Nhiều năm liền, sau mỗi lần thanh tra, kiểm tra công tác tuyển sinh, xác định chỉ tiêu, Bộ GD-ĐT đều phát hiện tuyển vượt chỉ tiêu, xác định chỉ tiêu vượt quá năng lực và các điều kiện đảm bảo chất lượng. Ngay cả sau khi các quy định về thủ tục trình tự mở ngành đào tạo (Thông tư 08) và xác định chỉ tiêu tuyển sinh (Thông tư 57) được Bộ GD-ĐT đưa ra thì tình trạng “gian dối” vẫn tiếp diễn.
Năm 2014 nhiều ngành đào tạo thiếu chuẩn tối thiểu vẫn được Bộ GD-ĐT duyệt chỉ tiêu cho tuyển sinh.
Hàng loạt trường khai khống
Mới đây, qua kiểm tra 18 trường đại học, cao đẳng (ĐH-CĐ) về việc tự xác định và đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh năm 2014, Bộ GD-ĐT phát hiện sai phạm và đã có văn bản tước quyền tự xác định chỉ tiêu năm 2015 đối với 4 trường.
Theo thông tư 57, kết quả kiểm tra 18 trường cho thấy: ở tiêu chí 1 (số học sinh, sinh viên chính quy/giáo viên, giảng viên quy đổi) có 8/18 trường vượt định mức quy định. Trường có số sinh viên chính quy tính trên 1 giảng viên quy đổi cao nhất là 28,8 sinh viên, trong khi theo quy định tối đa là 25 sinh viên. Theo Thanh tra Bộ GD-ĐT, nguyên nhân dẫn đến việc xác định sai tiêu chí 1 là do các trường báo cáo không chính xác quy mô sinh viên chính quy, số sinh viên dự kiến tốt nghiệp như: Trường ĐH Y dược Thái Bình, Trường ĐH Công đoàn, Trường ĐH Thăng Long, Trường ĐH Thể dục thể thao Đà Nẵng, Trường ĐH Nông lâm TPHCM, Trường ĐH Bình Dương.
Có 11/18 trường báo cáo sai về đội ngũ giáo viên. Trong đó, một số trường đã xác định đội ngũ giảng viên đang làm nghiên cứu sinh (NCS), thạc sĩ nhưng chưa tốt nghiệp vào danh sách giảng viên có trình độ NCS, thạc sĩ. Thậm chí có trường đưa toàn bộ đội ngũ cán bộ phòng ban vào làm công tác giảng dạy nhưng số giờ lên lớp giảng dạy thực tế rất ít hoặc có trường đăng ký cả số giảng viên dự báo sẽ được tuyển dụng như: Trường CĐ Thương mại, Trường ĐH Thể dục thể thao Đà Nẵng, Trường ĐH Nông lâm TPHCM, Trường ĐH Giao thông Vận tải TPHCM, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch và nhiều trường thuộc khu vực phía Bắc.
Đối với những trường vi phạm nghiêm trọng việc tự xác định chỉ tiêu tại thời điểm kiểm tra (Trường ĐH Thăng Long, Trường ĐH Công đoàn,Trường ĐH Giao thông Vận tải TPHCM, Trường CĐ Dược Trung ương), Bộ GDĐT đã thẳng tay tước quyền tự xác định chỉ tiêu và sẽ giao chỉ tiêu theo năng lực thực tế cho trường vào năm 2015, đồng thời đề nghị trường xem xét trách nhiệm và có hình thức xử lý kỷ luật nghiêm khắc đối với cá nhân, tập thể có liên quan trong việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh sai so với quy định.
Trong khi đó, kết luận của Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra đối với tuyển sinh, đào tạo ĐH, CĐ chính quy, ĐH văn bằng 2 và đào tạo đặc biệt… lực lượng giảng viên cơ hữu của Trường ĐH Mở TPHCM còn thiếu về số lượng, trình độ một số ít giảng viên chưa đáp ứng được yêu cầu. Đặc biệt, đối với tuyển sinh, đào tạo liên thông CĐ lên ĐH, trường tuyển vượt chỉ tiêu so với số lượng Bộ GD-ĐT đã phê duyệt: năm 2010 vượt 1.082 sinh viên (33,3%); năm 2011 vượt 1.026 sinh viên (40,2%). Nhiều sinh viên trúng tuyển trong 3 năm (2010 - 2012) chưa đảm bảo điều kiện tham gia dự thi…
Lờn thuốc
Thực tế cho thấy, Bộ GD-ĐT đã ra các văn bản, thông tư quy định và hướng dẫn cụ thể từ việc mở ngành cho đến xác định chỉ tiêu để các trường có cơ sở pháp lý thực hiện. Cụ thể, Thông tư 08 có hiệu lực từ tháng 4-2011, Thông tư 57 có hiệu lực từ tháng 1-2012.
Sau năm đầu tiên thực hiện Thông tư 57 các trường tự xác định chỉ tiêu, Bộ GD-ĐT phát hiện vài chục trường vi phạm tuyển sinh trong năm 2012 và đã cắt giảm chỉ tiêu của 19 trường trong năm 2013. Đối với 5 trường tuyển sinh vượt quá năng lực đào tạo (nhiều năm liền tuyển vượt chỉ tiêu), Bộ GD-ĐT quyết định giao chỉ tiêu tối thiểu ở tất cả các hệ đào tạo chính quy trong năm 2013, gồm: Trường CĐ Kỹ thuật công nghiệp Quảng Ngãi, Trường ĐH Bà Rịa - Vũng Tàu, Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, Trường ĐH Cửu Long, Trường ĐH Ngoại ngữ Tin học TPHCM.
Thật bất ngờ, sang năm 2014 Trường ĐH Công nghiệp TPHCM lại được Bộ GD-ĐT “thưởng” cho chỉ tiêu “khủng”. Hệ ĐH được duyệt 8.000 chỉ tiêu, tăng 3.000 chỉ tiêu so với năm 2013. Tổng chỉ tiêu hệ ĐH, CĐ chính quy của trường năm 2014 lên đến 9.500 chỉ tiêu. Trong khi đó, nhiều năm liền cơ sở này liên tục sai phạm trong tuyển sinh, liên kết đào tạo.
Tháng 2-2014, cùng với việc công bố hơn 200 ngành ĐH ngưng tuyển sinh năm 2014, Bộ GD-ĐT cũng công bố 296 ngành CĐ ở 74 cơ sở giáo dục ĐH không đủ điều kiện đào tạo. Tuy nhiên, dù chuẩn tối thiểu không đạt nhưng những ngành này vẫn được bộ cho tuyển sinh trong năm 2014.
Với điều kiện tối thiểu thấp hơn, thoáng hơn, những tưởng các ngành đào tạo hệ CĐ ở các trường ĐH sẽ dễ dàng vượt chuẩn nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo, nhưng thực tế hoàn toàn trái ngược. Sau khi rà soát và với bản “tự khai” của các trường, dư luận hết sức ngỡ ngàng khi 296 ngành đào tạo CĐ ở 74 trường ĐH không đáp ứng điều kiện cơ bản nhất để tuyển sinh, đào tạo. Dẫn đầu trong số những cơ sở ĐH có ngành CĐ không đạt chuẩn theo Thông tư 08 là những trường ĐH địa phương. Điển hình như Trường ĐH Phạm Văn Đồng có đến 17 ngành, Trường ĐH Phú Yên 15 ngành, Trường ĐH An Giang 11 ngành (duy nhất 2 ngành có 2 thạc sĩ), Trường ĐH Văn hóa Thể thao và Du lịch Thanh Hóa 11 ngành, Trường ĐH Tiền Giang 8 ngành, Trường ĐH Trà Vinh 6 ngành… Đáng nói hơn, nhiều trường có uy tín cũng có tên trong danh sách này như: Trường ĐH Sài Gòn 11 ngành, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM 4 ngành. Nhiều trường ngoài công lập như Trường ĐH Công nghệ TPHCM, Trường ĐH Hoa Sen 3 ngành. Trường ĐH Công nghệ Đồng Nai cũng có nhiều ngành không đủ chuẩn. Trong số những ngành không đủ chuẩn, rất nhiều ngành giảng viên trình độ đại học không có nhưng đã tuyển sinh gần cả chục khóa với hàng trăm sinh viên/ngành.
Với kết quả rà soát trên, dư luận không khỏi lo lắng về chất lượng đào tạo. Nhưng điều khó hiểu tại sao trong thời gian dài những ngành học không đủ chuẩn (không giảng viên thạc sĩ, không giảng viên đại học) nhưng hàng năm vẫn được cấp chỉ tiêu và tuyển sinh vô tư. Có lẽ câu trả lời này phải để Bộ GD-ĐT giải đáp vì việc cấp quyết định mở ngành, duyệt chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm đều do Bộ GD-ĐT quyết định. Song, dường như Bộ GD-ĐT lại thả nổi công tác hậu kiểm trong nhiều năm liền nên mới để viễn cảnh người học đến lớp trong điều kiện thiếu thầy, thiếu chất lượng. Và với cách quản lý dễ dãi như thế, các trường dường như đã lờn thuốc vì chỉ cần “xin” là bộ sẽ “cho”.
THANH HÙNG