Bừa bộn game online - Bài 2: Thả nổi quản lý?

Giới hạn giờ chơi: làm cho có!
Bừa bộn game online - Bài 2: Thả nổi quản lý?

Dư luận hầu như thống nhất rằng game online (GO) mang đến nhiều tác hại xấu, đặc biệt là đối với học sinh, sinh viên. Hè năm 2006, Thông tư liên tịch số 60/2006/TTLT – BVHTT-BBCVT-BCA của Bộ Văn hóa - Thông tin, Bộ Bưu chính Viễn thông, Bộ Công an đã quy định các doanh nghiệp phải khống chế giờ chơi của người chơi (3-5 giờ/ngày). Đây hiện là quy định pháp luật duy nhất điều chỉnh đến hành động của người chơi game online, tuy nhiên, cùng với thời gian, cả quy định duy nhất này cũng đang ngày càng bị “lờn thuốc”…

Giới hạn giờ chơi: làm cho có!

Bừa bộn game online - Bài 2: Thả nổi quản lý? ảnh 1

Bi, 15 tuổi, là cậu bé được chàng trai Lê Minh Sơn “nhờ” chơi giùm một nhân vật trong GO Võ Lâm Truyền Kỳ trong dịp hè năm nay. Một mình chơi 2 nhân vật nhỏ, nhưng Bi “luyện cấp” cho chúng khá nhanh, mới trong vòng 1 ngày, một trong hai nhân vật đã “lên” được hơn 70 cấp. “Em cho tụi nó vừa luyện, vừa làm nhiệm vụ. Nhanh lắm, chơi chừng 8 tiếng là lên được gần 70 cấp rồi”, Bi nói.

Điều quan trọng là theo khoản d, điều 7, chương II Thông tư 60 nói trên thì các doanh nghiệp phải “Có biện pháp kỹ thuật nghiệp vụ quản lý giờ chơi cài tại các máy chủ. Theo đó cho phép mỗi tài khoản chơi trong 180 phút đầu tiên được tính 100% điểm thưởng; từ phút thứ 181 đến phút thứ 300 chỉ được tính 50% số điểm thưởng; từ phút thứ 301 sẽ không được tính điểm thưởng dưới mọi hình thức”. Nếu chiếu theo quy định này, thì trong 1 ngày làm cách nào Bi chơi được 8 tiếng để “luyện cấp” cho nhân vật của mình?

Thực tế, rất nhiều GO hiện nay chỉ “làm động tác giả” đối với việc thực hiện quy định giới hạn giờ chơi này. Bằng cách này hay cách khác, game thủ có thể “lách” quy định này để tiếp tục chơi, sau khi hết hạn theo thời gian quy định. Một số GO cho phép người chơi có thể chơi tiếp 5 giờ sau vài tiếng nghỉ ngơi, hoặc chỉ cần thoát ra rồi đăng nhập vào lại là có thể chơi như chưa từng chơi trong ngày hôm đó. Có trò chơi thì cho phép người chơi nhận điểm vào ngày hôm sau, thông qua hệ thống nhiệm vụ hoặc một nhân vật trong game. Ở một số trò chơi khác, người chơi có thể sử dụng các phần mềm để “hack” thời gian chơi…

Đối với các nhà phát hành GO, việc “giữ chân” các game thủ càng lâu trong GO của mình thì càng tốt, nên họ có thể “tạo điều kiện” cho game chơi tiếp sau 5 giờ giới hạn. Ở phía khác, với các game thủ, việc tiếp tục chơi sau 5 giờ bị giới hạn là điều mà phần lớn đều mong muốn. Với các quan điểm như vậy, việc quy định của Thông tư 60 ngày càng bị “lờn thuốc” khi không có những kiểm tra chặt chẽ và chế tài đủ mạnh, là tất yếu.

Tài sản ảo: ngày càng nhức nhối!

Trở lại với câu chuyện của chàng trai Lê Minh Sơn, thực ra, niềm đam mê với các trang bị “đại hoàng kim môn phái” trong GO của Sơn có thể giảm đi rất nhiều, nếu vào đầu tháng 6 anh không bị cướp trắng trợn 1 món đồ như vậy. “Hôm đó tôi hẹn mua bán 1 cái ngọc bội hoàng kim môn phái Võ Đang, với giá 20 triệu đồng. Đang giao dịch ở ngoài tiệm nét trên đường Sư Vạn Hạnh nối dài, thì bị 4 thằng nhào vào, đánh và cướp mất cả tiền, cả món đồ ảo trong GO Võ Lâm Truyền Kỳ. Lần đó, vừa bị đánh sưng tay, bể kiếng, vừa bị mất món đồ hoàng kim môn phái mà không biết kêu ở đâu”, Sơn cay đắng nói.

Về góc độ luật pháp, hiện nay chúng ta cũng chưa có luật về tài sản ảo, nên các tranh chấp, khiếu nại... liên quan đến tài sản ảo là rất khó giải quyết. Dẫu vậy, với nhu cầu của người chơi, việc mua bán tài sản ảo là... “chuyện thường ngày ở huyện”. Thậm chí, đối với trò chơi thu hút như Võ Lâm Truyền Kỳ, đã có cả một doanh nghiệp khác (M4G) lập website, chuyên kinh doanh tài sản ảo của GO này. Không chỉ thực hiện các cuộc mua bán bình thường, M4G từng thực hiện những cuộc đấu giá cho các tài sản ảo trong game Võ Lâm Truyền Kỳ, mà vật phẩm được bán có giá cao nhất trong một cuộc đấu giá trước đây là một chiếc nhẫn, giá 251 triệu đồng!

Rõ ràng, trong một thị trường “chợ đen” có giá trị cao và có nhiều vật phẩm giá trị như vậy, việc các đối tượng xấu tìm cách trộm cướp, lừa đảo là khó tránh khỏi. Thậm chí, ngay cả các doanh nghiệp kinh doanh GO, cũng nhiều doanh nghiệp bán các vật phẩm trong GO để lấy tiền, hoặc sử dụng chúng như những chiêu bài thu hút người chơi, để thông qua đó thu tiền. Khi sức hút của trò chơi khiến nhu cầu mạnh hơn, đẹp hơn… của một bộ phận người chơi tạo ra một nhu cầu thường xuyên, có lẽ, hơn bao giờ hết, việc cân nhắc, xem xét về vấn đề tài sản ảo cần được phía các nhà quản lý quan tâm hơn, không nên tiếp tục “thả nổi” như trước nữa.

Điều 5, chương III của Thông tư 60 ghi rõ: “Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi trực tuyến không được khởi tạo các tài sản có giá trị trong trò chơi với mục đích kinh doanh thu lợi”. Nhưng thực tế hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã và đang tạo ra những vật phẩm trong game, để kinh doanh trực tiếp, hoặc gián tiếp, từ đó có thêm lợi nhuận.

Với sự phát triển của một cộng đồng game hàng triệu người, và đang được dự báo đang ngày càng tăng dần lên, việc không hay, không biết gì đến tài sản ảo là chưa hợp lý. Có lẽ, đã đến lúc để có những quy định, có những chế tài từ phía các cơ quan quản lý, để làm sạch hơn cái “mảnh đất lắm người nhiều ma” này.

Minh Tú

- Bài 1: “Cày”... suốt ngày đêm

Tin cùng chuyên mục