Từ xứ Sài Gòn xưa đến TPHCM ngày nay

Đất Sài Gòn, từ khi nào lưu dân người Việt đặt chân đến thì chưa thể xác định, nhưng viết cái tên “xứ Sài Gòn” bằng chữ Nôm “處柴棍” vào sách vở thì có thể lấy mốc niên điểm năm Giáp Dần (1674).

Điều này được chứng thực trong bộ tiểu thuyết lịch sử Nam triều công nghiệp diễn chí (còn gọi Việt Nam khai quốc chí truyện) của Nguyễn Khoa Chiêm (1659-1736), có thể nói tác giả là người đương thời đã ghi lại tên xứ Sài Gòn sớm nhất.

1. Khi Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh đến vùng đất Đồng Nai và Sài Gòn thiết lập nền hành chính vào năm 1698 thì vùng Sài Gòn mang tên phủ Gia Định, phủ này chỉ có một huyện Tân Bình, vùng lõi của phủ dựng đặt cơ quan quản lý là dinh Phiên Trấn.

Từ lúc này, đất Sài Gòn trở thành một cái tên đại diện cho một vùng, nhưng không phải là tên trên văn bản hành chính; và từ thời chúa Nguyễn về sau cho đến cuối triều Nguyễn, cơ cấu hành chính trên đất Sài Gòn nhiều lần thay đổi (phủ, trấn, thành, dinh, tỉnh), chung quy vẫn giữ tên Gia Định. Hai cái tên Sài Gòn, Gia Định thì một là tên đất (xứ) cổ xưa và một là tên hành chính lâu đời nên ăn sâu trong tiềm thức người dân bản xứ.

CN4 ban do 2.jpg
Bản đồ Sài Gòn 1895, với các địa danh cầu Kiệu, rạch Nhiêu Lộc, làng Xuân Hòa

Khi người Pháp thiết lập nền hành chính trên đất Nam Kỳ lục tỉnh (1862-1867) đã cải đổi nhiều địa danh từ mỹ tự (chữ Hán) sang tên xứ (chữ Nôm). Địa danh mỹ tự được nhà Nguyễn chuộng, như xứ Sài Gòn đặt tên Gia Định, xứ Đồng Nai đặt tên Biên Hòa, xứ Bà Rịa - Mô Xoài đặt là huyện Phước An, xứ Mỹ Tho đặt là Định Tường,…; và hệ thống địa danh hành chính các cấp tỉnh, phủ, huyện tổng, thôn (xã, phường) hầu hết đều dùng mỹ tự.

Người Pháp bị ảnh hưởng bởi hệ thống địa danh chữ Nôm các giáo xứ/giáo phận do các nhà truyền giáo ghi chép từ thế kỷ 17, nên thay đổi cách đặt tên hành chính mà triều Nguyễn đã lập, dùng nhiều tên xứ chữ Nôm phiên âm ra quốc ngữ latinh để đặt gọi địa danh hành chính, hàng loạt hạt, tỉnh, thành phố dùng tên Nôm như Sài Gòn, Chợ Lớn, Bà Rịa, Thủ Dầu Một, Mỹ Tho, Gò Công, Sa Đéc, Mỏ Cày…; cách gọi tên hành chính bằng tên Nôm vô tình lại hợp với cách gọi dân gian quen miệng từ xưa, vốn là những tên xứ sở gần gũi mà chính lưu dân đặt gọi nơi vùng đất mới.

2. Lịch sử địa danh hành chính trên địa bàn rộng lớn như TPHCM hôm nay kể ra thì không biết tốn bao nhiêu giấy mực. Trước mắt có thể lướt nhìn vùng lõi của Sài Gòn - Gia Định xưa qua tên một số phường mới.

Phường Sài Gòn, phường Bến Thành nơi trung tâm giữ được tên gốc dân gian lâu đời từ tên xứ và tên bến sông từng được sử chí biên chép liên tục. Trước đây, trong học giới từng có vài ý có vẻ không đồng thuận về cách lấy tên Sài Gòn đặt cho một phường, bảo rằng quy mô địa lý không tương xứng, những ý đó có thể do xét việc trên cảm tính mà không cứ vào nguồn mạch dòng chảy lịch sử.

Trong buổi sơ thời, tên Sài Gòn chỉ là một xứ nhỏ có thể tương đương một thôn hành chính, tựa như Bến Thành vốn nhằm chỉ vị trí một cái bến trước thành (Gia Định), vì chúng là nơi giao thương nên dễ lan tỏa và được lấy làm tên đại diện cho một vùng đất rộng hơn; và suốt thời Nguyễn thì Sài Gòn chưa từng được đặt cho một đơn vị hành chính nào.

Nay phường Sài Gòn phục hồi tên xưa ngay phạm vi địa lý cũ, hợp với truyền thống dân gian xa xưa, mà cũng khác cách người Pháp dùng gọi cho một thành phố rộng lớn. Cũng nói thêm là, cả con sông dài từ thượng nguồn Dầu Tiếng tới ngã ba Nhà Bè vốn cũng do người Pháp định danh là “Sông Sài Gòn” trên bản đồ từ năm 1858, còn sử chí thời Nguyễn thì chép về sông này với nhiều tên ứng với từng khúc sông.

Phường Xuân Hòa phục hồi địa danh tên thôn lập thời Tự Đức, tách từ thôn Tân Định (lập thời Gia Long), thuộc tổng Bình Trị Thượng, tên thôn này đến đầu thời Pháp vẫn giữ, đổi thôn làm làng. Làng Xuân Hòa thuộc hạt Sài Gòn, đến năm 1895 giải thể mất tên, đất làng một phần thuộc nội ô thành phố Sài Gòn khi đó và một phần nhập vô làng Hòa Hưng.

Như vậy, Xuân Hòa là tên hành chính của thôn (làng) tồn tại trong khoảng 1850 đến 1895, rồi bẵng đi đã 130 năm không nhắc đến, đến nay mới được gọi dùng trở lại. Cũng may là còn có ngôi đình Xuân Hòa được thôn dân dựng thuở xưa vẫn tồn tại đến nay, nếu không có đình này chắc là không mấy người nhớ đến địa danh Xuân Hòa.

Phường Nhiêu Lộc, địa danh vốn là tên con rạch, trong Nam Kỳ lục tỉnh dư địa chí của Duy Minh Thị in năm 1872, phần tỉnh Gia Định, mục sông Bình Trị (rạch Thị Nghè), viết: “Huệ kiều (惠橋), tục gọi cầu Nhiêu Lộc (橋饒祿)”. Tức nói Cầu Huệ tục gọi cầu Nhiêu Lộc, có thể hiểu là do cầu bắc qua rạch Nhiêu Lộc.

Còn Huệ kiều (cầu Huệ) thì nhiều nguồn xưa từ đầu thế kỷ 19 như Hoàng Việt nhứt thống dư địa chí (1806), bản đồ Trần Văn Học (1815) và Gia Định thành thông chí (1820) đều có nói đến với tên cầu Lão Huệ. Rạch Nhiêu Lộc, nhìn trên bản đồ Sài Gòn 1895 ta thấy dòng chảy hình chữ V, ở mạn Nam và 2 vàm đều đổ vào rạch Thị Nghè, dòng rạch này nay đã lấp, cái tên kinh Nhiêu Lộc thẳng thớm hiện nay thật ra là ngọn rạch Thị Nghè hồi trước. Dùng địa danh hình trạng địa lý để đặt cho đơn vị hành chính có điểm hay là hợp với cách gọi quen thuộc của người dân.

Cũng từ cách gọi quen thuộc, ta có thể thấy cách đặt tên từ những nhân vật ở địa phương như Ông Nhiêu (học vị bậc thấp hơn tú tài) tên Lộc nào đó trong dân chúng bình dân, cũng như Ông Tố, Lão Huệ, Ông Buông, Ông Tạ…, là những người góp công góp của cho vùng đất, tên riêng được người sau gọi nhằm ghi ơn.

Trường hợp Cầu Ông Lãnh (tên phường) tuy ông Trương Vĩnh Ký có nói “cầu gỗ do ông Lãnh binh ở gần đó cho bắc qua” (1885), nhiều bài viết trên mạng cho rằng cầu này bắc ngang qua rạch Bến Nghé, tức nối quận 1 với quận 4 (cũ), và cho rằng ông Lãnh tức Lãnh binh Thăng, cả hai ý đều chưa có sử liệu xác thực.

Cầu Ông Lãnh bắc qua rạch Ông Lãnh, vàm rạch này đổ ra rạch Bến Nghé, ngọn rạch lên phía Bắc đến khu Lò Mổ, nơi bản đồ Pháp 1878 ghi là “Abattoir”, tức là cầu Ông Lãnh song song với rạch Bến Nghé; có rạch Ông Lãnh, mới có cầu Ông Lãnh, dân tụ hội mua bán gần cầu mới định danh “xóm Cầu Ông Lãnh” và “chợ Cầu Ông Lãnh”, diễn biến địa danh này trong thời gian lâu dài, nên gắn cho ông Lãnh tức Lãnh binh Thăng thời chống Pháp có vẻ chưa thuyết phục, cần phải nghiên cứu các nguồn sử liệu kỹ hơn.

CN4 ban do.jpg
Bản đồ Sài Gòn 1878, cầu Ông Lãnh khi đó nối liền đường Quai de I’Arroyo Chinois

Phường Tân Định đã giữ lại được tên hành chính cấp thôn rất xưa ở đất Sài Gòn. Thời Gia Long, năm 1808, Tân Định là một lân (tương đương ấp), tức dân số chỉ vài chục người với mươi nóc nhà, bản đồ Trần Văn Học (1815) ghi là “gò Tân Định” và chưa thể hiện khu dân cư, khi lập địa bạ tỉnh Gia Định (1836) nâng lên làm thôn, thôn Tân Định qua vài lần tách nhập thời Pháp rồi mất tên hành chính. Mãi đến 1988, Tân Định mới được phục hồi làm tên phường, và nay thì địa bàn rộng hơn.

3.Trong một diện mạo mới, vũng lõi TPHCM hiện nay đã dùng những tên phường hành chính mang đủ nét đặc trưng của dòng chảy lâu đời trên đất Sài Gòn về mặt địa danh học.

Tuy số phường giảm đi, nhưng vẫn lưu giữ được tên rạch (Nhiêu Lộc), tên xóm (Cầu Ông Lãnh) xưa, vốn là tên nôm na mà dân gian quen thuộc, giữ được tên lân Tân Định thuở Sài Gòn buổi đầu, tên thôn Xuân Hòa vốn chỉ còn di tích ngôi đình lưu dấu, là những mỹ tự hành chính biểu hiện khát vọng yên bình.

Và hai địa danh xứ Sài Gòn, tỉnh thành Gia Định thành danh và định hình đã mấy trăm năm vốn ăn sâu trong ký ức không riêng người nơi đây mà cả dân lục tỉnh cùng với dân tứ xứ cũng từ nay được ghi chép đàng hoàng trong giấy tờ hành chính.

Tin cùng chuyên mục