Kỷ niệm 50 năm Báo Sài Gòn Giải Phóng ra số báo đầu tiên (5-5-1975 - 5-5-2025)

Chúng tôi đã có mặt…

Trong suốt hành trình 50 năm qua, Báo SGGP luôn nỗ lực hết mình để mang đến cho bạn đọc những thông tin nóng với độ chính xác cao. Từ thời kỳ đất nước còn khó khăn sau chiến tranh đến đổi mới, hội nhập, những người làm Báo SGGP luôn xông pha trên các mặt trận, chiếm lĩnh mặt trận thông tin, tạo ra những tuyến bài mang nét riêng của SGGP.

Nhà báo Chiến Dũng (áo caro) theo chân lực lượng quân đội Thái Lan truy tìm những tay bắn tỉa trên đường phố Bangkok, năm 2010. Ảnh: ĐỖ VĂN
Nhà báo Chiến Dũng (áo caro) theo chân lực lượng quân đội Thái Lan truy tìm những tay bắn tỉa trên đường phố Bangkok, năm 2010. Ảnh: ĐỖ VĂN

Nhà báo CHIẾN DŨNG, Thư ký Tòa soạn Báo SGGP: Thêm một dấu ấn của Báo SGGP trong sự kiện quốc tế

Trong cuộc họp Giao ban Hội đồng Biên tập Báo SGGP ngày 12-5-2010, khi bàn đến đề tài thời sự quốc tế, Tổng Biên tập Trần Thế Tuyển nhận định: “Tình hình Thái Lan hiện khá phức tạp, mâu thuẫn giữa phe áo đỏ (thuộc phong trào Liên minh dân chủ thống nhất chống độc tài (UDD) và phe áo vàng thuộc Liên minh nhân dân vì dân chủ (PAD) sẽ gay gắt hơn, có thể dẫn đến xung đột. Báo SGGP cần phóng viên có mặt tại Bangkok để thông tin chân thực, khách quan tình hình”.

1746425658482.jpeg
Phóng viên Chiến Dũng đang tác nghiệp ở nước ngoài

“Ban nội dung nào xung phong cử phóng viên đi tác nghiệp tại Thái Lan”, gần 2 phút trôi qua sau câu hỏi của Tổng Biên tập mà chưa thấy ai lên tiếng. Khi đó, tôi đang là biên tập viên (sau khi tham gia khóa học tiếng Anh 6 tháng tại Singapore) đã đứng dậy, xung phong sẽ lên đường tác nghiệp cùng Đỗ Văn, phóng viên Ban Quốc tế.

Thêm 3 phút thảo luận, Hội đồng biên tập đã đồng ý đề xuất của tôi. Dưới chỉ đạo của Tổng Biên tập là mọi thủ tục chuẩn bị cho chuyến xuất cảnh công tác của chúng tôi phải nhanh, gọn nhất có thể, tôi không tránh khỏi một chút háo hức và cảm thấy vinh dự. Những cảm giác đó là sự tất yếu bởi chúng tôi đang đặt trên vai mình một trách nhiệm lớn với bạn đọc: “đưa tin từ hiện trường”, hơn cả, là đại diện cho tờ báo Đảng duy nhất của TPHCM - với lượng bạn đọc rộng rãi đã vượt khỏi biên giới quốc gia - công tác tại một “sự kiện” mà không phải ai cũng dễ dàng chấp nhận có mặt.

Ngày 18-5-2010, tôi và phóng viên Đỗ Văn lên đường. Tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, một anh bạn làm ở hải quan Tân Sơn Nhất tặng chúng tôi 2 chiếc nón cối, vốn là hình ảnh về một sức mạnh về sự kiên cường.

Chuyến bay khá vắng vẻ, tại sân bay quốc tế Suvarnabhumi của Thủ đô Bangkok, dòng người chủ yếu rời khỏi Bangkok. Điều ngạc nhiên đầu tiên đối với chúng tôi khi đến đây là tiếng Anh của cánh tài xế taxi khá bập bẹ, không ứng với thiên đường du lịch của Đông Nam Á khi đó. Khách sạn chúng tôi ở do đồng nghiệp Thông tấn xã Việt Nam tại Thái Lan giới thiệu, cách trung tâm Bangkok khoảng 4km.

Xem thời sự về chiến tranh khá nhiều, xem… phim hành động cũng nhiều, nhưng lần đầu tiên trong đời chúng tôi chứng kiến một phóng viên hãng tin quốc tế bị bắn vào bụng. Cách chỗ tôi đứng khoảng 4m, một tiếng bụp nhanh gọn, phóng viên này đưa hai tay bịt lỗ đạn bắn, một dòng máu chảy giữa hai kẽ ngón tay phụt trào. Ngay lập tức, anh được các đồng nghiệp (nhiều quốc gia khác nhau) đưa lên xe bán tải chở đi bệnh viện. Lúc này, cánh báo chí quốc tế (khoảng trên dưới 50 người) cùng trao đổi và đi đến nhận định, báo chí sẽ là mục tiêu bắn tỉa của cả 2 bên để đổ lỗi cho nhau và tranh thủ nhận được sự ủng hộ của báo chí quốc tế.

1746425647687.jpeg
Phóng viên Đỗ Văn tác nghiệp tại Thái Lan

Ngay sau đó, tôi đã gọi điện trực tiếp cho anh Trần Thế Tuyển trao đổi về thông tin trên và đề xuất được mua 2 áo giáp. Anh Tuyển đồng ý. Cánh phóng viên lúc này đã mày mò và tìm được chỗ mua với giá 350 USD/2 cái.

Mỗi ngày, hai anh em đi thực tế tại các điểm nóng, khi bằng xe ôm, lúc chạy bộ (vào cận giờ giới nghiêm từ 18 giờ hôm nay đến 6 giờ sáng mai, các phương tiện giao thông không hoạt động) mang trên mình vừa máy ảnh, máy tính, áo giáp với tổng trọng lượng khoảng 10kg. Về đến khách sạn chia nhau viết bài, xử lý hình ảnh để gửi tòa soạn trước 21 giờ.

Những ngày tác nghiệp “nóng bỏng” đó, có lẽ không quá khi phải thừa nhận, mỗi nhà báo, phóng viên chúng tôi tựa như một chiến sĩ nơi trận mạc khi hòa trong cảnh chứng kiến Trung tâm thương mại Bangkok sụp đổ do bị đốt, cảnh biểu tình đốt xe rồi tình trạng hôi của, nhất là đi theo lực lượng quân đội Thái Lan truy lùng các tay bắn tỉa…

8 ngày với hơn 10 bài viết tường thuật trực tiếp về sự kiện năm đó tại Thái Lan mà sau này báo chí Thái Lan cũng đã nhắc “một tờ báo chính thống Việt Nam đã cử phóng viên đến thông tin vào lúc cao điểm nhất của xung đột”, cảm giác chúng tôi hôm nay nhớ về vẫn dường như nguyên vẹn.

“Các chú đưa tin kịp thời, tạo thêm uy tín cho báo ta nói riêng và báo chí Việt Nam nói chung, đặc biệt là về nước an toàn đó là điều tôi vui nhất, khen ngợi và biểu dương 2 chú rất nhiều”, Tổng Biên tập Trần Thế Tuyển chia sẻ ngay khi nhìn thấy chúng tôi bình an trở về, có mặt “vẹn nguyên” ở tòa soạn báo.

Nhà báo NGUYÊN KHÔI, Phó Trưởng văn phòng đại diện các tỉnh miền Trung tại TP Đà Nẵng: Sẵn sàng dấn thân

IMG_5214.jpeg

Cách đây 11 năm. Đầu tháng 5-2014, truyền thông Việt Nam và thế giới tràn ngập thông tin về việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 tại khu vực đảo Tri Tôn, quần đảo Hoàng Sa - vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, dưới sự yểm trợ của hơn 100 tàu hải cảnh các loại. Sự việc trở nên rất căng thẳng khi tàu Cảnh sát biển và Tàu Kiểm ngư của Việt Nam liên tục đối đầu với số lượng đông đúc tàu yểm trợ giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc để đấu tranh, đẩy đuổi ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Những ngày ấy, tôi dường như không ngủ để dành thời gian tra cứu, nghe ngóng thông tin để chuẩn bị kế hoạch tin bài cho ngày hôm sau. Một ngày quần quật không nghỉ, hết chạy qua cảng Tiên Sa thì chạy về các đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải Quân, rồi chạy sang trụ sở của lực lượng Kiểm ngư, Cảnh sát biển và cả UBND huyện đảo Hoàng Sa… để lấy thông tin viết bài cập nhật trên Báo SGGP điện tử và nhật báo SGGP. Tại những nơi làm việc, tôi đều xin đăng ký với các lực lượng chức năng một suất được đi thực địa Hoàng Sa để đưa tin nhưng do tính chất bí mật và nguy hiểm của chuyến đi, nơi nào cũng nhận lời nhưng không chắc chắn lắm. Vài ngày sau, một buổi chiều khi đang tổ chức tiệc đầy tháng cho con gái, tôi nhận được lệnh “mai hoặc mốt lên đường. Thời gian, địa điểm,sát giờ sẽ thông báo”. Tôi giấu gia đình vì vợ vừa mới sinh tròn tháng, trong khi thông tin trên báo đài luôn sôi sùng sục về sự đối đầu của lực lượng chấp pháp hai bên.

Rồi tôi cũng lên được tàu trước giờ khởi hành vài phút. Không kịp mang theo cái gì ngoài túi máy ảnh, máy quay và bộ đồ cùng chiếc áo khoác và chiếc nón lưỡi trai trên người. Tôi trở thành 1 trong 19 nhà báo đầu tiên có mặt tại vùng biển Hoàng Sa để đưa tin về sự kiện Hải Dương 981. Hành trình hơn 100 hải lý từ Đà Nẵng đi vùng biển Hoàng Sa trên chiếc tàu cứu hộ cứu nạn của Kiểm ngư Việt Nam trở nên nhỏ bé và đầy trắc trở khi biển động, sóng cấp 6, cấp 7. Con tàu cứu nạn như con lật đật, nghiêng qua rồi lật lại. Trên tàu, từ thuyền viên cho đến nhà báo, ai cũng đẫm ướt vì sóng biển phủ từ trên đầu xuống. Trên biển mênh mông với con sóng cao cả chục mét, chiếc tàu dập dềnh như chiếc lá trên dòng suối lũ. Chưa bao giờ thấy sinh mệnh con người nhỏ bé đến vậy.

Sau gần 1 ngày đêm, rồi chúng tôi cũng có mặt tại thực địa. Nhìn cái giàn khoan bằng sắt thô kệt đứng sừng sững giữa biển, chung quanh là lúc nhúc tàu thuyền như gầm gừ tấn công bất cứ ai tiến lại gần. Và hôm đó, tàu chở nhóm nhà báo chúng tôi trên hành trình tiến về giàn khoan Hải Dương 981 đã bị nhiều tàu hải cảnh Trung Quốc vây hãm, tấn công bằng vòi rồng. Và trong trận đối đầu ấy, và những ngày sau nữa, tôi đã quay, chụp được hàng chục Gigabyte hình ảnh và video clip. Và trong số đó, tôi đã tặng 7 phút hình ảnh cho các đồng nghiệp làm ở các báo đài, hãng thông tấn quốc tế khi đang trên hành trình trở về đất liền sau chuyến tác nghiệp và mất liên lạc với đất liền nhiều ngày.

​Những ngày tác nghiệp ở vùng biển Hoàng Sa, để có được những thước phim, hình ảnh tư liệu quý giá, trải qua những khắt nghiệt và hiểm nguy,… tôi thấy mình thật may mắn khi có mặt để ghi lại những thời khắc lịch sử. Ngoài sự trải nghiệm của bản thân, tôi còn rèn được những kỹ năng tồn tại trong môi trường khắc nghiệt như biển cả.

Là những người làm báo SGGP, chúng tôi luôn chuẩn bị sẵn sàng đủ niềm đam mê để dấn thân.

E5A.jpg
Nhà báo Nguyên Khôi tác nghiệp trong sự kiện Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 tại khu vực đảo Tri Tôn, quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, năm 2014

Nhà báo LƯƠNG THIỆN, Phó Trưởng ban Ban Kinh tế: Sát cánh cùng đồng bào vùng bão

Tháng 9-1999, khi báo cử tôi ra miền Trung làm đại diện thường trú, lúc đó tôi mới 25 tuổi. Văn phòng đại diện của Báo đóng tại TP Đà Nẵng, chỉ có một chú bảo vệ nguyên là Đại tá của Đoàn tàu không số nổi tiếng. Đối với tôi, vùng đất này mới hoàn toàn, rất xa lạ.

Nhưng rồi rất nhanh chóng cảm xúc riêng lắng xuống, tôi phải tất bật lao vào tác nghiệp trong cơn đại hồng thủy ập xuống miền Trung, khoảng 3 tháng sau đó. Tâm lũ xác định là thành phố Huế. Khi có mặt ở Huế, phương tiện di chuyển đầu tiên của tôi là leo lên xe tăng lội nước để đến những điểm có khu dân cư bị chia cắt; nhưng rồi cũng chẳng đi được bao nhiêu vì nước quá lớn, quá sâu. Trong đầu tôi rối bời do đối diện với thực tế hết sức cam go: lúc đó SGGP là tờ nhật báo duy nhất phía Nam, làm thế nào để ngày nào cũng phải có bài gửi về tòa soạn theo yêu cầu của Ban biên tập nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin của bạn đọc? Thời điểm đó chỉ có phương tiện gửi bài vở duy nhất và nhanh nhất là Fax, nhưng trung tâm thành phố Huế các máy móc bị hư hỏng hết, làm thế nào để gửi bài? Máy ảnh cũng trở nên vô dụng, vì các phòng rửa ảnh cũng bị hư hỏng do ngập nước, vậy chụp hình thì rửa ảnh ở đâu? Một điểm cốt tử là, đối với tôi Huế là địa bàn hoàn toàn xa lạ, làm thế nào để đi lại?

Sau buổi chiều đầu tiên, tôi bắt đầu có ghi nhận gửi về tòa soạn qua máy Fax của UBND tỉnh mới khôi phục, nhưng cũng rất hồi hộp vì lúc được, lúc không. Tầm 21 giờ, bản tin đầu tiên về đến tòa soạn. Bữa cơm tối đầu tiên kết thúc gần 23 giờ. Cũng nhờ bữa cơm đó, các điều kiện tác nghiệp của tôi cơ bản được giải đáp: tôi sẽ có một người địa phương biết viết lách và hướng dẫn đi lại. Tôi được sử dụng máy vi tính để bàn tại văn phòng UBND tỉnh khi viết bài. Đặc biệt, một đồng nghiệp ở cơ quan báo chí trung ương sẽ giúp tôi khâu chụp ảnh bằng máy kỹ thuật số (thời đó rất hiếm). Đầu giờ mỗi buổi sáng, tôi sẽ có mặt tại cuộc họp của Trung tâm chỉ huy phòng chống bão lụt của tỉnh Thừa Thiên Huế để nắm tình hình bao quát, rồi tính toán phương án tác nghiệp. Khi cần bất cứ vấn đề gì tôi sẽ được lãnh đạo tỉnh hỗ trợ ngay lập tức.

Một hình ảnh khiến tôi không thể kìm lòng, khi sức tàn phá khủng khiếp của lũ dữ đã xé toang cửa biển Hòa Duân, khiến 9 người trong gia đình bị cuốn trôi theo dòng nước. 9 chiếc quan tài để san sát nhau, chỉ có một người con duy nhất quấn chiếc khăn tang, nhìn mà lòng đau như cắt! Bia Quốc học Huế nằm bên bờ sông Hương đã trở thành nơi tập trung thi thể người vớt lên từ dòng sông đục ngầu! Thiệt hại do cơn đại hồng thủy này thật khủng khiếp, ngoài tài sản còn có gần 600 người thiệt mạng.

Tất cả những điều đó đều được tôi phản ánh lên mặt báo hàng chục ngày ròng rã. Thật xúc động, những bài báo đó đã phần nào làm lay động lòng trắc ẩn của bạn đọc Báo SGGP. Sự gom góp của bạn đọc với tinh thần lá lành đùm lá rách đã gửi ra cho đồng bào miền Trung ruột thịt.

Tin cùng chuyên mục