Đây cũng là một yếu tố quan trọng làm ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu năng của bộ máy công quyền. Thực tế cho thấy, khi bộ máy hành chính nhà nước ôm hết các công việc thì rõ ràng chất lượng phục vụ sẽ không đạt được như kỳ vọng. Bởi vì nhu cầu của người dân, nhu cầu của doanh nghiệp ngày càng gia tăng và đa dạng nên bộ máy hành chính nhà nước khó có thể thỏa mãn các nhu cầu ấy một cách đầy đủ và nhanh chóng.
Trong bối cảnh chính phủ đang thúc đẩy việc cải cách hành chính, sắp xếp lại bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn hơn, hiệu quả hơn nhằm xây dựng một nhà nước phục vụ, nhà nước kiến tạo thì việc xã hội hóa việc cung ứng các dịch vụ hành chính công là một trong những bước đi, giải pháp thiết thực nhất để thực hiện được mục tiêu này. Có thể hiểu xã hội hóa việc cung cấp dịch vụ hành chính công là chuyển giao cho doanh nghiệp, các tổ chức xã hội đảm nhiệm một số nhiệm vụ, dịch vụ hành chính công vốn thuộc về nhiệm vụ của bộ máy hành chính công. Chẳng hạn việc chuyển cho bưu điện thực hiện việc trả lương hưu, các giấy tờ về thủ tục hành chính, các chính sách xã hội; xã hội hóa lĩnh vực công chứng bằng cách cho phép thành lập các văn phòng công chứng tư. Xã hội hóa lĩnh vực thừa phát lại cũng chính là những biểu hiện rõ nét của quá trình xã hội hóa việc cung cấp các dịch vụ hành chính công.
Đó chính là những bước đi ban đầu đầy hứa hẹn nhưng có lẽ sắp tới, chính quyền địa phương các cấp cần phải đẩy mạnh hơn nữa việc xã hội hóa lĩnh vực này bằng cách giao thêm nhiều nhiệm vụ hành chính công cho các định chế khác như bưu điện. Trong việc mạnh dạn xã hội hóa cung cấp dịch vụ công, chúng ta đã có một điển hình là đầu tháng 8-2018, chính quyền tỉnh Đồng Tháp đã giao bưu điện tỉnh thực hiện một loạt nhiệm vụ hành chính công liên quan đến các lĩnh vực gồm: thông tin và truyền thông, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, ngoại vụ, văn hóa, thể thao và du lịch, lao động - thương binh và xã hội.
Có lẽ các địa phương khác, nhất là TPHCM, nơi có lượng dân cư và doanh nghiệp xếp vào loại đông đảo nhất nước, việc đẩy nhanh quá trình xã hội hóa cung ứng các dịch vụ công cần phải tiến hành nhanh và rộng hơn nữa chứ không chỉ bó hẹp ở một số lĩnh vực như hiện nay. Khi đó, TPHCM mới có thể đáp ứng được một cách nhanh chóng các nhu cầu của người dân và doanh nghiệp, đồng thời từ đó cũng giúp giải phóng bớt biên chế trong bộ máy hành chính công của mình. Khi giảm bớt được biên chế thì đây là một trong những cơ sở quan trọng để chi trả thu nhập tăng thêm cho các cán bộ trong bộ máy hành chính và từ đó giúp gia tăng được năng suất, hiệu năng của bộ máy. Để làm được việc này, có lẽ chính quyền TPHCM cần phải định hình lại đâu là những loại dịch vụ hành chính công đặc thù, tức những loại dịch vụ mà chỉ có bộ máy hành chính công mới có thể cung cấp được, đâu là những loại dịch vụ hành chính công có thể giao cho tư nhân hay các tổ chức khác như bưu điện chẳng hạn. Sau khi đã liệt kê được danh mục các loại dịch vụ hành chính công có thể xã hội hóa được, chính quyền cần ban hành các chính sách, các quy định nằm huy động sự tham gia của các thành phần ngoài nhà nước vào việc cung ứng các loại dịch vụ hành chính công ấy.
Việc này cần phải được chính quyền TPHCM nhanh chóng thực hiện nhằm giải phóng bớt các công việc cho bộ máy hành chính công chứ không thể chậm trễ hơn được nữa. Bởi, nhu cầu của người dân, doanh nghiệp đang ngày càng tăng chứ không đứng một chỗ để chờ đợi chính quyền. Và, đây cũng là một trong những giải pháp quan trọng trong nhiều giải pháp nhằm cải cách hành chính, xây dựng một chính quyền phục vụ và kiến tạo.
Đi cùng với đó là trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc kiểm tra, giám sát có hiệu quả hoạt động của các tổ chức, đơn vị tham gia xã hội hóa lĩnh vực cải cách hành chính để giải quyết các tồn tại, cũng như ngăn chặn kịp thời các biến tướng, sai phạm phát sinh.