Bổ sung dự án Luật Thủ đô vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2010

Ngày 9-2, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khóa XII đã họp phiên thứ 28, cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 7, QH khóa XII và xem xét điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2010.

3 dự án được Chính phủ đề nghị bổ sung vào Chương trình gồm: Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 66/2006/QH11 về công trình, dự án quan trọng quốc gia trình QH quyết định chủ trương đầu tư. Bổ sung vào Chương trình năm 2010 các dự án: Luật đầu tư công; Luật Thủ đô; Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 66/2006/QH11 về công trình, dự án quan trọng quốc gia trình QH quyết định chủ trương đầu tư.


Theo UB Pháp luật, việc trình QH xem xét, thông qua dự án Luật Thủ đô trong thời gian chuẩn bị Đại lễ 1000 năm Thăng Long-Hà Nội sẽ có ý nghĩa lớn về mặt chính trị, tinh thần và là cơ sở pháp lý quan trọng để xây dựng Thủ đô văn minh, thanh lịch, hiện đại trong tình hình mới. Tuy nhiên, những nội dung lớn của dự án như: một số cơ chế đặc thù cho Thủ đô về cơ quan chuyên môn, chính sách đãi ngộ về tuyển dụng, sử dụng, chế độ phụ cấp, mức thưởng, mức thù lao đặc thù đối với cán bộ, viên chức làm việc tại Thủ đô…cần được khảo sát, nghiên cứu, thảo luận kỹ. Ý kiến của nhiều ủy viên UBTVQH cho rằng nếu Luật Thủ đô được thông qua đúng vào dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội sẽ có ý nghĩa rất sâu sắc, quan trọng. Tuy nhiên, không vì chạy theo mục tiêu đó mà không đảm bảo chất lượng của dự án. Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu đề nghị các cơ quan soạn thảo, thẩm tra làm việc tích cực để có thể trình QH xem xét thông qua dự án Luật này vào kỳ họp thứ 7.

Về các dự án luật liên quan đến tổ chức, hoạt động của bộ máy Nhà nước, UB Pháp luật đề nghị sớm nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung một số vấn đề về tổ chức và hoạt động của QH để tiếp tục kiện toàn tổ chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của QH, phục vụ trực tiếp cho hoạt động của QH khóa XIII. Đây là những vấn đề lớn, các ủy viên UBTVQH còn những ý kiến khác nhau.

UB Pháp luật cũng đề nghị bổ sung vào Chương trình việc sửa đổi, bổ sung một số quy định trong Luật đất đai, Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, bảo vệ quyền của người dân. Đề nghị này nhận được sự đồng tình của một số ủy viên UBTVQH bởi thực tế, do những vướng mắc trong các quy định về quyền khởi kiện và thẩm quyền thụ lý giải quyết vụ án hành chính nên có trường hợp khi công dân không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại về đất đai của Chủ tịch UBND cấp tỉnh (lần 2), UBND cấp tỉnh hướng dẫn công dân khởi kiện vụ án hành chính ra Tòa án nhưng Tòa án không thụ lý giải quyết gây bức xúc cho người dân. Đây cũng là vấn đề được Chính phủ kiến nghị nhiều lần trong các báo cáo về công tác giải quyết khiếu nại tố cáo. UBTVQH đã quyết định chọn phương án không nhất thiết phải sửa đổi Luật đất đai mà sẽ ra Nghị quyết giải thích rõ những điều liên quan.

Theo Tờ trình của Văn phòng Quốc hội (VPQH) về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 7, QH khóa XII, dự kiến tổng thời gian làm việc của QH tại kỳ họp này là 35 ngày, trong đó 23 ngày dành cho công tác xây dựng pháp luật, xem xét, thông qua 11 dự án luật và cho ý kiến 14 dự án luật và 1 dự thảo Nghị quyết. QH sẽ giám sát tối cao việc thực hiện chính sách pháp luật về thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học…

Văn phòng Chính phủ đề nghị UBTVQH yêu cầu Ban soạn thảo chuẩn bị kỹ đối với các dự án cho ý kiến lần đầu, kèm theo dự thảo Nghị định hướng dẫn cụ thể, tránh nhắc lại những quy định trong dự thảo luật đồng thời kèm theo số liệu thống kê, báo cáo tác động và báo cáo tổng kết chuyên đề về nội dung liên quan để giúp đại biểu có thêm thông tin nghiên cứu. VPQH cũng đề nghị UBTVQH cho ý kiến chỉ đạo về việc bổ sung báo cáo đánh giá kết quả tổ chức triển khai thực hiện các luật đã được QH thông qua từ đầu nhiệm kỳ khóa XII. Về chất vấn và trả lời chất vấn, cách thức đăng ký phát biểu và thời gian dành cho chất vấn vẫn là mối quan tâm của đại biểu QH. UBTVQH cần chỉ đạo nghiên cứu cách thức đăng ký chất vấn để có thể đi đến cùng vấn đề.

Thanh Hòa

Tin cùng chuyên mục