Quyết định nêu rõ, bổ sung 7.650 tỷ đồng cho Bộ Y tế để mua và sử dụng 61 triệu liều vaccine Covid-19 do AstraZeneca sản xuất của Công ty cổ phần Vaccine Việt Nam (30 triệu liều), do Pfizer sản xuất (31 triệu liều) như đề nghị của Bộ Tài chính và Bộ Y tế. Trong đó, 5.100 tỷ đồng bổ sung dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2021 của Bộ Y tế từ nguồn kinh phí 12.100 tỷ đồng tiết kiệm chi năm 2020 chuyển nguồn sang năm 2021 đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định và 2.550 tỷ đồng chi từ nguồn Quỹ Vaccine phòng Covid-19.
Thủ tướng Chính phủ đồng ý sử dụng 37 tỷ đồng trong tổng số 1.237 tỷ đồng đã bổ sung cho Bộ Y tế theo Quyết định số 507/QĐ-TTg ngày 31-3-2021 của Thủ tướng Chính phủ để chi đối ứng cho việc tiếp nhận, vận chuyển, phân phối, thuê kho bảo quản vaccine, mua vật tư tiêm chủng cho các lô vaccine Covid-19 do COVAX Facility hỗ trợ, vaccine viện trợ, tài trợ của nước ngoài.
mNgày 30-6, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 đã có cuộc họp trực tuyến với tỉnh Bình Dương dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban chỉ đạo.
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Bình Dương phải giữ cho được những khu vực hiện vẫn còn an toàn và tiến hành xét nghiệm tầm soát định kỳ tại những nơi có nguy cơ cao, tập trung đông người như: chợ, bến xe, bến tàu, khu công nghiệp. Đối với những khu vực có chuỗi lây nhiễm phức tạp phải tiếp tục siết chặt “phòng tuyến chống dịch”, nhất là các cơ sở y tế. Bình Dương cần tiến hành đồng bộ các biện pháp kiểm soát chặt chẽ người di chuyển (nhất là công nhân làm việc trong các nhà máy, khu công nghiệp), tuyên truyền người dân thực hiện nghiêm khuyến cáo 5K. Đồng thời, cần khẩn trương thí điểm cách ly F1 tại nhà với quy mô phù hợp, chuẩn bị cho phương án nếu dịch bùng phát mạnh.
* Cùng ngày, Bộ Y tế đã có công văn hướng dẫn nguồn kinh phí chi trả xét nghiệm Covid-19 tại các cơ sở khám chữa bệnh. Theo đó, chi phí xét nghiệm được chi trả dựa trên 2 nguồn: Quỹ Bảo hiểm y tế và ngân sách nhà nước. Có 5 nhóm đối tượng được chi trả chi phí xét nghiệm, gồm: bệnh nhân nội trú; người bệnh ngoại trú thực hiện xét nghiệm sau khi có quyết định chuyển vào điều trị nội trú; cán bộ, nhân viên y tế, người lao động tại cơ sở khám chữa bệnh; người chăm sóc bệnh nhân (tối đa không quá 2 người luân phiên) nếu được cơ sở y tế đồng ý cho ở lại; người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam đã hoàn thành thời gian cách ly y tế theo quy định nhưng thuộc các nhóm nêu trên. Giá thanh toán chi phí xét nghiệm thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Mức giá tối đa của dịch vụ xét nghiệm bằng kỹ thuật RT-PCR từ bệnh phẩm dịch hầu họng (áp dụng cho mẫu đơn) là 734.000 đồng/mẫu.
Chiều 30-6, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam và Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã hoàn thành 5 phòng xét nghiệm container lưu động áp lực âm phục vụ cho công tác phòng chống dịch Covid-19. Trước mắt, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam đã gửi 2 container xét nghiệm lưu động đến tỉnh Phú Yên và TPHCM. |
Không uống thuốc dự phòng trước khi tiêm vaccine
Gần đây, trên mạng xã hội lan truyền thông tin khuyến cáo về việc trước khi tiêm vaccine Covid-19 khoảng 30 phút, người tiêm uống 1 viên Xyzal, Zyrtec hoặc Aerius để chống dị ứng và 1 viên thuốc có chứa Paracetamol để hạ sốt, giảm đau. Sau tiêm khoảng 10 tiếng uống nhắc lại như trên. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cho rằng, đây là những thông tin thiếu căn cứ, phản khoa học. Theo bác sĩ Vũ Minh Điền, Phó trưởng Phòng Quản lý chất lượng và Công nghệ thông tin (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương), chỉ những người có triệu chứng sau tiêm mới phải uống thuốc.
Hơn nữa theo khuyến cáo của nhà sản xuất vaccine AstraZeneca chỉ có khoảng 10% người bị đau đầu, sốt/ớn lạnh, buồn nôn, đau cơ sau tiêm vaccine và chưa đến 10% người bị sưng, đau vết tiêm, các phản ứng phản vệ… Phần lớn các phản ứng bất lợi ở mức độ nhẹ hoặc trung bình và thường hết trong vài ngày sau tiêm chủng.