Bổ sung nhiều nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ

Tiếp tục chương trình nghị sự của phiên họp thứ 31, sáng nay, 30-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe và cho ý kiến về dự án Luật Tổ chức Chính phủ.
Bổ sung nhiều nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ

(SGGPO).- Tiếp tục chương trình nghị sự của phiên họp thứ 31, sáng nay, 30-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe và cho ý kiến về dự án Luật Tổ chức Chính phủ.

Phân định nhiệm vụ, quyền hạn chính quyền trung ương – địa phương

Trình bày Tờ trình về dự án Luật, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình nêu rõ, bên cạnh những kết quả quan trọng, Luật Tổ chức Chính phủ năm 2001 và thực tế điều hành đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Đó là địa vị pháp lý của Chính phủ trong thực hiện quyền lực nhà nước chưa được xác định một cách đầy đủ.

“Thủ tướng Chính phủ cũng chưa thực sự trở thành một thiết chế hữu hiệu để giải quyết các vấn đề cụ thể và mới phát sinh trong hoạt động của Chính phủ. Chưa có sự phân định rành mạch về nhiệm vụ, quyền hạn giữa Chính phủ với Thủ tướng Chính phủ và với Bộ trưởng; chưa xác định rõ nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ với tư cách là người lãnh đạo Chính phủ như là một thiết chế độc lập; của Bộ trưởng với tư cách là thành viên Chính phủ và là người đứng đầu một cơ quan của Chính phủ quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực”, Bộ trưởng Nội vụ nhấn mạnh.

Đáng lưu ý, mối quan hệ giữa Chính phủ với chính quyền địa phương (Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân) cũng chưa được xác định cụ thể, chưa có sự gắn bó chặt chẽ, nhất là sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với chính quyền địa phương; kỷ luật, kỷ cương hành chính chưa nghiêm, chưa thực hiện tốt nguyên tắc cơ quan cấp dưới phải phục tùng sự chỉ đạo, lãnh đạo và chấp hành nghiêm chỉnh các quyết định của cơ quan cấp trên…

Hơn thế nữa, Hiến pháp năm 2013 - bước phát triển mới trong quá trình lập hiến - đã có nhiều quy định mới về các thiết chế tổ chức quyền lực nhà nước đòi hỏi phải sửa đổi Luật Tổ chức Chính phủ năm 2001, đặc biệt là chế định về Chính phủ và mối quan hệ của Chính phủ với các thiết chế quyền lực khác như Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và chính quyền địa phương trong việc phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.

Vẫn Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cho biết, dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) được kết cấu gồm 08 chương, 50 điều.

Trong đó, chế định Thủ tướng Chính phủ có nhiều nội dung mới được bổ sung.  Cụ thể, dự thảo đã bổ sung một số nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ để phù hợp với yêu cầu về quản lý, lãnh đạo, điều hành của Thủ tướng Chính phủ. Đó là quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu cơ quan thuộc Chính phủ; trường hợp khuyết Bộ trưởng hoặc Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, thì giao quyền Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ trong khi chờ Quốc hội phê chuẩn và Chủ tịch nước bổ nhiệm; tạm thời giao quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong trường hợp chưa bầu được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Người đứng đầu Chính phủ cũng được trao thêm thẩm quyền yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đình chỉ, cách chức Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp dưới, khi không hoàn thành nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao hoặc vi phạm pháp luật; trình Ủy ban thường vụ Quốc hội phê chuẩn việc bổ nhiệm, miễn nhiệm đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại nước ngoài; quyết định các tiêu chí, điều kiện thành lập hoặc giải thể các cơ quan chuyên môn đặc thù, chuyên ngành thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện; quyết định thành lập các cơ quan, tổ chức khác thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh… Quyết định và chỉ đạo thực hiện các biện pháp cụ thể cần thiết để thi hành lệnh tổng động viên hoặc động viên cục bộ, lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp và các biện pháp cần thiết khác để bảo vệ Tổ quốc cũng là trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ - theo dự thảo Luật này.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Ảnh: Lã Anh

Có nên quy định cụ thể số lượng các bộ?

 Ngoài mục tiêu, quan điểm, bố cục, nội dung cơ bản của dự án Luật nêu trên, Chính phủ đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề. Trong đó, đáng lưu ý là về cơ cấu tổ chức của Chính phủ. Trong khi đa số ý kiến trong cơ quan soạn thảo đề nghị không quy định cụ thể tên gọi và số lượng các bộ, cơ quan ngang bộ trong cơ cấu tổ chức của Chính phủ thì vẫn có một số ý kiến khác đề nghị luật hóa cơ cấu tổ chức của Chính phủ theo hướng quy định cụ thể số lượng và tên gọi của các bộ, cơ quan ngang bộ trong dự thảo Luật.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình, Chính phủ đề nghị không quy định cụ thể tên gọi và số lượng các bộ, cơ quan ngang bộ mà chỉ quy định có tính nguyên tắc. Tên gọi và số lượng bộ, cơ quan ngang bộ vẫn do Quốc hội xem xét, quyết định trên cơ sở Thủ tướng Chính phủ thay mặt Chính phủ trình. “Như thế sẽ bảo đảm được tính năng động, chủ động của Chính phủ và phù hợp với yêu cầu của từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”, ông Bình giải thích.

Một nội dung khác được xin ý kiến UBTVQH là về nhiệm vụ thực hiện đại diện chủ sở hữu phần vốn của nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước.

Dự thảo được thể hiện theo hướng không quy định bộ, cơ quan ngang bộ có chức năng thực hiện đại diện chủ sở hữu phần vốn của nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước như Luật Tổ chức Chính phủ năm 2001. Chức năng thực hiện đại diện chủ sở hữu phần vốn của nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước sẽ do Chính phủ thực hiện. Theo đó, Chính phủ sẽ quy định và phân công việc thực hiện đại diện chủ sở hữu phần vốn của nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước phù hợp với chức năng, nhiệm vụ cụ thể của từng bộ, cơ quan ngang bộ.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị trước mắt trong giai đoạn hiện nay, giữ nguyên như Luật tổ chức Chính phủ năm 2001 để bảo đảm sự kiểm soát, định hướng của Chính phủ đối với các hoạt động của doanh nghiệp nhà nước.

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục