Trong đó, dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía đông đã giải ngân được 2.700 tỷ đồng (khoảng 27% tổng vốn đầu tư cần giải ngân trong năm nay). “Bộ đang phối hợp chặt chẽ với các địa phương để hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, dự kiến sẽ giải ngân nốt vốn trong năm nay”, ông Nguyễn Văn Thể nói.
Về 3 dự án trọng điểm chuyển sang đầu tư công mà Quốc hội đang thảo luận, ngành GTVT sẽ cần thêm 5.000 tỷ đồng để triển khai tiếp.
Về dự án Sân bay quốc tế Long Thành, Chính phủ, Quốc hội đã bố trí số vốn là 17.000 tỷ đồng. Đến 30-5, dự án mới giải ngân được 1.200 tỷ đồng. Tỉnh Đồng Nai đã cam kết sẽ hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, ngành GTVT sẽ cố gắng giải ngân hết trong năm nay.
Về ý kiến của nhiều ĐB phản ánh bất cập về hạ tầng giao thông khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, người đứng đầu ngành GTVT cam kết sẽ ưu tiên cho đường vành đai 3, vành đai 4 kết nối TPHCM với các tỉnh. Tuyến cao tốc TPHCM - Cần Thơ - Cà Mau; quốc lộ N2 từ Củ Chi đi Kiên Giang và nâng cấp quốc lộ 1, quốc lộ 60 (trong đó có cầu Rạch Miễu, cầu Cao Lãnh), quốc lộ 62, quốc lộ 30, cao tốc nối Châu Đốc, Cần Thơ và Sóc Trăng; cao tốc Kiên Giang đi Bạc Liêu… cũng là những dự án sẽ được ưu tiên.
Ở khu vực Đông Nam Bộ, ngành GTVT sẽ đẩy nhanh tiến độ xây dựng đường cao tốc song song với quốc lộ 22 nối TPHCM với Tây Ninh; cao tốc nối Biên Hòa với Vũng Tàu và một số dự án trọng điểm khác…
Khu vực miền Trung - Tây Nguyên, Bộ trưởng cho biết sẽ tham mưu Chính phủ, Quốc hội đầu tư tuyến cao tốc kết nối Hà Nội - TPHCM, khoảng 1.700km. Ngoài ra, bộ cũng tiếp thu các ý kiến của đại biểu để có một số dự án kết nối từ Đắk Lắk, Kon Tum, Đắk Nông, Gia Lai…
Khu vực phía Đông Hà Nội, trước mắt sẽ được đầu tư để hoàn thành cao tốc tới cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng, Vân Đồn - Móng Cái, Đồng Đăng - Trà Lĩnh, đường ven biển đồng bằng bắc bộ.
Khu vực phía Tây Bắc, tuyến cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu, Hà Nội - Lào Cai đang được nghiên cứu đầu tư để kết nối các vùng miền, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.