Bớt đặc ân các chaebol

Quốc hội Hàn Quốc vừa thông qua Luật Thương mại công bằng giới hạn các vụ góp vốn sở hữu chéo nhằm tránh tình trạng mở rộng quyền kiểm soát của các tập đoàn.

Luật này sẽ có hiệu lực vào ngày 1-7-2014. Cụ thể, các chaebol (tập đoàn lớn) sẽ không được phép góp vốn cho các chi nhánh của mình ở mức từ 5 triệu won trở lên. Việc sở hữu chéo các chi nhánh và các tập đoàn con từng bị các tập đoàn gia đình chi phối nhằm duy trì ảnh hưởng của mình. Sở hữu chéo đơn giản là việc 2 tổ chức sở hữu cổ phần lẫn nhau, chẳng hạn như công ty A đầu tư vào công ty B, sau đó B lại đầu tư vào A. Ở Hàn Quốc, sở hữu chéo được coi là đặc trưng nổi bật của các chaebol. Mối quan hệ sở hữu chéo không chỉ giữa các công ty thành viên nội bộ trong một chaebol mà còn giữa các chaebol với nhau. Mô hình này cho thấy, với số vốn đầu tư không quá lớn nhưng phạm vi ảnh hưởng của công ty mẹ hay các gia đình sáng lập thật sự rất lớn.

Hậu quả của tình trạng này là khi một công ty sụp đổ sẽ dẫn đến sụp đổ dây chuyền theo kiểu domino, gây tác động xấu đến cả nền kinh tế. Ngoài ra, hãng thông tấn Yonhap dẫn lời ông Noh Dae-rae, Chủ tịch Ủy ban Thương mại công bằng (FTC), cho biết Hàn Quốc cũng đang tăng cường các nguyên tắc của thị trường, không thiên vị bất cứ chaebol nào nhằm thúc đẩy phát triển bền vững thông qua cạnh tranh lành mạnh. FTC cho biết sẽ xử lý mạnh các vụ lạm dụng sức mạnh thị trường của các chaebol lớn để tạo ra những lợi thế thương mại bất công, gây hại cho các công ty nhỏ.

Không ai có thể phủ nhận vai trò quan trọng của các chaebol với nền kinh tế Hàn Quốc. Tuy nhiên, những ưu ái vốn có của Chính phủ Hàn Quốc với các chaebol đang đứng trước sức ép lớn khi mà vai trò của các SME (doanh nghiệp vừa và nhỏ) ngày càng trỗi dậy. Gần đây, sau vài sự cố của một số chaebol về quan hệ với khách hàng và đối tác, người dân Hàn Quốc không tiếc lời chỉ trích sự thống trị kinh tế của các chaebol trong khi SME mang lại đến 90% số việc làm ở nước này. Theo ông Kim Sang-jo, giáo sư kinh tế tại Đại học Hansung, gần đây hàng loạt sự cố với các chaebol đã làm thay đổi nhận thức của công chúng về văn hóa kinh doanh và kêu gọi các chaebol cũng phải thay đổi.

Tổng thống Park Geun-hye khi vận động tranh cử từng cam kết sẽ kiềm chế sức mạnh của các doanh nghiệp lớn và hỗ trợ nhiều hơn cho doanh nghiệp nhỏ. Hồi tháng 6-2013, Quốc hội Hàn Quốc cũng đã thông qua luật trừng phạt nặng những hợp đồng nội bộ trong các chaebol nhằm phân biệt đối xử với các doanh nghiệp nhỏ hơn.

Do áp lực xã hội ngày càng tăng, các tập đoàn lớn như Hyundai Motor và Samsung đang chú ý nhiều hơn đến hình thành quan hệ đối tác hiệu quả hơn và nhân văn hơn với các đối tác. Những hợp đồng trước đây nếu như chỉ dành cho các công ty con của họ đang được mở ra để đấu thầu công khai. 2 chaebol này cũng đang rút khỏi một số khu vực ngoại vi như kinh doanh bán lẻ thực phẩm nhằm tạo thêm cơ hội cho các tập đoàn nhỏ hơn. Phát biểu trên Financial Times, ông Yoon Hyo-sup, thuộc Liên đoàn Các nhà bán lẻ Hàn Quốc, cho rằng những thay đổi như vậy được hoan nghênh nhưng vẫn còn quá sớm để nói rằng đây là dấu hiệu chấm dứt tình trạng siêu quyền lực của các ông lớn.

KHÁNH MINH

Tin cùng chuyên mục