Trong cuộc bình chọn biểu tượng của bóng đá Anh trong 50 năm qua (tính từ năm 1966, năm Tam sư đăng quang ở World Cup), George Best đã bất ngờ chiếm vị trí số 1. Trong lòng người Anh, hình mẫu George Best vẫn là một ký ức đẹp nhất, dù ông chẳng bao giờ khoác áo Tam Sư (Best là người Bắc Ailen). Và họ đã chọn ông là biểu tượng số 1, vượt trên cả 2 ông Bobby: Charlton và Moore, những nhà vô địch thế giới.
Best qua đời năm 2005, vì rượu, và điều đó khiến chúng ta đặt ra một câu hỏi: “Tại sao Paul Gascoigne không có trong danh sách 20 người được yêu mến hàng đầu?”, khi mà văn hóa quán rượu là một thứ mang tính truyền thống của người Anh nói chung và của bóng đá Anh nói riêng. Hình ảnh Gascoigne ở World Cup 1990 không đẹp ư? Quá đẹp là khác. Nhưng người Anh thích một biểu tượng mang tính nghệ sỹ, chứ không phải một kẻ nát rượu như Gascoigne, người từng lõa thể đi ra phố vì say hoặc ăn mặc nhếch nhác đi mua rượu từ lúc tờ mờ sáng.
Jack Wilshere mới chia sẻ rằng anh bắt đầu tìm lại được tình yêu bóng đá và anh gợi nhắc chúng ta về Gascoigne nhiều hơn là Best. Wilshere rất có tài, thậm chí những cầu thủ, HLV ở các nền bóng đá tiên tiến khác còn nhận xét cách xử lý bóng của anh khác hẳn kiểu của người Anh và nó đậm nét Latinh hơn. Nhưng Wilshere có dấu hiệu dễ đi vào lối mòn của Gascoigne. Chính Wenger đã từng lên tiếng bao biện cho anh nhiều lần về chuyện nhậu nhẹt nhưng báo chí vẫn bắt gặp anh say xỉn rất nhiều lần và họ từng đặt ra vấn đề: “Phải chăng Wilshere sẽ là một tiềm năng hủy hoại mình vì rượu?”.
Chấn thương của Wilshere cũng do rượu mà ra. Anh quá mập mạp so với tiêu chuẩn của một cầu thủ chuyên nghiệp và bởi vậy, phần thân trên nặng nề đã khiến hai gối của anh rất dễ tổn thương cũng như lâu hồi phục. Sang Bournemouth theo dạng cho mượn, Wilshere hiểu rằng đó là cơ hội cuối cùng, để sửa mình, và để nuôi lại giấc mơ trở thành một cầu thủ lớn.
Câu chuyện biểu tượng của bóng đá Anh, mà trong danh sách 20 người dẫn đầu có khá nhiều cái tên không thuộc Tam sư như Dalglish, Giggs, Bale, Best đã cho thấy, bản thân người Anh cũng đã đánh mất niềm tin vào cầu thủ, HLV người Anh. Và minh chứng rõ rệt nhất chính là trường hợp của Gareth Southgate. Được coi là người xứng đáng ngồi lên ghế HLV trưởng Tam sư, nhưng ở vị thế tạm quyền, Southgate vẫn còn phải chờ đợi FA dành cho anh một niềm tin tuyệt đối. Nhưng đó chỉ là thứ xa xỉ mà thôi. Trước trận gặp Scotland, báo giới Anh đánh giá: “Southgate là ứng viên vượt trội so với các lựa chọn khác cho ghế HLV trưởng nhưng kết quả không tích cực trước Scotland có thể sẽ khiến cơ hội ấy lung lay”.
Rõ ràng, trong tương quan so sánh với các nền bóng đá khác như Hà Lan, TBN, Đức, BĐN, Ý, Pháp, Anh không có những lựa chọn ở ghế HLV trưởng xứng tầm châu lục. Những người giỏi của họ như Pardew, Allardyce, Redknapp chung quy cũng chỉ ở tầm hạng khá, với tư duy cũ. Còn những người trẻ thì thiếu tự tin, hoặc không được đặt niềm tin (như Southgate) và nếu có chút tiềm năng đi nữa thì cũng không đứng ở tầm vóc của những người cùng thời với họ, như Deschamps, Guardiola hay Conte.
Cùng thế hệ với Gascoigne, nhiều cầu thủ thành danh ở châu Âu đã trở thành những HLV tài ba, nếu không nói là xuất chúng, như Ancelotti là một ví dụ. Còn ở Anh, nền bóng đá ấy có gì trong tay? Nếu không đi làm BLV chém gió truyền hình thì cũng sa vào một đời sống ăn chơi bệ rạc. Họ đã biến mình trở thành những công nhân chơi bóng đúng nghĩa, hết tuổi, về hưu không có chút khả năng tư duy nào để trở thành chiến lược gia.
Bởi thế, người Anh vẫn ngưỡng vọng về quá khứ và tiếc nuối hình ảnh của Best. Nhưng Best thì cũng không hơn gì thế hệ sau khi ông cũng chết vì rượu. Thứ để người Anh yêu quý ông, chính là vẻ ngoài và tác phong tài tử. Bởi thế, có thể nói, có biểu tượng (được bầu chọn) thật đấy, nhưng nền bóng đá Anh đã mất biểu tượng từ quá lâu rồi.
HÀ QUANG MINH