Bộ Y tế, Bộ Tài chính cùng quản giá thuốc

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 3, trong đó có nhiều nội dung quan trọng đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định. Cụ thể, về vấn đề tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) bắt buộc toàn dân của lực lượng vũ trang trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, Chính phủ thống nhất cho rằng, để thực hiện nguyên tắc chung về BHYT bắt buộc toàn dân cũng như nguyên tắc công bằng, minh bạch trong sử dụng quỹ BHYT thì phương hướng là tiến tới thực hiện Quân đội nhân dân và Công an nhân dân tham gia BHYT toàn dân. Tuy nhiên, việc này sẽ theo lộ trình, cơ chế phù hợp với đặc thù của lực lượng vũ trang nhân dân.
Bộ Y tế, Bộ Tài chính cùng quản giá thuốc

(SGGP). – Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 3, trong đó có nhiều nội dung quan trọng đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định. Cụ thể, về vấn đề tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) bắt buộc toàn dân của lực lượng vũ trang trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, Chính phủ thống nhất cho rằng, để thực hiện nguyên tắc chung về BHYT bắt buộc toàn dân cũng như nguyên tắc công bằng, minh bạch trong sử dụng quỹ BHYT thì phương hướng là tiến tới thực hiện Quân đội nhân dân và Công an nhân dân tham gia BHYT toàn dân. Tuy nhiên, việc này sẽ theo lộ trình, cơ chế phù hợp với đặc thù của lực lượng vũ trang nhân dân.

Về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, Chính phủ giao Bộ Y tế chủ trì hoàn thiện dự thảo luật theo hướng những vấn đề chưa có tính ổn định, chưa thống nhất thì chưa quy định trong dự thảo luật. Việc phân công trách nhiệm trong quản lý nhà nước về giá thuốc, dự thảo luật quy định có tính nguyên tắc và giao Chính phủ quy định cụ thể.

Khó kiểm tra giá bán lẻ thuốc tại các hiệu thuốc. Ảnh: MAI HẢI

Khó kiểm tra giá bán lẻ thuốc tại các hiệu thuốc. Ảnh: MAI HẢI

Riêng về quản lý giá thuốc, Chính phủ yêu cầu cần bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của dự thảo Luật Dược với Luật Giá, theo hướng Bộ Tài chính quản lý nhà nước tổng hợp về giá, hướng dẫn, thẩm định, kiểm tra việc xác định giá; còn Bộ Y tế quản lý nhà nước chuyên ngành về giá thuốc, quy định cụ thể về giá thuốc. Đồng thời, luật cũng cần quy định nguyên tắc về thành lập và người đứng đầu hội đồng hoặc ủy ban liên ngành về quản lý giá thuốc, giao Thủ tướng quyết định tổ chức và hoạt động của hội đồng hoặc ủy ban này.

Về những định hướng lớn xây dựng Bộ luật Hình sự sửa đổi, Chính phủ cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung lần này phải hướng tới mục tiêu xây dựng một Bộ luật Hình sự có chất lượng và tính khả thi cao, có tính dự báo, tạo cơ sở pháp lý sắc bén để đấu tranh hữu hiệu phòng chống tội phạm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ XHCN, thúc đẩy phát triển nền kinh tế thị trường, bảo đảm mọi người được sống trong một trường xã hội an toàn, lành mạnh. Vì vậy, Chính phủ thống nhất về đề xuất của Bộ Tư pháp những định hướng lớn để sửa bộ luật này và nhấn mạnh các vấn đề cơ bản.

Thứ nhất, giảm khả năng áp dụng hình phạt tù, mở rộng phạm vi áp dụng các hình phạt không mang tính giam giữ. Hạn chế phạm vi áp dụng hình phạt tử hình. Mở rộng phạm vi áp dụng chế định loại trừ trách nhiệm hình sự. Hoàn thiện hơn nữa chính sách hình sự liên quan đến người chưa thành niên. Thứ hai, mở rộng nguồn của pháp luật hình sự một cách hợp lý theo hướng, một số tội phạm cụ thể có tính chất đặc thù cao và hình phạt với các tội phạm đó có thể được quy định trong các luật chuyên ngành để bảo đảm tính kịp thời và linh hoạt trong đấu tranh phòng chống tội phạm. Thứ ba, cần thiết phải quy định trách nhiệm hình sự đối với các pháp nhân kinh tế, trên cơ sở nghiên cứu, xác định rõ những vấn đề cụ thể có liên quan, bảo đảm phù hợp với thực tiễn nước ta và tính khả thi. Thứ tư, thực hiện phi hình sự hóa một số tội phạm được quy định trong Bộ luật Hình sự hiện hành không còn phù hợp với Hiến pháp sửa đổi năm 2013 và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế. Đồng thời hình sự hóa một số hành vi vi phạm có tính nguy hiểm cao cho xã hội chưa được quy định trong Bộ luật Hình sự; nội luật hóa các quy định có tính ràng buộc của các công ước quốc tế liên quan mà Việt Nam là thành viên.

        Xây dựng luật theo hướng đổi mới cơ bản, toàn diện

Về Luật Doanh nghiệp sửa đổi, Chính phủ nêu rõ sửa luật để loại bỏ các rào cản môi trường kinh doanh, tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục hành chính, khắc phục các quy định thiếu tính khả thi, bảo đảm môi trường kinh doanh thuận lợi... Luật sửa đổi lần này sẽ có một chương quy định về DNNN; có quy định việc thành lập và chính sách khuyến khích đối với doanh nghiệp xã hội; không yêu cầu ghi ngành nghề kinh doanh trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trừ ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Về Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Tư pháp đề xuất, Chính phủ đồng ý xây dựng luật theo hướng đổi mới cơ bản, toàn diện quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Sẽ bỏ chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ của Quốc hội nhưng sẽ có định hướng chỉ đạo công tác lập pháp của các cơ quan nhà nước; có chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm được xây dựng theo hướng bảo đảm sự chủ động, linh hoạt trong công tác lập pháp, phù hợp với thực tiễn quản lý điều hành. Đặc biệt, luật này sẽ phân biệt rõ thẩm quyền lập pháp, lập quy. Hạn chế việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương. Không giao cho chính quyền cấp huyện và cấp xã ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục