Ngày 17-5, UBND tỉnh Quảng Nam có cuộc làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam – EVN để tìm giải pháp khắc phục những bất cập trong công tác giải tỏa đền bù, tái định canh, định cư dự án thủy điện Sông Tranh 2. Tại cuộc họp, các bên vẫn loay hoay tìm giải pháp, trong khi hàng trăm hộ dân tái định cư thủy điện Sông Tranh 2 (Bắc Trà My, Quảng Nam) vẫn phải sống trong cảnh… vật vờ.
Quản lý dễ dãi
Tại cuộc làm việc, có nhiều ý kiến cho rằng, việc di dời dân để xây dựng công trình thủy điện Sông Tranh 2 hiện nay là “dồn dân vào núi”, gây ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của đồng bào dân tộc thiểu số. Ông Đặng Phong, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My cho rằng, trong 5 năm qua, các hộ tái định cư công trình thủy điện Sông Tranh 2 không thể ổn định đời sống do không có đất sản xuất.
Chủ đầu tư thủy điện Sông Tranh 2 chỉ quan tâm đến lợi ích thi công công trình mà chưa quan tâm đến lợi ích cuộc sống của người dân. Ông Phong cũng cho rằng cơ sở hạ tầng tại các khu tái định cư thủy điện Sông Tranh 2 chưa đáp ứng được nhu cầu thiết yếu của người dân, đơn cử như hệ thống bể chứa nước sinh hoạt chỉ đáp ứng được 50% số hộ…
Ông Lê Ngọc Kích, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, bức xúc: Chủ đầu tư bố trí tái định cư nhưng không tính đến phương án chuyển đổi nghề, bố trí đất sản xuất cho dân, đẩy dân vào rừng sâu, nặng nề nhất là tình trạng người dân phá rừng làm rẫy, môi trường tự nhiên bị xâm hại nghiêm trọng. Ông Kích đề nghị ngay từ bây giờ phải bảo vệ rừng và trồng rừng chứ không thể phó mặc như hiện nay. Ngoài ra, ông Kích cũng đề nghị chủ đầu tư hỗ trợ tiền để giải quyết các vấn đề dân sinh hậu tái định cư.
Ông Nguyễn Thanh Quang (Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam) cảnh báo: Trong số 834 hộ tái định cư thủy điện Sông Tranh 2 thì có đến 421 hộ tái định cư tự do trong rừng và đang xâm hại đến rừng; 413 hộ được bố trí tái định cư tập trung được bố trí đất sản xuất, nhà ở… nhưng đến nay chỉ mới 12 hộ mới nhận được nhà, đất sản xuất.
Trong khi đó, ông Ngô Bốn, Phó Giám đốc Sở Tài chính Quảng Nam cho rằng, việc bố trí tái định cư các dự án thủy điện của ngành điện còn quá nhiều bất cập, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống dân sinh. Ông Bốn cũng cho biết: “Số tiền thu từ các dự án thủy điện ở Quảng Nam không đủ giải quyết những hậu quả do thủy điện gây ra”.
Loay hoay tìm giải pháp
Ông Nguyễn Thanh Quang, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam và chủ đầu tư kiên trì thực hiện bố trí tái định cư cho dân, không nên cấp tiền cho dân một lần. “Khi tiêu hết tiền, người dân chạy vào rừng phá rừng, chẳng lẽ bắt cả ngàn người vì phá rừng?”, ông Quang đặt câu hỏi.
Ông Quang cũng thẳng thắn bác bỏ đề nghị “biến” rừng tự nhiên thành rừng sản xuất của chủ đầu tư: Chúng ta quá dễ dãi trong quản lý nên dẫn đến hậu quả hôm nay. Bản thân nhà máy điện làm mất rừng, Chính phủ yêu cầu trồng lại rừng nhưng chủ đầu tư không trồng. Chủ đầu tư chỉ lo xây dựng thủy điện, không lo trồng rừng. Rừng chưa trồng mà nay đòi phá thêm rừng là không thể chấp nhận. Phải tìm lại những khu đất không có rừng để bố trí đất ở, đất sản xuất cho dân.
Kết thúc buổi làm việc, ông Nguyễn Ngọc Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị EVN dựa theo Quyết định 34/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực từ ngày 1-6-2010 để áp giá bồi thường, hỗ trợ cho người dân tái định cư thủy điện Sông Tranh 2. Về giải quyết các vướng mắc hiện nay, đề nghị chủ đầu tư rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch để làm sao người dân tái định cư phải có đất sản xuất chứ không phải “quy hoạch mãi rồi lại đưa dân vào rừng” như thời gian qua. Ông Quang cũng đề xuất hướng giải quyết là EVN nên bàn bạc, phối hợp với địa phương để vận động mua lại đất của người dân sở tại, đưa dân tái định cư trở ra, tuyệt đối không tác động đến rừng.
Tuy nhiên, tại buổi làm việc này, các bên vẫn chưa thể tìm ra giải pháp cụ thể nào để “sửa sai” trong vấn đề tái định cư thủy điện Sông Tranh hiện nay. Ông Trần Văn Được, Phó Tổng giám đốc EVN lại lo ngại: Hiện còn hơn 270 hộ dân tái định cư thủy điện Sông Tranh 2 chưa nhận tiền vì gặp một số vướng mắc, đề nghị chính quyền địa phương nghiên cứu phương án nào đó chấp nhận được, như các hộ dân nào chứng minh được thực tế đã có đất sản xuất thì đền bù bằng tiền.
Điều đáng nói hơn là trong khi hàng trăm hộ dân tái định cư dự án thủy điện Sông Tranh 2 đang sống dở, chết dở thì BQL dự án thủy điện 3 báo cáo đã thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư dự án thủy điện Sông tranh 2 đạt 90% khối lượng (?).
Thừa Thiên - Huế: Sẽ thu hồi một số dự án thủy điện chậm tiến độ |
Tỉnh Thừa Thiên - Huế đang xem xét thu hồi một số dự án thủy điện thi công chậm tiến độ, ảnh hưởng tới lợi ích phát triển kinh tế - xã hội. Hiện trên địa bàn đã và đang thi công một loạt dự án thủy điện như: Hương Điền, A Lưới, A Lin, Thượng Lộ, Sông Bồ, Thượng Nhật... Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Cao, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế tại buổi họp giao ban các dự án thủy điện trên địa bàn, đa số các dự án thủy điện đều triển khai chậm so với tiến độ cam kết. Công tác chuẩn bị đầu tư, thu xếp nguồn vốn kéo dài; năng lực của một số nhà đầu tư chưa đáp ứng được yêu cầu. Tỉnh yêu cầu các chủ đầu tư khẩn trương xúc tiến công tác thu xếp nguồn vốn và chuẩn bị đầu tư; nếu dự án nào triển khai quá chậm (hơn 12 tháng) so với giấy chứng nhận đầu tư và cam kết của chủ đầu tư, UBND tỉnh sẽ xem xét, thu hồi chủ trương thực hiện dự án đó. V.THẮNG |
NGUYÊN KHÔI