tiên thực hiện một chương trình, nhiều SGK nên việc lựa chọn, sử dụng SGK ở các địa phương rất đa dạng, khó khăn trong việc in ấn, phát hành. Bên cạnh đó là những khó khăn khác liên quan đến nội dung giáo dục địa phương; đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý; cơ sở vật chất; sự chưa đồng đều trong thực hiện đổi mới chương trình, SGK tại các địa phương…

Năm học mới 2021-2022, giáo dục tiểu học đặt ra 5 nhiệm vụ với nhiều giải pháp cụ thể, trong đó, tiếp tục triển khai bảo đảm chất lượng chương trình GDPT 2018 đối với lớp 1, lớp 2 và thực hiện hiệu quả chương trình GDPT 2006 từ lớp 3 đến lớp 5. Tiếp tục xây dựng kế hoạch, phương án tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng để có đủ giáo viên, đảm bảo chất lượng dạy học các môn học bắt buộc theo chương trình, đặc biệt là môn Tin học, môn Ngoại ngữ; bảo đảm 100% giáo viên dạy học lớp 3 được bồi dưỡng theo quy định của Bộ GD-ĐT và được hướng dẫn sử dụng SGK lớp 3 từ năm học 2022-2023.

Đặc biệt, năm học 2021-2022, Bộ GD-ĐT sẽ phải đa dạng hóa các hình thức tổ chức dạy học để khắc phục, ứng phó với tác động của dịch Covid-19. Chủ động có các phương án, kịch bản cụ thể để tổ chức dạy học phù hợp với tình hình dịch bệnh và khả năng đáp ứng của cơ sở giáo dục và điều kiện thực tế của người học...

Tin cùng chuyên mục