Bớt nặng lòng với áp lực sinh con trai

“Hai đứa vào lấy nón bảo hiểm, ba chở đi lòng vòng một lúc cho thoáng”, anh Trần Minh Hòa (ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) vừa dắt xe ra cổng, vừa gọi với hai cô công chúa đang xem ti vi trong nhà. 

1. Anh Hòa đi làm về tới nhà là mấy ba con lại nói đủ thứ chuyện cho đến tận lúc đi ngủ. “Tụi nhỏ thứ gì cũng gọi ba, nhiều lúc tôi còn thấy tủi thân vì mình chẳng khác gì người ngoài cuộc”, chị Trần Mai Lê (vợ anh Hòa) đùa vui.

Để có những ngày tháng vui vẻ này, anh Hòa cũng phải tranh luận nhiều với ông bà nội tụi nhỏ. Quê anh Hòa ở một tỉnh Bắc Trung bộ - nơi nhiều người lớn tuổi vẫn còn nặng tư tưởng phải có đứa con trai để sau này có người lo chuyện trăm tuổi, thờ cúng ông bà. Anh Hòa thì khác, thoát ly sớm, anh hiểu xã hội bình đẳng, con trai hay con gái đều như nhau, đều xứng đáng được yêu thương, quan tâm và dạy dỗ. 

Hết làm áp lực cho con trai, ông bà làm áp lực cho con dâu, rồi hai đứa cháu gái cũng ít được quan tâm hơn các anh chị họ. Dù vậy, anh Hòa vẫn nhất quyết bảo vệ quan điểm sức lo đến đâu thì sinh đến đó, rằng sinh đủ 2 con và nhiệm vụ là phải nuôi dưỡng, chăm lo cho thật tốt.

 Bớt nặng lòng với áp lực sinh con trai ảnh 1 Con trai hay con gái đều xứng đáng được yêu thương, quan tâm và dạy dỗ
Phải mất mấy năm ông bà nội tụi nhỏ mới hết làm áp lực với vợ chồng anh Hòa. Bởi đợt đó, ở gần nhà anh có mấy gia đình xấc bấc xang bang vì cậu ấm phá làng, phá xóm. Có ông bác đến lúc nhắm mắt vẫn không yên lòng vì cậu quý tử vẫn đang phải đi cải tạo. “Nhìn cảnh đó, các cụ mới thôi cằn nhằn vợ chồng tôi. Rồi các cụ cũng nhận ra, quan trọng nhất là con mình sinh ra có hiếu thuận không, làm được gì cho xã hội, sống có ích ra sao chứ không phải con trai hay con gái”, anh Hòa chia sẻ.

Khác với anh Hòa, phải đến khi cô con gái thứ 3 chào đời và mất thêm 4 năm chật vật nuôi nấng 3 đứa, anh Duy (ngụ quận 5) mới đủ can đảm để “bật lại trung tâm”. “Nếu không kiên quyết cãi lời cha mẹ phải ráng đẻ con trai để nối dõi thì bây giờ có khi tôi 4, 5 đứa con rồi”, anh Duy chia sẻ. 

Mỗi lần nhìn 3 đứa con thơ nheo nhóc trong căn phòng trọ nhỏ xíu, bí bách, nhìn vợ tất tả vừa chăm con, vừa bán mẹt rau ngoài đầu hẻm, anh lại tự trách mình đã không kiên quyết hơn. Bản thân anh cũng phải bươn chải khắp nơi với những xe hàng để có đủ kinh tế nuôi con ăn học. “Ông bà, họ hàng nay giục mai giục vợ chồng tôi sinh thằng cu bởi dù gì tôi cũng là con trưởng. Nghĩ thế vợ chồng tôi sinh thêm nhưng thật tình khi quá sức về kinh tế thì chỉ mình và con mình khổ. Giờ 3 đứa nheo nhóc, cũng đâu có ai đỡ đần được”, anh Duy buồn nói.

2. Ngày cận tết, trở về sau nhiều năm xa quê, những cuộc gặp gỡ, chuyện trò với người quen, bà con chòm xóm cũng làm tôi bất ngờ với quan điểm sinh con trai hay con gái của thế hệ tuổi cha mẹ mình. Nếu trước đây nhà nào có độc một bề con gái, gặp ai cũng sẽ bị khuyên “đẻ thêm thằng cu cho bố nó vui” hoặc nói bóng nói gió chuyện con trai, con gái. Thậm chí, trong những buổi giỗ chạp, họp mặt mọi người, ít nhiều gia đình chỉ có con gái cũng bị cư xử khác. Những người chỉ sinh được con gái phải ngồi mâm dưới không phải hiếm.

Nhưng giờ thì khác, không mấy người còn quan điểm ấy. Mọi người cư xử bình đẳng hơn với các gia đình. Mấy bà, mấy bác giờ đánh giá, nể trọng các gia đình qua cách nuôi dạy con chứ không còn để ý đến chuyện sinh con trai hay con gái như trước. Và mọi người cũng đã hiểu, con cái là lộc trời cho, đâu phải cứ muốn là được.

Dĩ nhiên, nhà có đủ nếp đủ tẻ thì quá mỹ mãn, ai cũng mong vậy. Nhưng nếu phúc phần chỉ cho một bề con gái, ai thoát ra được tư tưởng trọng nam khinh nữ, dành tình yêu thương cho các con thì hẳn những cô công chúa cũng không làm cha mẹ thất vọng. Như chị bạn chơi chung với tôi, sinh ra trong gia đình có hai chị em gái, giữa thời điểm tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn còn nặng nề ở quê tôi. Vậy nhưng chưa bao giờ chị bị so bì, hắt hủi. Được nuôi dưỡng, dạy dỗ tốt, hai chị em đều trưởng thành, giỏi giang, trở thành niềm tự hào của cha mẹ, dòng họ. 

Hay ở xóm tôi, bé gái sinh ra trong sự thất vọng của ông bà nội vốn khao khát đứa cháu đích tôn, lại là đứa bé duy nhất trong dòng họ có thành tích học nổi bật suốt những năm phổ thông và đậu được vào ngôi trường đại học danh giá.  

Có lẽ, với sự hội nhập ngày nay, rồi nhiều phụ nữ trưởng thành, hiếu thuận, giỏi giang được xã hội tôn trọng, đánh giá cao như cô bạn, cô bé hàng xóm của tôi hay rất nhiều nữ chính trị gia, nữ doanh nhân thành đạt không thua kém gì đàn ông, nên định kiến phải sinh con trai ngày càng phai nhạt.

Tin cùng chuyên mục