Bổ sung trách nhiệm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương

Để nâng cao hiệu quả bảo vệ quyền lợi đối với nhóm người tiêu dùng có yếu tố riêng, gặp nhiều bất lợi hơn người tiêu dùng thông thường, Dự thảo Luật bổ sung quy định về khái niệm và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã trình bày tờ trình về dự án Luật Bảo vệ người tiêu dùng (sửa đổi)
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã trình bày tờ trình về dự án Luật Bảo vệ người tiêu dùng (sửa đổi)

Chiều 15-8, trong khuôn khổ phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đã trình bày tờ trình về dự án Luật Bảo vệ người tiêu dùng (sửa đổi).

Ông Diên cho biết, dự thảo luật được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở kế thừa các điều khoản cơ bản của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hiện hành; bảo đảm tính tương thích, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và bám sát 7 chính sách đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 6-5-2021. Một số nội dung cơ bản của Dự thảo Luật như sau:

Đáng lưu ý, dự thảo luật đã bổ sung thêm một Chương mới về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù với tổ chức, cá nhân kinh doanh; đã sửa đổi khái niệm người tiêu dùng theo hướng làm rõ người tiêu dùng chỉ là cá nhân mua, bán sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ không vì mục đích thương mại. Việc sửa đổi nêu trên nhằm tạo căn cứ xác định chính xác người tiêu dùng trong quá trình thực thi các quy định pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả bảo vệ quyền lợi đối với nhóm người tiêu dùng có yếu tố riêng, gặp nhiều bất lợi hơn người tiêu dùng thông thường, dự thảo luật bổ sung quy định về khái niệm và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương.

Dự thảo luật cũng đã hoàn thiện quy định về thu hồi sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật, về bảo vệ thông tin của người tiêu dùng trong quá trình thực hiện các giao dịch, đặc biệt là các giao dịch trên không gian mạng…

Qua thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban KH-CN-MT Lê Quang Huy cho biết, cơ quan thẩm tra cơ bản nhất trí với việc bổ sung các đối tượng áp dụng là “các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài có liên quan”, “tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng” để có thể bảo vệ người tiêu dùng trong các giao dịch mua sắm trực tuyến, đặc biệt là giao dịch có yếu tố nước ngoài và nâng cao vị thế, vai trò của tổ chức xã hội trong bảo vệ người tiêu dùng.

Về bảo vệ thông tin và sử dụng thông tin của người tiêu dùng, ông Lê Quang Huy nhấn mạnh, dự thảo cần quy định rõ trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh ủy quyền hoặc thuê bên thứ ba thực hiện việc thu thập, lưu trữ, sử dụng, chỉnh sửa, cập nhật, huỷ bỏ thông tin của người tiêu dùng thì phải được sự đồng ý của người tiêu dùng. Về bảo đảm an toàn thông tin của người tiêu dùng, đề nghị bổ sung cơ chế, hình thức thông báo của tổ chức, cá nhân kinh doanh hoặc bên lưu trữ thông tin liên quan cho người tiêu dùng bên cạnh việc thông báo cho cơ quan chức năng sau khi phát hiện sự cố hệ thống thông tin bị tấn công làm phát sinh nguy cơ mất thông tin của người tiêu dùng.

Ghi nhận việc dự thảo luật đã bổ sung quy định về một số giao dịch đặc thù như giao dịch từ xa, cung cấp dịch vụ liên tục, bán hàng trực tiếp bao gồm các hình thức bán hàng tận cửa, bán hàng đa cấp và bán hàng không tại địa điểm giao dịch thường xuyên, ông Lê Quang Huy lưu ý, cần tiếp tục rà soát để bảo đảm các khái niệm về giao dịch đặc thù thật sự rõ ràng, mạch lạc, đặc biệt là các hình thức bán hàng trực tiếp; nghiên cứu bổ sung quy định phù hợp với nền kinh tế số, môi trường kinh doanh số để bảo vệ người tiêu dùng trong các giao dịch điện tử; tiếp tục rà soát các nội dung liên quan, đối chiếu với các quy định trong dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).

Về các giao dịch đặc thù giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh, có ý kiến đề nghị tách hình thức bán hàng đa cấp ra khỏi bán hàng trực tiếp vì bán hàng đa cấp không phải là hình thức bán hàng trực tiếp. Hơn nữa, cần điều chỉnh riêng hình thức bán hàng đa cấp vì đây là hình thức ngày càng phát triển, có nhiều yếu tố ảnh hưởng tới quyền lợi của người tiêu dùng.

Tin cùng chuyên mục