“Bỏ rơi” ngành bao bì

Đầu tháng 2-2017, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến có chuyến thăm nhà máy của Tổng công ty Liksin tại Khu Công nghiệp Tân Đức, tỉnh Long An.

Đầu tháng 2-2017, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến có chuyến thăm nhà máy của Tổng công ty Liksin tại Khu Công nghiệp Tân Đức, tỉnh Long An.

Tâm sự cởi mở với đoàn ghé thăm, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Liksin Nguyễn Ngọc Sang thẳng thắn nói: “Từ trước đến nay Nhà nước “bỏ rơi” ngành bao bì. Dù đây là lĩnh vực đóng góp không nhỏ vào nguồn thu ngân sách. Nhà nước luôn có chính sách xuất khẩu nhưng lại quên không khuyến khích xuất khẩu “cái áo”. Dẫn chứng về chính sách chưa đến được với ngành bao bì, ông Nguyễn Ngọc Sang cho biết, lĩnh vực đóng gói bao bì tăng trưởng trung bình từ 15% - 20%/năm. Hiện Việt Nam có hơn 900 nhà máy đóng gói bao bì, khoảng 70% trong số đó tập trung ở các tỉnh, thành phía Nam. Thị trường có thể được chia làm 5 lĩnh vực chính, gồm đóng gói bao bì nhựa, carton/giấy, đóng gói kim loại và các loại khác. Trong những năm gần đây, ngành bao bì nhựa cũng đã phát triển mạnh với tốc độ tăng trưởng bình quân hơn 25%/năm. Tuy nhiên, một trong những thách thức mà ngành công nghiệp bao bì trong nước phải đối mặt là công nghệ chưa cao khiến cho các doanh nghiệp chưa thực sự tham gia vào chuỗi giá trị và tạo ra lợi nhuận bền vững. Do đó, hầu hết nhóm bao bì giấy yêu cầu công nghệ cao cho các thị trường như sẽ tập trung vào Tetra Pak (Thụy Điển), Combibloc (Đức)... Nguyên nhân là hiện nay hầu hết các doanh nghiệp nước ngoài đang được quá nhiều ưu đãi so với doanh nghiệp trong nước, từ việc thuê đất đến nhiều khoản thuế khác hết sức “chênh” nhau.

Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến thămTổng Công ty Liksin vào đầu tháng 2-2017

Báo cáo từ thực tiễn của doanh nghiệp với nguyên chủ tịch nước, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Liksin Nguyễn Ngọc Minh Thy cho biết, trải qua thời gian dài hình thành và phát triển với rất nhiều khó khăn, hiện Liksin đang dẫn đầu ngành in tại TPHCM. Trong năm 2016, Liksin đạt doanh thu 1.667 tỷ đồng, nộp ngân sách 408 tỷ đồng. Trong đó, đầu tư 200 tỷ đồng xây dựng thêm 1 nhà máy trong tổng diện tích 6,5ha/10ha tại KCN Tân Đức. Dự kiến trong năm 2017 doanh thu tăng khoảng 10%, tỷ trọng các mặt hàng tăng từ 2% - 5%. Tuy nhiên, hiện nay khó khăn nhất của doanh nghiệp là vốn và đất đai do phải thuê đất của nhà đầu tư hạ tầng 50 năm nhưng nhà đầu tư hạ tầng chỉ đóng thuế đất từng năm nên dù có tài sản vẫn không thể vay ngân hàng để tăng nguồn vốn. Tương tự, vấn đề nguồn nguyên liệu (giấy cao cấp) phải nhập khẩu đã làm giảm lợi thế cạnh tranh.

Chia sẻ khó khăn của ngành bao bì nói chung và Liksin nói riêng, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến đề nghị các doanh nghiệp căn cứ vào 7 chương trình đột phá của TP để có những đề xuất cụ thể. Qua đó, sau khi xem xét thấy phù hợp TPHCM sẽ có phương án hỗ trợ cho trường hợp của từng doanh nghiệp. Đồng chí Trương Tấn Sang cũng yêu cầu doanh nghiệp trong ngành phải đẩy mạnh tái cơ cấu và nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh trên thị trường. Trong đó, tập trung chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đầu tư dây chuyền công nghệ hiện đại để phát triển bền vững. “Những vướng mắc về cơ chế, chính sách, nguồn nguyên liệu, doanh nghiệp cần mạnh dạn đề xuất để có hướng giải quyết hiệu quả. Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương cùng các địa phương luôn đồng hành cùng doanh nghiệp”, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đề nghị.

LẠC PHONG

Tin cùng chuyên mục