Trong những ngày đầu của năm mới, người yêu mến nghệ thuật truyền thống liên tiếp nhận được tin vui của di sản âm nhạc khi cùng lúc cả ca trù và xẩm đều đạt được những thành tựu đáng kể trong việc gìn giữ và phát triển.
Phục dựng không gian ca trù cửa đình
Ngày 14-1, tại đình Hàng Kênh, Hải Phòng, nghệ nhân ca trù 91 tuổi Nguyễn Phú Đẹ cùng các học trò là thành viên của Câu lạc bộ Ca trù Hải Phòng chính thức ra mắt chầu hát cửa đình phục dựng đầu tiên trong lịch sử. Sự kiện này đã thu hút không chỉ báo giới mà còn là một dấu mốc đặc biệt đối với những người yêu nghệ thuật ca trù. Trong không gian trang nghiêm, linh thiêng của đình Hàng Kênh, 14 thể cách với 5 lớp diễn của lối hát cửa đình đã được nghệ nhân dân gian Nguyễn Phú Đẹ và các học trò thể hiện sống động.
Ca trù đã tồn tại hơn ngàn năm qua, gắn bó với cuộc sống của người dân Việt Nam và được xem như thể loại nhạc chuyên nghiệp đầu tiên của người Việt. Trong các trình thức ca trù, hát cửa đình được xem là trình thức cổ điển nhất, tuy nhiên, vì nhiều lý do, từ những năm 50 của thế kỷ trước, hát cửa đình đã không còn tồn tại trong đời sống. Nhiều nghệ nhân hát cửa đình khi đó đã phải bỏ nghề, sang làm nghề khác, khiến loại hình này càng mai một và có những lúc tưởng như đã “tuyệt diệt”.
Nghệ nhân ca trù Nguyễn Phú Đẹ được xem là kép đàn duy nhất hiện còn sống, từng thực hành hát cửa đình vùng Hải Dương xưa. Ông cũng là người thầy duy nhất của ca trù Việt Nam còn nhớ các thể cách, lề lối hát cửa đình. Thi thoảng lại dùng chiếc khăn nhỏ chấm chấm mắt, nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ xúc động chia sẻ: “Nghệ thuật ca trù mà không giữ được hát cửa đình thì coi như mất gốc. Những kỹ thuật phức tạp của hát cửa đình đòi hỏi người hát phải liên tục học hỏi và tích lũy kinh nghiệm từ 5 - 10 năm mới có thể coi là vững nghề. Sau một thời gian ngắn tập luyện, các học trò đã thể hiện gần trọn vẹn được nguyên gốc của nghi thức cổ...”.
Hát cửa đình trong ca trù.
Nghẹn ngào trào nước mắt, NSƯT Đỗ Quyên, Chủ nhiệm CLB Ca trù Hải Phòng, bộc bạch: 4 tháng trời các thành viên CLB không quản ngại đường sá xa xôi, thường xuyên có mặt tại nhà của nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ để học hỏi những kỹ thuật buông hơi, nhả chữ và nghi thức hát cửa đình cổ xưa. Có nhiều bài khó các chị phải ghi âm lại, về nhà các thành viên cùng nghe rồi học cho thật chuẩn sau đó mới tìm đến thầy để trả bài. Chị cũng thừa nhận rằng đúng là canh hát này có đôi lúc, đôi chỗ các nghệ sĩ thể hiện vẫn chưa thực nuột nà như vốn có, song đây là lần đầu tiên sau hơn 20 năm thành lập, CLB mới được tham dự một canh hát cửa đình bài bản, lề lối chỉn chu như vậy.
Nếu như hiểu trình thức hát cửa đình, không chỉ có hát, mà còn có múa, diễn xướng, giáo phường ca trù thực sự là đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp tổng hợp, với phương thức truyền dạy, sáng tạo diễn ra trong đó. Luôn xác định hát cửa đình là gốc của ca trù. Hát không đủ hoặc để mất đi hát cửa đình là mất đi cái gốc của ca trù vì thế chắc chắn sau phiên phục dựng được đánh giá là rất thành công này, những người yêu ca trù không còn nơm nớp lo sợ không còn ai gìn giữ được vốn di sản của các cụ xưa để lại. Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền xúc động cho rằng, một di cảo vô giá của tổ tiên còn lại từ ngàn xưa văn hiến đã chính thức được chuyển giao thế hệ.
Xẩm Hà Thành trở lại sân khấu
Cùng chung niềm vui với ca trù, tối 20-1, một không gian của phố phường Hà Nội thời xưa, nơi từng tồn tại những giai điệu hát xẩm sẽ được tái hiện trên sân khấu của Nhà hát lớn Hà Nội trong đêm liveshow Xẩm và đời. Theo GS Hoàng Chương, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy âm nhạc dân tộc cho biết: “Sự trở lại của xẩm lần này sẽ mang dáng dấp phố thị, giúp công chúng thấy được xẩm đã sống trong lòng Hà Nội ra sao và đang phát triển trong đời sống, trong đối tượng công chúng trẻ ngày nay như thế nào”.
Đời người hát xẩm suốt thời gian dài trong quá khứ bị đánh đồng với ăn xin nên con cái người hát xẩm không muốn theo nghề vì xấu hổ, mặt khác cũng do hiểu không đúng về xẩm nên xẩm không được phát triển, điều này dẫn đến việc mai một loại hình này. Trong suốt quá trình phục hồi, các nhà nghiên cứu chúng tôi đã đi rất nhiều nơi tìm nghệ nhân hát xẩm, bên cạnh nghệ nhân Hà Thị Cầu cũng có thêm 2 hay 3 nghệ nhân nhưng họ đều lớn tuổi và quên rất nhiều làn điệu trong xẩm. Đó là điều vô cùng đáng tiếc.
Nhạc sĩ Nguyễn Quang Long, người phụ trách kịch bản của Xẩm và đời cho biết, khó khăn lớn nhất để đưa chương trình này tới được với khán giả vẫn là về tài chính. Nhờ sự yêu mến của một số nhà tài trợ và sự đóng góp của các ca sĩ, chương trình mới có thể thực hiện. Tuy nhiên, xẩm vẫn cần được sự ủng hộ nhiều hơn nữa từ công chúng và các cơ quan chức năng để cùng chung tay bảo vệ, giữ gìn, phát huy vốn quý của loại hình âm nhạc dân tộc này.
Có lẽ, sự quan tâm của công chúng cũng chính là yếu tố quyết định để những nghệ sĩ nặng lòng với xẩm đưa xẩm trở lại sân khấu lớn. Sự trở lại của xẩm lần này sẽ mang dáng dấp phố thị, giúp công chúng thấy xẩm đã sống trong lòng Hà Nội ra sao và đang phát triển trong đời sống, trong giới trẻ hôm nay như thế nào. Nhiều ý kiến băn khoăn, sân khấu nhà hát lớn hiện đại và sang trọng liệu có phù hợp với không gian của xẩm hay không? Về vấn đề này, nhạc sĩ Nguyễn Quang Long, thành viên nhóm xẩm Hà Thành, lý giải: Nếu như trong quá khứ xẩm chỉ được hát ở những nơi đông người qua lại như bến sông, bãi chợ, sân đình và hát để kiếm kế sinh nhai thì giai đoạn hiện nay môi trường trình diễn này cùng những người khiếm thị hành nghề ca hát đã không còn. Thay vào đó là môi trường trình diễn mới ít nhiều có ảnh hưởng bởi yếu tố chuyên nghiệp hóa. Ngoài ra, sự thay đổi còn thể hiện ở chi tiết những người hát ngày nay thường sáng mắt và hoạt động trong các trung tâm, câu lạc bộ… Bên cạnh đó, xẩm còn tồn tại trong một số loại hình khác như chèo, ca trù và hòa cùng dòng chảy hội nhập và sự giao thoa văn hóa Đông - Tây, xẩm còn được kết hợp với các dòng âm nhạc quốc tế…Vậy nên, sự biến đổi môi trường trình diễn một mặt đã làm thay đổi cơ bản nghệ thuật hát xẩm trong truyền thống, mặt khác, đây cũng là sự biến đổi tất yếu không những không làm mất đi giá trị truyền thống mà còn góp phần tạo sức sống mới cho sự hồi sinh của nghệ thuật ca hát dân gian đặc sắc này. Điều quan trọng xẩm được công chúng đón nhận.
MAI AN