Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH trả lời chất vấn: Xử lý hình sự các trường hợp trốn đóng bảo hiểm xã hội

Chiều 6-6, Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH Đào Ngọc Dung và các thành viên Chính phủ liên quan tiếp tục trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề thứ nhất.

Chủ tịch Quốc hội: Xem xét đưa ra xét xử một số vụ trốn đóng BHXH

Phần chất vấn Bộ trưởng Đào Ngọc Dung kết thúc lúc 14 giờ 30. Kết luận phần chất vấn này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, phiên chất vấn có 99 ĐB đăng ký chất vấn. Điều này thể hiện sự quan tâm của ĐB đối với lĩnh vực này.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết thúc nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội, chiều 6-6. Ảnh: QUANG PHÚC

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết thúc nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội, chiều 6-6. Ảnh: QUANG PHÚC

Đã có 46 ĐB tham gia chất vấn, trong đó 35 ĐB trực tiếp đặt câu hỏi và 11 ĐB phát biểu tranh luận. Còn một số ĐB đăng ký nhưng do không đủ thời gian nên chưa phát biểu. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các ĐB gửi câu hỏi chất vấn về Bộ trưởng để được trả lời bằng văn bản theo quy định.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận phiên chất vấn diễn ra sôi nổi, trách nhiệm, đi thẳng vào những vấn đề người dân, cử tri, doanh nghiệp quan tâm.

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH, ngành LĐTB-XH khắc phục tình trạng trốn đóng BHXH, thu gom mua BHXH của người lao động; xem xét đưa ra xét xử một số vụ trốn đóng BHXH; triển khai các giải pháp đồng bộ để phát triển thị trường lao động; thực hiện hiệu quả các chính sách an sinh xã hội; nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp…

Trả lời câu hỏi của đại biểu liên quan đến phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, thời gian tới, chủ trương là sẽ rà soát chính sách tăng trưởng xanh của đất nước, phát triển nguồn nhân lực, giáo dục và đào tạo, khoa học công nghệ. Tất cả những vấn đề này có liên quan mật thiết đến 1 trong 3 đột phá đó là phát triển nguồn nhân lực.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trả lời các vấn đề liên quan vào chiều 6-6. Ảnh: QUANG PHÚC

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trả lời các vấn đề liên quan vào chiều 6-6. Ảnh: QUANG PHÚC

Phó Thủ tướng cho biết, thời gian tới cần tập trung cho vấn đề nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, tập trung đầu tư cho nguồn nhân lực, có sự kết nối liên thông từ giáo dục phổ thông đến trung cấp, cao đẳng, đại học, cao học và tiến sĩ. Điều này đòi hỏi sự kết nối liên thông giữa nghiên cứu cơ bản với nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, nghiên cứu triển khai. Trong đó, đào tạo cần sự phân bổ các nguồn lực để tập trung đào tạo, đặc biệt đối với doanh nghiệp cần quan tâm đến nghiên cứu liên quan đến trí tuệ nhân tạo, dược sinh học, kết nối vạn vật, máy tính lượng tử, năng lượng mới….

Theo Phó Thủ tướng, đây là những tiềm năng tạo ra công ăn việc làm cho lao động, nhưng phải xuất phát từ nguồn lực. "Việt Nam có thể đi sau nhưng có thể đón đầu, đặc biệt liên quan đến chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng", Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nói.

2.300 tỷ đồng không dùng đến sẽ hoàn trả ngân sách

ĐB Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) chất vấn, chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động đến nay đã hết thời hạn thực hiện nhưng mới giải ngân được 64,6%. ĐB đề nghị Bộ trưởng giải thích nguyên nhân giải ngân chậm và nêu rõ trách nhiệm thuộc về ai trong vấn đề này?

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, thực hiện Nghị quyết số 43 của Quốc hội về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, nhằm phục hồi thị trường lao động, thu hút người lao động quay trở lại thị trường. Quốc hội cho phép sử dụng tối đa 6.800 tỷ đồng để hỗ trợ nhà ở cho người lao động. Nhưng, thực tế chỉ sử dụng hết 4.500 tỷ đồng. Đến nay, tất cả các đối tượng thuộc diện đó đều được cấp tiền theo quy định. Gói chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động còn 2.300 tỷ đồng chưa sử dụng đến, là do không đúng mục tiêu, vì vậy giữ lại, hoàn trả ngân sách.

"Bộ sẽ báo cáo Chính phủ chuyển sang cho việc khác, cũng trong chính sách hỗ trợ cho người lao động", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.

Phải cân đối hài hòa giữa đào tạo “thợ” và “thầy”

ĐB Đỗ Chí Nghĩa (Phú Yên) nêu, Chỉ thị 21 của Ban Bí thư đặt mục tiêu đến năm 2023 thu hút được 50-55% học sinh vào các trường nghề. Có ý kiến cho rằng, đây là mục tiêu khó nhưng sẽ dễ hơn nhiều nếu thống nhất được hệ thống giáo dục nghề nghiệp với hệ thống giáo dục phổ thông và cùng một bộ thực hiện quản lý nhà nước. Quan điểm của Bộ trưởng như thế nào về việc thống nhất hệ thống giáo dục nghề nghiệp với hệ thống giáo dục phổ thông? Bởi lẽ, hiện nay, trên cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD-ĐT không có tên các trường nghề của Bộ LĐTB-XH, còn trong tổng kết năm học của các trường THPT cũng chỉ nêu tỷ lệ đỗ đại học như một sự vinh danh, không nêu tỷ lệ đỗ trường nghề.

ĐB Đỗ Chí Nghĩa (Phú Yên) chất vấn ngày 6-6. Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Đỗ Chí Nghĩa (Phú Yên) chất vấn ngày 6-6. Ảnh: QUANG PHÚC

Bộ trưởng cho biết, chủ trương phân luồng học sinh đã thực hiện từ lâu, để điều chỉnh cơ cấu lao động, cân đối hài hòa giữa đào tạo “thợ” và “thầy” trong quy mô đào tạo chung.

Về giải pháp, trước hết cần tập trung tạo chuyển biến nhận thức xã hội về ý nghĩa của việc học nghề, yêu cầu kỹ năng nghề nghiệp để tiếp cận công việc mới, nâng cao thu nhập, liên thông học tập suốt đời; rà soát bổ sung toàn bộ hệ thống các chính sách về giáo dục nghề nghiệp, gắn giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động theo hướng mở, liên thông, thực hiện học văn hóa trong trường nghề; đẩy nhanh lộ trình phổ cập nghề cho thanh niên nông thôn, đặc biệt là thanh niên miền núi…

Bộ trưởng nhấn mạnh, việc phân luồng đòi hỏi có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành. Bộ GD-ĐT chịu trách nhiệm phân luồng, còn Bộ LĐTB-XH chuẩn bị hệ thống “đầu ra” là các trường nghề để tiếp nhận học sinh.

“Quan trọng nhất là quản lý nhà nước phải thống nhất đầu mối để bảo đảm hiệu quả, ai làm tốt hơn thì giao, không quyền anh, quyền tôi. Việc phân công này Chính phủ đã bàn rất kỹ”, Bộ trưởng cho biết.

Cơ quan tư pháp cần vào cuộc, hệ thống pháp luật không thể “bất lực” trước tình trạng nợ đọng BHXH

Đầu giờ làm việc chiều 6-6, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) tranh luận về việc chưa xử lý được tình trạng nợ đọng BHXH. ĐB bày tỏ sự ngạc nhiên với con số nợ đóng BHXH từ 1 tháng trở lên. Thống kê của BHXH Việt Nam, cộng dồn đến hết năm 2022 có hơn 2,13 triệu lao động bị doanh nghiệp chậm đóng BHXH từ 1 đến dưới 3 tháng; 440.800 người bị nợ đóng từ 3 tháng trở lên và gần 213.400 người bị "treo" sổ tại các doanh nghiệp đã giải thể, ngừng hoạt động, nợ BHXH khó thu hồi. Số đang bị nợ BHXH chiếm 17,4% tổng số lao động tham gia BHXH bắt buộc. Việc chậm đóng diễn ra ở tất cả loại hình doanh nghiệp với số tiền phải tính lãi hơn 13.150 tỷ đồng, chiếm 2,91% tổng số phải thu.

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) tranh luận, chiều 6-6. Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) tranh luận, chiều 6-6. Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Trương Trọng Nghĩa đề nghị viện kiểm sát, tòa án, cơ quan điều tra, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội vào cuộc vấn đề này. Không thể nói không có cơ sở để xử lý hình sự các trường hợp trốn đóng BHXH, chiếm dụng tiền BHXH của người lao động. Hoàn toàn có thể xử lý hình sự, các cơ quan tư pháp cần vào cuộc. Không thể để tình trạng này kéo dài, hệ thống pháp luật không thể “bất lực”.

Trả lời về nội dung này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, ý kiến này rất xác đáng và cũng rất mong điều đó, hy vọng sẽ có một đầu mối để xử lý dứt điểm tình trạng này.

Theo báo cáo của BHXH, số tiền chậm đóng, trốn đóng BHXH phải tính lãi đến hết năm 2022 là 8.560 tỷ đồng, tăng 121 tỷ đồng so với năm 2021, chiếm 2,69% trên số phải thu BHXH. Trong đó, có khoảng 26.670 đơn vị đã phá sản, đang làm thủ tục giải thể, phá sản; đơn vị ngừng hoạt động và không có người đại diện theo pháp luật làm ảnh hưởng đến quyền lợi của 206.468 người lao động. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tình hình kinh tế thế giới có nhiều sự bất ổn, bước vào thời kỳ suy thoái, các doanh nghiệp Việt Nam cũng bị ảnh hưởng lớn, phải cho người lao động nghỉ việc, ngừng việc do thiếu đơn hàng, khó khăn tài chính…

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trao đổi với các đại biểu Quốc hội TPHCM sau phiên chất vấn sáng 6-6. Ảnh: QUANG PHÚC

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trao đổi với các đại biểu Quốc hội TPHCM sau phiên chất vấn sáng 6-6. Ảnh: QUANG PHÚC

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH Đào Ngọc Dung sau phiên chất vấn sáng 6-6. Ảnh: QUANG PHÚC

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH Đào Ngọc Dung sau phiên chất vấn sáng 6-6. Ảnh: QUANG PHÚC

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Phải có tư duy của nền kinh tế nông nghiệp

Trong phần chất vấn Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan nói thêm về vấn đề đào tạo lao động nghề nông thôn.

Ông cho biết, Bộ NN-PTNT đã thiết kế phát triển khu vực kinh tế nông thôn gắn với nâng cao kiến thức, kỹ năng cho lao động nông nghiệp, lao động phi nông nghiệp là yêu cầu bức thiết.

Theo Bộ trưởng, Bộ NN-PTNT và Bộ LĐTB-XH thiết kế hệ thống chương trình nhưng nhu cầu lao động xuất phát từ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương của từng cấp xã, huyện, tỉnh. Bộ trưởng khẳng định, đào tạo nghề nông thôn không chỉ là đào tạo nghề nông, mà đã chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Tuy nhiên, kinh tế nông nghiệp là một chuỗi ngành hàng và những giá trị tích hợp, cần thêm những ngành nghề khác.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan trả lời các vấn đề đại biểu quan tâm, sáng 6-6. Ảnh: QUANG PHÚC

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan trả lời các vấn đề đại biểu quan tâm, sáng 6-6. Ảnh: QUANG PHÚC

Căn cứ vào nhu cầu của địa phương, Bộ NN-PTNT sẽ tập trung đào tạo theo nhu cầu gắn với sự phát triển của địa phương. Bộ cũng đã đề ra kế hoạch tái cấu trúc đào tạo nghề nông thôn gắn với sự phát triển nông thôn.

“Phải là tư duy của nền kinh tế nông nghiệp chứ không chỉ là tư duy sản xuất nông nghiệp. Do vậy, cần đào tạo theo chuỗi ngành hàng từ sản xuất, đến bảo quản, thu hoạch, chế biến, thương mại điện tử; mỗi khâu có ngành nghề kèm theo….”, Bộ trưởng nêu.

Bộ NN-PTNT đã xây dựng 5 vùng nguyên liệu và đào tạo theo đúng quy trình để phát huy tất cả nguồn nhân lực phục vụ cho vùng nguyên liệu.

Quyết liệt xử lý tình trạng cấu kết, lập khống, làm giả hồ sơ hưởng chế độ, chi sai chế độ

Về ý kiến chất vấn của ĐB Lý Tiết Hạnh (Bình Định) rằng có cần gói hỗ trợ trực tiếp cho người lao động trong giai đoạn hiện nay như hỗ trợ trong giai đoạn Covid-19, bởi một bộ phận người dân người lao động gặp không ít khó khăn, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, cơ quan tham mưu đang đánh giá kỹ thực trạng tình hình, dự báo chính xác tình hình từ nay đến Tết và năm 2024 để có chính sách dài hạn và ngắn hạn. Bộ trưởng cũng chia sẻ cá nhân mình không có thẩm quyền nói ngay, quyết ngay chính sách lúc này mà trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định, các chính sách đó ở mức độ nào, tung ra lúc nào sẽ do cấp có thẩm quyền xem xét.

ĐB Lý Tiết Hạnh (Bình Định) chất vấn sáng 6-6. Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Lý Tiết Hạnh (Bình Định) chất vấn sáng 6-6. Ảnh: QUANG PHÚC

Trả lời ĐB Lý Văn Huấn (Thái Nguyên) về tình trạng cấu kết, lập khống, làm giả hồ sơ hưởng chế độ, chi sai chế độ, Bộ trưởng cho biết, thời gian qua đã xử lý quyết liệt thông qua công tác thanh tra, kiểm tra, hiện đã giảm đi. Trong năm 2021, đã phát hiện và yêu cầu thu hồi về quỹ BHXH số tiền 9,5 tỷ đồng hưởng chế độ sai quy định (chiếm 0,006% tổng số tiền chi trả các chế độ BHXH trong năm 2021). Có thể nói 2 năm qua, sau chất vấn của Quốc hội, bộ làm rất quyết liệt, 1/3 số đoàn thanh tra của bộ là để xử lý vi phạm BHXH, đã có 2.995 kiến nghị được xử lý; ban hành 205 quyết định xử phạt, qua đó giảm tình trạng chậm đóng BHXH. Thời gian tới, bộ sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH.

Phát biểu tranh luận, ĐB Lý Văn Huấn cho rằng, Bộ trưởng chưa trả lời vào trọng tâm câu hỏi của mình. Đây là 1 vi phạm hình sự chứ không phải vi phạm hành chính, vấn đề vi phạm hình sự thì Bộ trưởng phải chỉ đạo xử lý các vụ việc này như thế nào?

Không có việc tranh chấp quyền lợi giữa Bộ GD-ĐT và Bộ LĐTB-XH

ĐB Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Bình Dương) nêu thực tế hiện có rất nhiều trường đại học trên cả nước, học sinh tốt nghiệp THPT dễ dàng có được tấm bằng cử nhân, thậm chí sau đại học. Nhưng sinh viên ra trường nhiều em không có việc làm, phải đào tạo lại, rất lãng phí. “Vậy theo Bộ trưởng thế nào là nhất lực chất lượng cao, do đâu người lao động phải chịu trách nhiệm với quyết định của mình? Trách nhiệm của Bộ LĐTB-XH và Bộ GD-ĐT đến đâu trên cương vị quản lý nhà nước của mình, có phải do trùng lợi khi giao nhiệm vụ mà dẫn đến tình trạng này hay không?”, ĐB chất vấn.

ĐB Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Bình Dương) chất vấn sáng 6-6. Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Bình Dương) chất vấn sáng 6-6. Ảnh: QUANG PHÚC

Trả lời, Bộ trưởng nói việc đào tạo nhân lực chất lượng cao không chỉ là nhiệm vụ của 2 bộ. Chính phủ đã có phân công rất rõ nhiệm vụ của các bộ ngành. Hai bộ GD-ĐT và Bộ LĐTB-XH có sự liên hệ rất chặt chẽ, liên thông, không trùng lắp, không có việc tranh chấp quyền lợi gì ở đây cả, tất cả vì lợi ích chung.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội về vấn đề thu sai đối tượng BHXH, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, năm 2003, chúng ta có chủ trương mở rộng độ bao phủ BHXH, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có văn bản hướng dẫn cho một số tỉnh về đóng BHXH. Có 54 tỉnh thu của 4.240 đối tượng từ năm 2003 đến năm 2016, đến năm 2016 thì có chủ trương dừng lại, nhưng có một số đối tượng vẫn nộp tiếp đến năm 2020 thì dừng hẳn.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời các vấn đề đại biểu quan tâm. Ảnh: QUANG PHÚC

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời các vấn đề đại biểu quan tâm. Ảnh: QUANG PHÚC

Bộ trưởng cho rằng, về bản chất và đạo lý không có gì sai, nhưng vẫn bị vướng về quy định pháp luật. Cụ thể, quy định của pháp luật BHXH là phải có hợp đồng về giao kết bảo hiểm, nhưng ở đây, các chủ hộ kinh doanh không có hợp đồng giao kết, mà chỉ có hợp đồng của họ với nhân viên, những nhân viên của họ được nộp BHXH bắt buộc, nhưng đối với các chủ hộ thì không có hợp đồng với ai cả nên không được nộp bảo hiểm.

Về bản chất, những đối tượng này vừa là chủ hộ, vừa là người lao động, vừa có thu nhập, nên việc được tham gia bảo hiểm có thể coi là chấp nhận được, nhưng pháp luật lại không quy định, nên có thể kết luận là sai đối tượng. Bộ trưởng cho rằng, tới đây, khi tiến hành sửa đổi luật BHXH sẽ cho phép chủ hộ kinh doanh được tham gia BHXH bắt buộc. Thời gian tới, Bộ Tài chính tham mưu đề xuất có gói hỗ trợ với khoảng 23.000 tỷ đồng để hỗ trợ người lao động trong giai đoạn khó khăn này.

Lao động Việt Nam ngoại ngữ chưa tốt, một bộ phận ý thức kỷ luật chưa cao

ĐB Nguyễn Thị Hồng Hạnh (TPHCM) cho rằng, sàn giao dịch việc làm là nơi kết nối người lao động và doanh nghiệp, nhưng hệ thống sàn giao dịch việc làm hiện nay chất lượng liệu có đáp ứng yêu cầu? ĐB cũng nêu câu hỏi với Bộ trưởng về chất lượng người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài ra sao?

ĐB Nguyễn Thị Hồng Hạnh (TPHCM) chất vấn sáng 6-6. Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Nguyễn Thị Hồng Hạnh (TPHCM) chất vấn sáng 6-6. Ảnh: QUANG PHÚC

Theo Bộ trưởng, sàn giao dịch việc làm là thiết chế quan trọng, có vai trò quan trọng với thị trường lao động, nhất là ở những nơi phát triển mạnh như TPHCM, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai. Hiện nay sàn giao dịch việc làm giao cho Sở LĐTB-XH các địa phương quản lý, do đó Bộ trưởng mong các địa phương quan tâm vấn đề này.

Đối với chất lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, Bộ trưởng khẳng định xuất khẩu lao động là giải pháp để tăng thu nhập, tạo cơ hội cho lao động tiếp cận kỹ thuật, công nghệ các ngành nghề. Hiện chỉ có 3 thị trường có thu nhập cao là Đức, Nhật, Hàn, còn lại các thị trường khác có thu nhập khoảng 600-700 USD/tháng/người. Các quốc gia tiếp nhận đều đánh giá cao trình độ của lao động Việt Nam, nhưng “chê” 2 điểm là ngoại ngữ chưa tốt, một bộ phận lao động ý thức kỷ luật chưa cao.

Bộ trưởng nhấn mạnh, đến nay, quan điểm của chúng ta là tăng cường đào tạo, nâng cao trình độ lao động; lựa chọn thị trường có môi trường công việc, thu nhập tốt, không đưa lao động đi bằng mọi giá; tăng cường công tác quản lý, giám sát người lao động.

Chính sách điều chỉnh, thay đổi nhiều dẫn đến sự bất an cho người lao động tham gia BHXH

ĐB Trần Thị Diệu Thúy (TPHCM) cho rằng, làn sóng rút BHXH 1 lần trong công nhân, người lao động thời gian qua có dấu hiệu gia tăng, đặc biệt tăng cao khi có thông tin sửa Luật BHXH. Qua thông tin nắm được từ công nhân, người lao động tại TPHCM, nguyên nhân lớn nhất vẫn là sự bất an của người lao động đối với sự ổn định chính sách BHXH. Công nhân xem BHXH là “của để dành” của cá nhân nhưng lo sợ chính sách mới ban hành sẽ hạn chế quyền tự quyết, chủ động của công nhân, người lao động về mức lương hưu sẽ không đủ sống. ĐB hỏi Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH về giải pháp ra sao?

Đại biểu Trần Thị Diệu Thúy (TPHCM) chất vấn sáng 6-6. Ảnh: QUANG PHÚC

Đại biểu Trần Thị Diệu Thúy (TPHCM) chất vấn sáng 6-6. Ảnh: QUANG PHÚC

Trước năm 2019, bình quân mỗi năm có 500.000 người rút BHXH 1 lần, từ đầu năm 2023 là trên 900.000 người. Số rút BHXH 1 lần gần bằng với số vào, đây là nguy cơ. Theo Bộ trưởng, nếu tình trạng rút bảo hiểm 1 lần không giảm bớt sẽ dẫn đến nguy cơ khi về già, về hưu cho người lao động; nguy cơ cho hệ thống chính sách an sinh xã hội khó đảm bảo tính bền vững.

Bộ trưởng cũng nêu những lý do cơ bản dẫn đến rút BHXH 1 lần, trước hết đó là trong đời sống, thu nhập của người lao động gặp khó khăn nên đã rút “của để dành”. Bộ trưởng nói đã nghiên cứu kỹ vấn đề này, trong đó nhận thấy công chức, viên chức rút BHXH rất ít, chủ yếu rơi vào công nhân, người lao động. Đồng thời, khu vực rút bảo hiểm gia tăng ở khu vực phía Nam chiếm tới 72% của cả nước. “Đây là vấn đề chúng tôi phải suy nghĩ”, Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói, không có quốc gia nào có cơ chế rút BHXH 1 lần dễ dàng như Việt Nam. Bộ trưởng chia sẻ đã từng mời chuyên gia nước ngoài về lĩnh vực BHXH để “bày mưu tính kế” giúp ông khắc phục giải pháp rút BHXH 1 lần.

Bộ trưởng thuật lại vị chuyên gia này nói “Việt Nam hào phóng cho hưởng mức bảo hiểm và hào phóng cả chuyện rút bảo hiểm 1 lần. Bây giờ khắc phục là khó đấy”. Theo thông lệ quốc tế chỉ cho rút BHXH trong 2 trường hợp đó là mắc bệnh nan y hoặc định cư nước ngoài. Trong khi ở Việt Nam cho rút tự do theo nhu cầu và quyền của người lao động. Bộ trưởng cũng nhìn nhận còn 1 nguyên nhân nữa đó là công tác truyền thông, vận động chưa làm tốt. Vì vậy, ngoài chính sách ra thì công tác vận động, tuyên truyền cũng quan trọng.

Nói về giải pháp căn cơ, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, có 2 vấn đề lớn đó là đời sống người lao động và hiệu ứng của việc sửa Luật BHXH. Vì vậy, có 1 bộ phận tranh thủ “thời cơ” sửa luật để rút BHXH. Bộ trưởng cho rằng, tinh thần sửa luật là theo hướng không hạn chế quyền mà tăng quyền lợi người lao động.

Chưa hài lòng với trả lời của bộ trưởng, ĐB Trần Thị Diệu Thúy tranh luận liên quan đến vấn đề rút BHXH 1 lần, trong đó có nguyên nhân lớn nhất mà bộ trưởng nói là công tác tuyên truyền. Đại biểu cho rằng sẽ tiếp thu để điều chỉnh trong thời gian tới, tuy nhiên, mong muốn của công nhân, người lao động là chính sách phải nhất quán, tính ổn định lâu dài. Khi chính sách điều chỉnh, thay đổi nhiều dẫn đến sự bất an cho người lao động khi tham gia BHXH. Đại biểu cho rằng, cử tri mong muốn Bộ trưởng trả lời sửa luật theo hướng tăng quyền lợi là quyền lợi gì để người lao động an tâm, suy nghĩ lại các quyết định của mình liên quan đến BHXH?

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng có mấy nguyên nhân quan trọng nhưng quan trọng là cải thiện đời sống, thu nhập người lao động, đây là nguyên nhân sâu xa nhất. Thứ hai, cũng có nguyên nhân nữa, nhất là phía Nam tung ra chính sách sửa Luật BHXH, thông tin ngược giảm quyền lợi người lao động. Trong các hạn chế, trong quá trình tổ chức chưa quan tâm đầy đủ công tác thông tin, tuyên truyền đối với người lao động. Nếu làm tốt hơn công tác này thì sẽ không đến mức độ. Bộ trưởng đề cập đến trách nhiệm của các cơ quan có liên quan.

Vấn đề sửa Luật BHXH, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, chắc chắn tính tổng thể các chính sách liên quan đến bảo hiểm. Bộ trưởng ví dụ, người lao động nếu tiếp tục đóng 20 năm thì không chờ đợi, nhất là những ngành thâm dụng lao động, kéo dài 20 năm mà nam đủ 62 tuổi thì rất khó cho cả nam lẫn nữ. Quan điểm thời gian rút bảo hiểm sẽ giảm đến 15 năm và tiến tới có thể 10 năm theo thông lệ quốc tế. Đương nhiên đóng ngắn, đóng ít thì hưởng lương hưu ít. “Chúng ta có nguyên tắc chia sẻ nhưng chia sẻ chỉ một phần. Nguyên tắc bình đẳng và đóng hưởng là nguyên tắc hàng đầu”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Bộ trưởng nói dừng bảo hiểm 1 lần là rất khó khăn và nguyên tắc là tiếp tục. Quyết định trong trường hợp nào được rút, rút như thế nào và mức độ rút sẽ do Quốc hội quyết định trong kỳ họp sau. "Cá nhân Bộ trưởng không quyết định được”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

ĐB Trần Hồng Nguyên (Bình Thuận) đề nghị làm rõ những giải pháp căn cơ hỗ trợ đời sống công nhân tại các khu công nghiệp vì thu nhập người lao động hiện nay rất khó khăn.

ĐB Trần Hồng Nguyên (Bình Thuận) chất vấn sáng 6-6. Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Trần Hồng Nguyên (Bình Thuận) chất vấn sáng 6-6. Ảnh: QUANG PHÚC

Trả lời, Bộ trưởng cho rằng, thu nhập của người lao động được cải thiện, cụ thể thu nhập bình quân của người lao động quý 1-2023 là 7 triệu đồng (tăng 640.000 đồng so với cùng kỳ năm trước). Về cơ bản thu nhập của người lao động được cải thiện nhiều trong thời gian qua. Tuy vậy, nhìn chung đời sống của người lao động vẫn còn khó khăn, nhất là công nhân tại các khu công nghiệp. Các giải pháp tăng thu nhập cho người lao động phải đồng bộ, từ bảo đảm công ăn việc làm, chính sách an sinh, các chính sách hỗ trợ người lao động...

Có giải pháp chăm lo cho công nhân nữ lớn tuổi

ĐB Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) chất vấn về giải pháp hỗ trợ lao động nữ mất việc làm ở tuổi ngoài 40, dẫn đến nguy cơ các đối tượng này phải rút BHXH 1 lần, ảnh hưởng đến an sinh xã hội lâu dài.

ĐB Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) chất vấn sáng 6-6. Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) chất vấn sáng 6-6. Ảnh: QUANG PHÚC

Bộ trưởng cho biết, khi đi khảo sát, cùng sinh hoạt và ăn cơm cùng công nhân, ông thấy hầu hết lao động trong các ngành dệt may, giày da là lao động nữ, thậm chí có ngành nghề tới 80% là nữ. Đối tượng bị giãn việc, mất việc làm cũng hầu hết rơi vào lao động nữ. Trong làn sóng hơn 3 triệu người trở về các địa phương vừa qua, phần đông cũng là những người mẹ đem theo con. Vì vậy, để hạn chế tình trạng việc sa thải lao động nữ trên 40 tuổi, cần phải đào tạo lao động ngay từ sớm, khi họ chưa thất nghiệp; còn đã qua tuổi 40 với ngành dệt may quả thật là rất khó khăn với người lao động vì mắt đã mờ, chân đã chậm, năng suất làm việc thấp. Phải có giải pháp chăm lo cho công nhân nữ lớn tuổi như tạo điều kiện doanh nghiệp sản xuất, tạo việc làm ổn định, chăm lo phúc lợi xã hội thiết yếu, chủ động đào tạo từ sớm, từ xa. Đề nghị địa phương có cơ chế, chính sách tạo việc làm cho lao động nữ thích ứng với điều kiện mới; chăm lo hệ thống phúc lợi xã hội thiết yếu để giảm bớt khó khăn cho phụ nữ.

ĐB Nguyễn Duy Thanh (Cà Mau) chất vấn, năng suất lao động của Việt Nam thấp, giải pháp nào để ngang bằng các nước trên thế giới? Bộ trưởng cho rằng, ông không đồng tình khi nói năng suất lao động của Việt Nam thấp hơn cả các nước xung quanh. "Tôi không đồng tình với một số ý kiến nói năng suất lao động Việt Nam thấp hơn một số nước xung quanh chúng ta như Lào, Campuchia", Bộ trưởng khẳng định. Tuy vậy, năng suất lao động của Việt Nam thấp hơn mặt bằng thế giới là đúng, cần phải triển khai nhiều giải pháp để tăng cao năng suất lao động.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trao đổi với các đại biểu trong giờ giải lao của phiên chất vấn sáng 6-6. Ảnh: QUANG PHÚC

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trao đổi với các đại biểu trong giờ giải lao của phiên chất vấn sáng 6-6. Ảnh: QUANG PHÚC

Lao động đi nước ngoài bị lừa do công ty "ma"

Về lao động đi nước ngoài, Bộ trưởng thông tin, hiện nay cả nước có 482 doanh nghiệp được cấp phép. Năm 2022, có 142.000 người đi lao động nước ngoài. Theo Bộ trưởng, số lao động được các công ty có giấy phép đưa đi thì ít bị lừa, phần nhiều người lao động đi nước ngoài bị lừa qua các công ty "ma", công ty không được cấp phép. Trường hợp người lao động bị những công ty có giấy phép lừa cũng có nhưng là số ít. Họ lừa để lấy tiền chi phí cao hơn và khi sang nước ngoài thì làm việc không đúng như cam kết... Trong năm 2022, các cơ quan chức năng đã xử phạt 62 doanh nghiệp và thu hồi giấy phép 4 doanh nghiệp.

Thiếu 1 triệu lao động ngành công nghệ thông tin

ĐB Phúc Bình Nie Kdăm (Đắk Lắk) chất vấn: Đưa ra giải pháp thế nào khi dự báo thiếu khoảng 1 triệu lao động trong lĩnh vực công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số quốc gia?

Đại biểu Phúc Bình Nie Kdăm (Đắk Lắk) chất vấn sáng 6-6. Ảnh: QUANG PHÚC

Đại biểu Phúc Bình Nie Kdăm (Đắk Lắk) chất vấn sáng 6-6. Ảnh: QUANG PHÚC

Trả lời ĐB, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, Việt Nam là quốc gia có nhiều lợi thế để phát triển công nghệ thông tin, trong đó đất nước đang thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số quốc gia. Đây là điều kiện, cơ hội để ngành công nghệ thông tin phát triển. Dù cơ sở hạ tầng, điều kiện, cơ hội là có nhưng vẫn thiếu khoảng 1 triệu lao động công nghệ thông tin. Thời gian tới, Bộ trưởng cho biết, các trường trung cấp nghề, cao đẳng, đại học sẽ mở rộng đào tạo ngành công nghệ thông tin để cung cấp cho thị trường lao động nguồn nhân lực này.

Trước chất vấn của các ĐB về thu hút học sinh vào các trường nghề, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng việc thu hút học sinh vào trường nghề không dễ dàng. Dù vậy gần đây số học sinh vào học trung cấp nghề tăng lên nhờ mô hình 9+ theo mô hình Nhật Bản.

Bộ trưởng giải thích thêm, học sinh vào trường nghề vừa học văn hóa vừa học nghề, khi ra trường vừa có bằng nghề vừa có bằng tốt nghiệp phổ thông theo các tiêu chuẩn, quy định chung của Bộ GD-ĐT. Điều này rút ngắn thời gian và thích ứng, tạo điều kiện hơn khi ra trường tham gia vào thị trường lao động. Mô hình này được áp dụng nhiều ở các nước phát triển. Dù vậy thời gian tới, Bộ LĐTB-XH sẽ đánh giá thêm mô hình này, hiệu quả đích thực thế nào để điều chỉnh cho phù hợp hơn.

Kiên quyết chấn chỉnh tình trạng lao động Việt Nam bỏ trốn

ĐB Trần Quang Minh (Quảng Bình) chất vấn về tình trạng lao động Việt Nam bỏ trốn khi lao động ở nước ngoài gây nhiều hệ lụy, đâu là giải pháp?

ĐB cũng nêu vấn đề: Giải pháp cho tình trạng cán bộ, công chức, viên chức thôi việc, có nguyên nhân vì chế độ tiền lương?

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn. Ảnh: QUANG PHÚC

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn. Ảnh: QUANG PHÚC

Theo Bộ trưởng, tình trạng lao động Việt Nam bỏ trốn khi lao động ở nước ngoài không còn bức xúc như năm 2017, khi đó tỷ lệ trốn ở Hàn Quốc là 57%, Hàn Quốc thậm chí phải dừng chương trình tiếp nhận lao động. Sau hơn 4 năm kiên trì các giải pháp, kể cả từ phía Hàn Quốc, đến nay tình trạng đã đỡ hơn, tỷ lệ là 24,6%, thuộc diện thấp. Theo quy định của Hàn Quốc, tỷ lệ này dưới 30% là được gỡ bỏ các biện pháp “trừng phạt”.

Hiện nay vẫn đang dừng chương trình đưa người lao động đi làm việc ở Hàn Quốc ở nhiều địa phương của các tỉnh thành.

Về tình trạng cán bộ, công chức, viên chức thôi việc, có nguyên nhân vì chế độ tiền lương, Bộ trưởng cho rằng, vấn đề này vừa qua đã được nói nhiều, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng đã trả lời đầy đủ. Nhưng theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, lao động dù ở khu vực công hay tư thì vấn đề bảo đảm thu nhập cho họ đều rất quan trọng.

Có học sinh thì đào tạo, chưa đào tạo theo nhu cầu thị trường

ĐB Trần Thị Thanh Hương (An Giang) chất vấn về đào tạo nghề còn trùng lắp, không hiệu quả?

ĐB Trần Thị Thanh Hương (An Giang) chất vấn sáng 6-6. Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Trần Thị Thanh Hương (An Giang) chất vấn sáng 6-6. Ảnh: QUANG PHÚC

Bộ trưởng cho biết, vừa qua công tác tuyển sinh, hướng nghiệp có nhiều tiến bộ. Tuy vậy, mạng lưới còn nhiều vấn đề. Cùng trên địa bàn nhưng có nhiều trường nghề, dẫn đến tình trạng số người học thiếu, rồi nghề đào tạo ra khó xin việc. Do đó, phải hướng tới việc đào tạo gắn với nhu cầu, phải kiên quyết làm. Chỉ đào tạo khi có nhu cầu, khi các trường có sự liên kết, đặt hàng được với doanh nghiệp. Chỉ có như vậy thì đào tạo nghề ra mới bảo đảm có việc làm.

Bộ trưởng thừa nhận có sự trùng lắp trong ngành nghề đào tạo. Hiện nay các trường được tự chủ trong đào tạo. Nhưng tình trạng chung của các trường nghề hiện nay là có học sinh thì đào tạo, chứ chưa đào tạo theo nhu cầu, theo địa chỉ. Hiện Bộ đã chỉ đạo quy hoạch lại hệ thống các trường nghề, sáp nhập lại, sắp xếp lại hệ thống các trường nghề theo tinh thần “về 1 đầu mối”.

Năm 2023, tất cả các trường nghề sẽ phải quy hoạch lại như chỉ đạo của Chính phủ để tránh trùng lặp về ngành nghề đào tạo.

Xây dựng Chiến lược an sinh xã hội

ĐB Trịnh Minh Bình (Vĩnh Long) chất vấn về công tác bảo đảm an sinh xã hội.

ĐB Trịnh Minh Bình (Vĩnh Long) chất vấn sáng 6-6. Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Trịnh Minh Bình (Vĩnh Long) chất vấn sáng 6-6. Ảnh: QUANG PHÚC

Theo Bộ trưởng, công tác an sinh xã hội vừa qua được làm rất tốt, chính sách đến với người dân nhanh nhất, hiệu quả nhất, ít tiêu cực nhất, dù chúng ta có cả chính sách phát tiền mặt.

Thời gian tới sẽ tiếp tục quan tâm công tác này, dựa trên dự báo về tình hình kinh tế-xã hội. Bộ sẽ đánh giá bài bản về vấn đề này, cùng với các bộ ngành xây dựng Chiến lược an sinh xã hội, báo cáo cấp có thẩm quyền và “tung ra” đúng thời điểm.

Cần chế tài mạnh mẽ xử lý doanh nghiệp chậm, trốn đóng bảo hiểm

ĐB Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) cho rằng việc chậm đóng bảo hiểm ảnh hưởng đến hàng trăm nghìn lao động, gây hệ lụy lớn. Vậy hướng giải quyết, xử lý các trường hợp doanh nghiệp chậm đóng hoặc trốn đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động là gì? Cùng với đó, đại biểu đặt vấn đề giải quyết thế nào đối với các trường hợp thu sai bảo hiểm đối với các chủ hộ kinh doanh cá thể?

ĐB Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) chất vấn sáng 6-6. Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) chất vấn sáng 6-6. Ảnh: QUANG PHÚC

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời, hết năm 2022, tình trạng chậm đóng, trốn đóng tính cả tiền gốc lẫn lãi là 8.560 tỷ đồng (tăng 2,69% so với năm 2021). Trong đó 26.670 doanh nghiệp, đơn vị chậm đóng, trốn đóng đã gây ảnh hưởng trên 260.000 lao động.

Nguyên nhân được Bộ trưởng nêu ra là doanh nghiệp làm ăn khó khăn, cá biệt có doanh nghiệp trốn đóng. Thời gian vừa qua, Bộ LĐTB-XH đã điều chỉnh giải pháp để đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Bộ trưởng cho rằng các giải pháp đã được triển khai nhưng trên nguyên tắc người lao động thu đến đâu thực hiện chính sách đến đó để hưởng chế độ, chính sách BHXH. Đồng thời tạo điều kiện để người lao động đóng tiếp khi làm việc ở nơi mới hoặc bảo lưu. Thời gian tới, bộ sẽ tham mưu sửa Luật BHXH để có quy định rõ hành vi chậm đóng, trốn đóng nhằm xử lý nghiêm. Hiện nay thì các hành vi trốn đóng cũng rất khó xử lý hình sự vì vướng quy định. Ngoài ra, bộ cũng đề xuất cần áp chế tài mạnh hơn đối với các hành vi chậm đóng, trốn đóng theo thông lệ quốc tế.

Về chủ hộ kinh doanh, Bộ trưởng cho rằng, thời gian vừa qua cơ quan BHXH có thu sai một tỷ lệ không nhỏ. Việc thu sai này diễn ra từ năm 2003 đến năm 2016, Bộ phát hiện và đã chấn chỉnh về cơ bản đã giải quyết, vừa kết thúc 8 đoàn kiểm tra để kịp thời xử lý, giải quyết đảm bảo quyền lợi cho các chủ hộ kinh doanh bị thu sai.

Bộ trưởng nhấn mạnh, quan điểm của ông là đặt lợi ích người lao động, chủ hộ kinh doanh lên hàng đầu, cơ quan công quyền làm sai thì xin lỗi và có giải pháp để khắc phục, đảm bảo quyền lợi cho người dân. Ông cũng thông tin các hướng xử lý, trong đó khuyến khích chủ hộ kinh doanh bị thu sai chuyển sang đóng bảo hiểm bắt buộc. Giải pháp tiếp theo đó là nếu chủ hộ không muốn thì chuyển sang bảo hiểm tự nguyện hoặc phải trả lại quyền lợi cho chủ hộ bằng tiền gốc lẫn lãi.

Đến bao giờ, chất lượng nhân lực tiệm cận các nước trong khu vực?

ĐB Nguyễn Thị Hà (Bắc Ninh) chất vấn sau hơn 2 năm triển khai các giải pháp về thị trường lao động, đến năm 2023, thị trường lao động Việt Nam cải thiện, nhưng chất lượng nhân lực vẫn thấp trong khu vực. So sánh với quốc tế thì xếp hạng kỹ năng, chỉ số giáo dục nghề nghiệp thuộc “tốp” cuối ASEAN. Đến bao giờ, chất lượng nhân lực tiệm cận các nước trong khu vực?

ĐB Nguyễn Thị Hà (Bắc Ninh) chất vấn sáng 6-6. Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Nguyễn Thị Hà (Bắc Ninh) chất vấn sáng 6-6. Ảnh: QUANG PHÚC

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, số người tham gia thị trường lao động từ 15 tuổi trở lên là 51 triệu người, thị trường lao động Việt Nam còn non trẻ nhưng đã phát triển nhanh trong thời gian qua. Tuy nhiên, hiện nay cơ cấu lao động chưa cân đối, cần điều chỉnh.

Bộ trưởng cũng thừa nhận, các nhà đầu tư khi đến thì quan tâm đầu tiên là hạ tầng, tiếp đó là nguồn nhân lực chất lượng cao, nhưng hiện nay ta còn thiếu hụt.

Vừa qua Chính phủ đã có Nghị quyết 06 phát triển thị trường lao động, đề ra đồng bộ các giải pháp, mục tiêu là hội nhập được với thị trường lao động khu vực và thế giới.

Tạo công ăn việc làm, bảo đảm an sinh cho người lao động

ĐB Tráng A Dương (Hà Giang) chất vấn về tình trạng người lao động chọn hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH) 1 lần do khó khăn. Nhiều ý kiến đề nghị thành lập quỹ để hỗ trợ người lao động, quan điểm của Bộ trưởng ra sao?

ĐB Tráng A Dương (Hà Giang) chất vấn sáng 6-6. Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Tráng A Dương (Hà Giang) chất vấn sáng 6-6. Ảnh: QUANG PHÚC

Bộ trưởng cho biết, vừa qua tình trạng người lao động rút BHXH 1 lần gia tăng, nhất là sau đại dịch Covid-19. Bộ trưởng xin ghi nhận ý kiến thành lập quỹ hỗ trợ người lao động, vì đó cũng là giải pháp nhằm không để người lao động rút BHXH 1 lần. Bộ sẽ nghiên cứu, đánh giá kỹ tác động và báo cáo cấp có thẩm quyền. Cùng với đó, giải pháp căn bản là tạo công ăn việc làm, bảo đảm an sinh cho người lao động, bảo đảm cuộc sống cho họ.

Lao động tay nghề cao nhưng không có chứng chỉ

ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) cho rằng, lao động qua đào tạo của Việt Nam chưa cao, nhưng một bộ phận trong số đó là người tạo ra năng suất lao động cao nhờ quá trình tự học, tự đào tạo, nhưng chưa được công nhận. Bộ trưởng có thấy cần thiết xây dựng công cụ để đánh giá trình độ của bộ phận lao động này?

ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) chất vấn sáng 6-6. Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) chất vấn sáng 6-6. Ảnh: QUANG PHÚC

Trả lời đại biểu Tô Văn Tám, Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH cho rằng, tỷ lệ lao động qua đào tạo trên 70% và có chứng chỉ trên 26%. Trên thực tiễn việc đào tạo có chứng chỉ đối với lao động là cần thiết nhưng quan trọng hơn là trình độ chuyên môn, nghiệp vụ tinh thông, tay nghề cao và đạt hiệu quả.

Bộ trưởng nhìn nhận trong thực tiễn, người lao động không có chứng chỉ nhưng tay nghề rất cao. Do vậy, cần phải đánh giá, góc nhìn toàn diện hơn về vấn đề này.

Bộ trưởng đặt lại vấn đề tại sao người có trình độ tay nghề cao như vậy nhưng không có chứng chỉ? Từ đó, Bộ trưởng thông tin, bộ đang nghiên cứu đề xuất để trong thời gian tới có công cụ, tiêu chí đánh giá chất lượng lao động cũng như tổ chức thi chứng chỉ cho nhóm này.

ĐB Huỳnh Ánh Sương (Quảng Ngãi) chất vấn về chất lượng giáo dục nghề nghiệp, làm sao để học sinh lựa chọn chứ không phải là chỉ chọn sau khi trượt lớp 10, trượt đại học.

ĐB Huỳnh Ánh Sương (Quảng Ngãi) chất vấn sáng 6-6. Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Huỳnh Ánh Sương (Quảng Ngãi) chất vấn sáng 6-6. Ảnh: QUANG PHÚC

Trả lời, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, quy mô tuyển sinh là khoảng 2 triệu học sinh vào học nghề, tăng rất cao so với 5 năm trước, trong đó khoảng 25% là trung cấp, 26% là cao đẳng. GDNN hiện nay quy mô thì chưa lớn, chất lượng còn nhiều vấn đề cần đổi mới, cải thiện. Chính sách để khuyến khích học sinh vào trường nghề chưa được quan tâm.

Muốn thay đổi phải đẩy mạnh tuyên truyền, vì hiện nay phần lớn học sinh, sinh viên vào trường nghề là do không có nhu cầu, không có khả năng học lên, do khó khăn muốn học nghề nhanh để kiếm việc, số có nhu cầu thực sự không nhiều.

80% học sinh trường nghề ra trường có việc làm, đó là điều đáng mừng. Hiện nay đã có chính sách để khuyến khích học sinh vào học nghề nhưng cần làm tốt hơn.

Bộ sẽ thiết kế và hỗ trợ thêm chính sách cho học sinh học nghề.

Đời sống người dân gặp nhiều khó khăn

Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH Đào Ngọc Dung cho biết, lao động, việc làm, công tác đào tạo, giáo dục nghề nghiệp và công tác quản lý, phát triển bảo hiểm xã hội, đây là những vấn đề lớn, vừa có ý nghĩa chiến lược của quốc gia, vừa liên quan trực tiếp đến đời sống, đến mâm cơm, giấc ngủ hàng ngày của hàng triệu người dân, người lao động và lực lượng hưu trí.

Bộ trưởng nhắc lại tình hình thế giới và trong nước tác động đến doanh nghiệp, đời sống người dân. Trong đó, không ít doanh nghiệp gặp khó khăn, phải thu hẹp thị trường, thu hẹp quy mô sản xuất, cắt giảm lao động, việc làm…

Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH Đào Ngọc Dung

Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH Đào Ngọc Dung

Hơn 2 năm qua, Bộ trưởng cho biết, với Nghị quyết 30 của Quốc hội, Chính phủ và các địa phương đã triển khai 4 chính sách lớn nhằm hỗ trợ người dân, người lao động và người sử dụng lao động trong khắc phục khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19 với trên 120.000 tỷ đồng, đã hỗ trợ trên 68 triệu lượt người dân, người lao động và trên 1,4 triệu lượt người sử dụng lao động.

Tuy nhiên, người đứng đầu ngành LĐTB-XH nhìn nhận, khi đối diện với những khó khăn, thách thức rất lớn trong và ngoài nước, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân đã và đang gặp nhiều khó khăn. Một bộ phận người dân, người lao động gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Những vấn đề này đòi hỏi ngành phải dự báo đúng tình hình, chủ động chuẩn bị và thích ứng trước những tác động và thách thức mới với các vấn đề lao động, việc làm, đào tạo và bảo hiểm xã hội - những vấn đề có quan hệ mật thiết với nhau với nguyên tắc chung là: “Nhìn xa - Chủ động sớm - Hành động mau lẹ - Ứng xử kịp thời”.

Phát biểu khai mạc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, phiên chất vấn diễn ra trong 2,5 ngày với 4 lĩnh vực: LĐ-TB-XH, dân tộc, GTVT, KHCN, cuối phiên chất vấn Phó Thủ tướng Lê Minh Khái báo cáo, trả lời chất vấn các ĐBQH. Quốc hội sẽ ban hành Nghị quyết về chất vấn của kỳ họp để có cơ sở giám sát việc thực hiện.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu mở đầu phiên chất vấn sáng 6-6. Ảnh: QUANG PHÚC

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu mở đầu phiên chất vấn sáng 6-6. Ảnh: QUANG PHÚC

Qua các phiên thảo luận vừa qua, Chính phủ, Thủ tướng, các bộ ngành đã quan tâm, giải quyết nhiều vấn đề mà cử tri, nhân dân, các ĐBQH quan tâm. Như về vấn đề cải cách hành chính, Bộ Xây dựng điều chỉnh quy chuẩn 06:2022 đáp ứng yêu cầu phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân, Bộ Công thương đã yêu cầu Tập đoàn điện lực Việt Nam khẩn trương thỏa thuận giá tạm thời với các chủ đầu tư điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp đã đấu nối lưới điện quốc gia; Bộ GTVT trong ngày 3-6, đã quyết định cho phép tự động giãn chu kỳ kiểm định xe, theo đó, khoảng 2 triệu xe ô tô đến 9 chỗ không kinh doanh vận tải được lùi thời hạn kiểm định thêm 6 tháng.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, nội dung chất vấn tại kỳ họp lần này đều là những vấn đề quan trọng, được nhân dân, ĐBQH quan tâm.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, kỳ họp thứ 5 là kỳ họp thực hiện theo Nội quy kỳ họp Quốc hội mới, theo đó chất vấn phải “hỏi nhanh đáp gọn”, trả lời đúng trọng tâm.

ĐBQH chất vấn chỉ nên nêu 1-2 vấn đề, khi tranh luận là để làm rõ thêm vấn đề được chất vấn, không nêu câu hỏi, không tranh luận lại với ĐBQH.

Thành công của chất vấn phụ thuộc cả vào chất lượng câu hỏi và câu trả lời.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu dự phiên chất vấn tại Hội trường Diên Hồng, sáng 6-6. Ảnh: QUANG PHÚC

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu dự phiên chất vấn tại Hội trường Diên Hồng, sáng 6-6. Ảnh: QUANG PHÚC

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn là hình thức giám sát đặc biệt của Quốc hội. Đề nghị các ĐBQH phát huy tinh thần “Tận tâm - Tận lực - Tích cực - Tâm huyết - Trách nhiệm” trong hoạt động chất vấn; đề nghị các vị bộ trưởng, trưởng ngành nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Quốc hội, trước cử tri và nhân dân cả nước, giải trình rõ ràng về nguyên nhân, trách nhiệm và biện pháp khắc phục. Mục tiêu là để phiên chất vấn thực sự hiệu quả, thực chất, có chiều sâu, mang tính xây dựng cao; không chỉ góp phần giải quyết kịp thời những vấn đề thời sự, cấp bách, mà còn nhận diện và đề xuất giải pháp cho những vấn đề căn cơ, lâu dài, tạo chuyển biến thực chất trong từng lĩnh vực được chất vấn.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các đại biểu tới dự phiên chất vấn, sáng 6-6. Ảnh: QUANG PHÚC

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các đại biểu tới dự phiên chất vấn, sáng 6-6. Ảnh: QUANG PHÚC


Trước khi bước vào phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH đã có báo cáo gửi đến Quốc hội giải trình một số nội dung xã hội mà các đại biểu (ĐB) quan tâm.

Đáng chú ý, về tình trạng thu mua gom sổ bảo hiểm xã hội (BHXH) của người lao động, báo cáo cho biết, theo quy định tại khoản 6 Điều 18 Luật BHXH thì người lao động có quyền “ủy quyền cho người khác nhận lương hưu, trợ cấp BHXH”. Quy định này nhằm tạo thuận lợi cho người lao động trong tham gia và thụ hưởng các chế độ BHXH và hoàn toàn phù hợp với các quy định của pháp luật về quyền công dân. Tuy nhiên, xuất phát từ việc nhận thức của người lao động còn chưa đầy đủ, các đối tượng xấu đã lợi dụng quy định trên để tiếp cận, dụ dỗ, lôi kéo người lao động để thực hiện việc mua bán sổ BHXH của người lao động với giá rẻ kèm theo giấy ủy quyền nhận trợ cấp BHXH, sau đó làm thủ tục thanh toán với cơ quan BHXH và hưởng chênh lệnh.

Bộ đã yêu cầu xử lý nghiêm hành vi thu mua sổ BHXH của người lao động và tăng cường công tác quản lý, kiểm soát chặt chẽ quy trình chi trả để đảm bảo việc chi trả được đầy đủ, kịp thời đúng đối tượng. Hiện tình trạng thu mua sổ BHXH đã từng bước được khắc phục. Bộ đang xây dựng dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) trong đó đề xuất nhiều giải pháp nhằm hạn chế hưởng BHXH một lần, tăng tính hấp dẫn, thu hút người lao động tham gia BHXH để hưởng lương hưu như: giảm thời gian tham gia BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm; bổ sung các quyền lợi, nhất là các quyền lợi ngắn hạn để gia tăng sự hấp dẫn tạo động lực cho người lao động tham gia BHXH tự nguyện; đề xuất phương án giải quyết hưởng BHXH một lần; đồng thời bổ sung hành vi bị nghiêm cấm liên quan tới nội dung này.

Báo cáo cũng cho biết, tính đến hết tháng 5-2023, số người tham gia BHXH khoảng 17,47 triệu người, chiếm 37,48% lực lượng lao động (LLLĐ) trong độ tuổi. Trong đó, số người tham gia BHXH bắt buộc khoảng 15,99 triệu người, chiếm 34,28% LLLĐ trong độ tuổi; số người tham gia BHXH tự nguyện khoảng 1,48 triệu người, chiếm 3,15% LLLĐ trong độ tuổi.

Về tình trạng doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng BHXH làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động, Bộ LĐTB-XH cho biết, theo số liệu báo cáo của BHXH Việt Nam, số tiền chậm đóng, trốn đóng BHXH phải tính lãi đến hết năm 2022 là 8.560 tỷ đồng, tăng 121 tỷ đồng so với năm 2021, chiếm 2,69% trên số phải thu BHXH. Trong đó, có khoảng 26.670 đơn vị đã phá sản, đang làm thủ tục giải thể, phá sản; đơn vị ngừng hoạt động và không có người đại diện theo pháp luật, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của 206.468 người lao động. Một trong nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tình hình kinh tế thế giới có nhiều sự bất ổn, bước vào thời kỳ suy thoái, các doanh nghiệp Việt Nam cũng bị ảnh hưởng lớn, phải cho người lao động nghỉ việc, ngừng việc do thiếu đơn hàng, khó khăn tài chính…

Để giải quyết kịp thời chế độ BHXH cho người lao động, vừa qua BHXH Việt Nam đã giải quyết quyền lợi đối với 206.400 người lao động nêu trên. Về lâu dài, Bộ LĐTB-XH đang hoàn thiện dự án Luật BHXH (sửa đổi), trong đó sửa đổi, bổ sung nhiều chế tài, biện pháp nhằm hạn chế tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH.

Về thực trạng hưởng bảo hiểm một lần giai đoạn 2016 - 2022, báo cáo cho biết, trong năm 2022 số người giải quyết hưởng BHXH một lần là 997.470 người (tăng 3,55% so với cùng kỳ năm 2021). Trong giai đoạn 2016 - 2022, cơ quan BHXH tại các tỉnh thành đã giải quyết cho khoảng 4,84 triệu người hưởng BHXH một lần, trong đó số người quay trở lại đóng BHXH là 1,24 triệu người (chiếm tỷ lệ 27,7% số người hưởng). Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hưởng BHXH một lần, trong đó có nguyên nhân do tình trạng lao động thiếu việc làm, không có việc làm, mất việc làm gia tăng số người hưởng BHXH một lần.

Về tình trạng cấu kết, lập khống, làm giả hồ sơ hưởng chế độ, chi sai chế độ, báo cáo cho biết, Bộ LĐTB-XH cho hay, nhờ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý BHXH đã góp phần phát hiện, xử lý và hạn chế tình trạng cấu kết, lập khống, làm giả hồ sơ hưởng chế độ, chi sai chế độ BHXH. Trong năm 2021, đã phát hiện và yêu cầu thu hồi về quỹ BHXH số tiền 9,5 tỷ đồng hưởng chế độ sai quy định (chiếm 0,006% tổng số tiền chi trả các chế độ BHXH trong năm 2021). Thời gian tới, bộ sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH...

Đặc biệt, về vấn đề lao động, báo cáo cho biết, trong những tháng đầu năm 2023, tình hình kinh tế, xã hội, chính trị các nước trên thế giới có diễn biến nhanh, phức tạp. Trong 4 tháng đầu năm, cả nước có 49.900 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số lao động đăng ký gần 331.400 người. Số doanh nghiệp phải tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 49.900 doanh nghiệp (bằng đúng số thành lập mới), tăng 21,8% so với cùng kỳ năm trước. Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên quý 1 đạt 52,2 triệu người, tăng lên, tuy nhiên, tốc độ tăng lực lượng lao động có dấu hiệu chậm lại. Tại một số địa phương lao động có việc làm có xu hướng giảm so với quý 4-2022, như TPHCM giảm 0,4%; Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 2,6%, Bắc Ninh giảm 0,9%; Bắc Giang giảm 4,5%; Thái Nguyên giảm 2,2%.

Bộ LĐTB-XH cũng cho biết thu nhập của người lao động được cải thiện (thu nhập bình quân của người lao động quý 1 là 7 triệu đồng (tăng 640.000 đồng so với cùng kỳ năm trước).

Số lao động trong doanh nghiệp bị ảnh hưởng việc làm là 509.903 người (khoảng 3,4% tổng số lao động trong doanh nghiệp). Trong đó, số lao động thôi việc, mất việc làm là 279.409 người (chiếm 54,79% lao động bị ảnh hưởng). Số lao động thôi việc, mất việc tập trung ở các tỉnh có khu công nghiệp, khu kinh tế lớn như Bình Dương (71.590 người), Đồng Nai (32.450 người), TPHCM (44.890 người), Hà Nội (46.860 người). Số lao động giảm giờ làm là 195.039 người (chiếm 38,25% lao động bị ảnh hưởng). Số lao động bị ngừng việc, nghỉ việc không lương là 17.003 người (chiếm 3,33% lao động bị ảnh hưởng)..

Việc cắt giảm lao động trong các doanh nghiệp hiện nay chủ yếu là vì lý do kinh tế, khó khăn ở việc tìm kiếm, phát triển thị trường nước ngoài, doanh nghiệp gặp khó khăn tập trung vào doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo ở một số ngành như dệt may, da giày, sản xuất và lắp ráp linh kiện điện tử, chế biến gỗ.

Tin cùng chuyên mục