Bước chuyển mình của công nghiệp âm nhạc

Theo báo cáo vừa được đưa ra bởi Hiệp hội Công nghiệp thu âm Mỹ (RIAA), doanh thu từ âm nhạc trong năm 2015 đạt 7 tỷ USD, tăng trưởng 0,9% so với cùng kỳ năm 2014.
Bước chuyển mình của công nghiệp âm nhạc

Theo báo cáo vừa được đưa ra bởi Hiệp hội Công nghiệp thu âm Mỹ (RIAA), doanh thu từ âm nhạc trong năm 2015 đạt 7 tỷ USD, tăng trưởng 0,9% so với cùng kỳ năm 2014.

Mức tăng trưởng này dù còn khá thấp nhưng vẫn là một tín hiệu tốt. RIAA cho biết, doanh thu từ tất cả các loại hình dịch vụ âm nhạc trực tuyến đã góp phần bù đắp cho sự sụt giảm của doanh số bán đĩa vật lý, tải kỹ thuật số, vốn đã có dấu hiệu đi xuống trong nhiều năm qua.  

Một nền công nghiệp âm nhạc “cân bằng”

Lần đầu tiên, các dịch vụ âm nhạc trực tuyến chiếm tỷ trọng cao nhất trong bức tranh tổng thể của ngành công nghiệp âm nhạc Mỹ, bởi trước đây doanh thu từ tải kỹ thuật số luôn mang về nguồn thu cao nhất. Âm nhạc trực tuyến đóng góp 34,3%, cao hơn đúng 0,3% so với tải kỹ thuật số, trong khi doanh thu từ việc bán đĩa vật lý chiếm 28,8% và các loại hình còn lại chỉ chiếm 2,9%. 

Báo cáo này cũng chỉ ra một cách chi tiết các loại hình khác nhau của dịch vụ âm nhạc trực tuyến bao gồm 3 hạng mục: theo yêu cầu (như các dịch vụ của Spotify, Apple Music), dịch vụ phát thanh (như Pandora, SiriusXM) và không đăng ký tùy chọn theo yêu cầu (như YouTube). Theo tiết lộ, cả 3 loại hình này đều có mức độ tăng trưởng đáng kể trong năm qua và lần đầu tiên, âm nhạc trực tuyến vượt mốc 2 tỷ USD, tăng 29% và đạt mức 2,4 tỷ USD. 

Biểu đồ bức tranh tổng thể ngành công nghiệp âm nhạc Mỹ 2015 (trái) và mức tăng trưởng lượng người dùng trả tiền của dịch vụ Spotify

Năm 2015 chứng kiến nhiều công ty như Spotify có thêm số lượng người dùng mới đáng kể, trong đó có một số lượng lớn những người dùng từ việc sử dụng miễn phí quyết định sang trả tiền để không bị làm phiền bởi quảng cáo và có thêm nhiều tính năng mới. Trong khi đó, một số công ty mới gia nhập thị trường này như Apple Music hay Tidal cũng có màn chào sân ấn tượng khi có thêm hàng triệu lượt khách hàng cho riêng mình. Tính riêng dịch vụ âm nhạc trực tuyến có tính phí, mức tăng trưởng đạt 52%, lên con số hơn 1,2 tỷ USD.  

Việc giảm về doanh thu từ tải kỹ thuật số là điều đã được dự báo từ trước đây. Năm 2015, loại hình này thu về hơn 2,3 tỷ USD với mức giảm 10%. Tổng doanh thu từ thị trường đĩa vật lý đạt 2 tỷ USD, trong đó đĩa CD giảm 10%, riêng đĩa than tăng 32% và cao nhất từ năm 1988 cho đến nay.

Nếu nhìn vào bức tranh tổng thể nói trên, có thể thấy đây là năm đầu tiên ngành công nghiệp âm nhạc Mỹ bước vào thế cân bằng khi 3 loại hình chính: âm nhạc trực tuyến, tải kỹ thuật số và đĩa vật lý, mỗi loại hình chiếm khoảng 1/3 doanh thu toàn thị trường. Sự biến động nói trên là hệ quả tất yếu của xu hướng âm nhạc đang thịnh hành không chỉ tại Mỹ mà còn là bức tranh của ngành công nghiệp âm nhạc trên toàn thế giới. 

Spotify đạt 30 triệu khách hàng

Giám đốc điều hành kiêm đồng sáng lập của Spotify Daniel Ek vừa đưa ra thông báo trên trang Twitter cá nhân rằng dịch vụ âm nhạc trực tuyến của họ có tốc độ tăng trưởng đáng kinh ngạc khi vừa cán mốc 30 triệu thuê bao trả phí.

Ra mắt lần đầu tiên vào tháng 4-2006, phải mất hơn 5 năm, Spotify mới đạt được con số 1 triệu người đăng ký vào tháng 3-2011. Sau đó, họ lần lượt đạt mức 2 triệu vào tháng 9 cùng năm, 5 triệu vào tháng 12-2012. Mốc 10 triệu được xác lập vào tháng 5-2014 và đúng một năm sau, tức là tháng 6-2015, họ có 20 triệu khách hàng. Sau khi cán mốc 20 triệu người dùng, các chuyên gia trong lĩnh vực này đều tin tưởng rằng không có bất cứ lý do hay rào cản nào có thể ngăn sự phát triển của Spotify và nó tiếp tục tăng tốc. Tính đến tháng 3-2016, tức là 9 tháng sau khi đạt mức 20 triệu người đăng ký, con số này đã được bổ sung thêm 10 triệu: chính thức cán mốc 30 triệu khách hàng. Với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, rất có thể Spotify sẽ đạt mức 35 triệu khách hàng vào cuối mùa nè này và đạt 40 triệu khách vào đầu năm 2017. 

Nếu tính cả số lượng người dùng không trả tiền cộng với con số 30 triệu nói trên có thể thấy, dịch vụ âm nhạc trực tuyến này đang không có đối thủ. Dù Spotify chưa công bố chính thức nhưng theo các chuyên gia dự đoán, hiện có khoảng gần 100 triệu người đăng ký dịch vụ bao gồm cả miễn phí và tính phí.

Hiện người dùng Spotify được sử dụng miễn phí dịch vụ này với phiên bản có chạy quảng cáo. Trong khi đó, phiên bản trả phí được áp dụng là 9,99 USD tại thị trường Mỹ. Theo tính toán, Spotify hiện có giá trị khoảng 8 tỷ USD và đang có mặt tại 58 thị trường trên toàn thế giới, hầu hết ở các nước có nền kinh tế phát triển nhưng cũng gồm cả các thị trường mới ở Mỹ Latinh.

HẢI DUY

Tin cùng chuyên mục