Bộ VH-TT-DL lên tiếng về chương trình chấn hưng, phát triển văn hóa

Theo hướng dẫn của Luật Đầu tư công, chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa mới dừng ở bước xin chủ trương để đầu tư; tổng hợp các nội dung, nhu cầu có tính cấp thiết từ các bộ, ngành, địa phương.

Ngày 9-10, trong cuộc họp báo thường kỳ quý III của Bộ VH-TT-DL, liên quan đến Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2025-2035 với tổng vốn 350.000 tỷ đồng giai đoạn 2025-2035, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ VH-TT-DL) Lê Hồng Phong cho biết, đã tổ chức nhiều hội thảo tham vấn, xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương, chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hóa...

Nhiều vấn đề "nóng" được đưa ra trong họp báo thường kỳ quý III năm 2023 của Bộ VH-TT-DL

Nhiều vấn đề "nóng" được đưa ra trong họp báo thường kỳ quý III năm 2023 của Bộ VH-TT-DL

Theo ông Lê Hồng Phong, Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa trong giai đoạn mới được xây dựng nhằm triển khai thực hiện các quan điểm, nghị quyết, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về chấn hưng, phát triển văn hóa xây dựng con người Việt Nam. Kết luận số 42-KL/TW Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về kinh tế - xã hội năm 2022-2023 nêu rõ: “Triển khai Chương trình quốc gia phát triển văn hóa giai đoạn 2022-2030”. Nghị quyết số 68/2022/QH15, Nghị quyết số 572/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV tiếp tục giao Chính phủ xây dựng chương trình hoặc Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2022-2030 trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Tại Hội thảo Văn hóa 2022, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trong tổng kết hội thảo đã nêu nhiệm vụ cần sớm xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa.

Ông Lê Hồng Phong, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ VH-TT-DL)

Ông Lê Hồng Phong, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ VH-TT-DL)

Chương trình này nhằm cụ thể hóa các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và phát triển văn hóa của đất nước; nâng cao, tiếp nối các nhiệm vụ về phát triển văn hóa tại các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu, chương trình, đề án, dự án giai đoạn trước và đang triển khai.

“Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa khi được ban hành sẽ góp phần giải quyết các vấn đề thực tiễn cấp bách của văn hóa trong thời kỳ mới. Đồng thời, chương trình nhằm thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam về bảo vệ, phát triển văn hóa bền vững”, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính nhấn mạnh.

Bộ VH-TT-DL đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo tham vấn, xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương, chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hóa; đánh giá tổng kết các chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, các đề án, dự án giai đoạn trước để có cơ sở cho những chương trình tiếp theo, đề xuất các nội dung đầu tư có mục tiêu, trọng tâm, trọng điểm. Trên tinh thần đó, chương trình được thiết kế với tổng số 10 dự án thành phần gồm 265 nội dung, nhiệm vụ cụ thể. Theo hướng dẫn của Luật Đầu tư công, chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa mới dừng ở bước xin chủ trương để đầu tư; tổng hợp các nội dung, nhu cầu có tính cấp thiết từ các bộ, ngành, địa phương. Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ KH-ĐT thành lập hội đồng thẩm định cấp Nhà nước để thẩm định chủ trương đầu tư của chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá trước khi trình Quốc hội…

Tin cùng chuyên mục