Trở lại huyện Hoài Ân (Bình Định), nơi Báo SGGP có bài “Máu rừng cứ chảy” phản ánh tình trạng hoành hành của lâm tặc vào tháng 1-2010, nơi nạn phá rừng đầu nguồn diễn biến phức tạp. Nhưng cuộc chiến giữ rừng đã có tín hiệu khả quan khi một số lâm tặc trở về làm ăn lương thiện và không ít người trong số đó trở thành điển hình tiên tiến trong phong trào nông dân sản xuất giỏi.
Ở xã Ân Tường Tây, nhiều người nhắc đến chuyện anh Đỗ Ngọc Tánh (sinh 1976 - ở thôn Phú Hữu 1) bỏ nghề “chở gỗ lậu” để làm nghề chăn nuôi. Sau gần một năm theo nghề mới, đến nay anh Tánh đã có 40 con heo thịt, 10 con heo nái đẻ… Thực hiện phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, anh Tánh mở tiệm sửa xe đạp, xe máy lấy tiền trang trải cuộc sống hàng ngày, tiền bán heo tích lũy để mở rộng chăn nuôi. Anh Tánh kể: “Lập gia đình từ năm 20 tuổi nhưng không có nghề nghiệp nên hai vợ chồng tôi lên Tây Nguyên thuê đất trồng cà, đu đủ…
Chưa được 2 năm thì lỗ đứt vốn nên vợ chồng kéo nhau về quê và tôi theo bạn bè đi chở gỗ lậu. Nghề chở gỗ thuê đi sớm về khuya rất nguy hiểm, có lần bị tai nạn giao thông gãy chân, tôi bỏ nghề được một thời gian thì túng tiền nên phải quay trở lại. Thời gian gần đây, kiểm lâm, công an… truy đuổi gắt gao nên nghề vận chuyển gỗ lậu càng khó khăn. Đầu năm nay, được chính quyền địa phương và cán bộ Trạm kiểm lâm Ân Tường Tây đến nhà vận động nên tôi không đi chở gỗ lậu nữa…”.
Trong số những lâm tặc “hoàn lương” ở Hoài Ân, “ông trùm” Ngô Đức Trung (50 tuổi - ở thôn Khoa Trường, xã Ân Đức) được đánh giá là “mát tay” trong nghề chăn nuôi. Vài năm trước đây, đội quân vận chuyển gỗ lậu từ Hoài Ân xuống các xưởng cưa ở huyện Hoài Nhơn của ông Trung có hơn 10 người (trong đó có anh Đỗ Ngọc Tánh). Được chỉ huy bởi một người có máu liều lĩnh lại rành địa bàn như ông Trung nên những đối tượng này gây rất nhiều khó khăn cho lực lượng kiểm lâm.
Riêng với ông Trung, trong vòng 7 năm, lực lượng kiểm lâm đã tịch thu 16 xe máy. Sau gần 10 năm tung hoành ngang dọc khắp các cánh rừng ở Hoài Ân, năm 2008, ông Trung bất ngờ “rửa tay, gác kiếm” để theo nghề chăn nuôi. Ban đầu, ông Trung đầu tư nuôi 100 con vịt siêu trứng và một vài con heo thịt… Đến nay, ông Trung đã có 1.000 con vịt (600 con vịt thịt và 400 con vịt đẻ), 50 con heo… Ông Trung được bình chọn là điển hình tiên tiến trong phong trào nông dân sản xuất giỏi ở huyện Hoài Ân. Noi theo ông Trung, các thành viên khác trong nhóm cũng dần bỏ nghề chở gỗ lậu trở về làm ăn lương thiện. Ông Trung tâm sự: “Bây giờ con cái lớn cả rồi, nếu mình cứ liên tục vi phạm pháp luật (chở gỗ lậu) sẽ là tấm gương xấu cho chúng. May mắn trong tay có sẵn vốn, lại được cán bộ Hội Nông dân huyện tư vấn kỹ thuật nên tôi bước vào nghề chăn nuôi rất thuận lợi. Năm 2009, từ việc nuôi vịt và heo, gia đình tôi lãi 40 triệu đồng. Năm nay, dự kiến thu lãi nhiều hơn”.
Theo anh Nguyễn Hùng Cường, Trạm trưởng Trạm kiểm lâm Ân Tường Tây (thuộc Hạt kiểm lâm huyện Hoài Ân) - từ đầu năm 2010 đến nay, lực lượng kiểm lâm đã phối hợp với các cơ quan đoàn thể địa phương vận động được 25 lâm tặc trở về làm ăn lương thiện. Những đối tượng “hoàn lương” này được Hội Phụ nữ, Hội Nông dân… ưu tiên tạo điều kiện cho vay vốn hoặc đào tạo nghề để phát triển sản xuất.
HOÀNG TRỌNG