Đây là nhận định chung của rất nhiều chuyên gia kinh tế khi mà Nhật Bản đã thực hiện chính sách kinh tế Abenomics được gần 2 năm trong nỗ lực vực dậy nền kinh tế lớn thứ ba thế giới.
Tăng hay không tăng thuế tiêu thụ?
Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) mới công bố chương trình mua trái phiếu hàng năm lên tới 80.000 tỷ yên (704 tỷ USD), tăng hơn so với mức dự kiến đưa ra trước đó chỉ từ 60.000 - 70.000 tỷ yên. Sau quyết định của BOJ, thị trường chứng khoán Nhật Bản đã phản ứng tích cực trong khi giá đồng yên giảm so với đồng USD ở mức thấp nhất trong 7 năm qua.
Việc bơm thêm tiền vào nền kinh tế sẽ giúp tránh tình trạng giảm phát nhưng giới quan sát cho rằng biện pháp này chưa tác động đủ mạnh để vực dậy nền kinh tế xứ Phù Tang. Chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe phải kết hợp với các chính sách khác như khuyến khích tiêu dùng và đầu tư tư nhân.
Người dân thắt chặt chi tiêu là một trong những yếu tố khiến nền kinh tế Nhật Bản gặp khó.
Martin Schulz, chuyên gia cao cấp của Viện Nghiên cứu Fujitsu, cho hay một trong những mục tiêu của Abenomics là nâng cao tỷ lệ lạm phát của nền kinh tế Nhật Bản lên mức 2% vào năm 2015. Mục tiêu này tưởng chừng không gặp trở ngại gì khi vào đầu năm nay có thời điểm lạm phát đã tăng lên 1,5%.
Tuy nhiên, đến hiện tại, lạm phát đã quay về mức 1%. Abenomics hoạt động dựa trên lý thuyết người dân sẵn sàng chi tiêu, thúc đẩy nhu cầu đối với hàng hóa, qua đó giúp các ngành công nghiệp tăng trưởng. Tuy nhiên, người dân Nhật Bản hiện thay vì chi tiêu lại lo tiết kiệm. Điều này xuất phát từ việc Chính phủ Nhật Bản điều chỉnh thuế tiêu thụ đợt 1 vào tháng 4 vừa qua từ 5% lên 8%.
Masazumi Wakatabe, chuyên gia kinh tế tại Đại học Waseda ở Tokyo, cho biết không ít các doanh nghiệp và người dân Nhật Bản cảm thấy thất vọng với Abenomics. Họ đang rất lo lắng về kế hoạch tăng thuế tiêu thụ lần 2 lên mức 10% vào năm tới của Chính phủ Nhật Bản. “Có tăng thuế hay không, đó là một bước ngoặt của kinh tế Nhật Bản. Các nhà hoạch định chính sách phải cân nhắc thấu đáo nếu không các chính sách tưởng như giúp kinh tế lạm phát lại đưa Nhật Bản trở về thời kỳ giảm phát những năm 1990”, chuyên gia Wakatabe nói.
Cải cách là yếu tố sống còn
Abenomics là hàng loạt chính sách kinh tế được gọi là chiến lược “3 mũi tên” với trọng tâm chính gồm: thúc đẩy chi tiêu công, nới lỏng tiền tệ và cải cách cơ cấu kinh tế sâu rộng để tăng trưởng kinh tế hiệu quả, ổn định. Tuy nhiên, các nỗ lực kích thích nền kinh tế Nhật Bản trên lại tạo ra một thách thức đó là nợ công. Hiện nợ công của Tokyo đã chiếm 240% GDP, gây ra tâm lý hoang mang cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Takuji Okubo, nhà kinh tế trưởng của Công ty Japan Macro Advisors, nhận định điều này đã tạo ra một vòng luẩn quẩn. Khi nợ công cao, chính phủ của Thủ tướng Abe bắt buộc phải tăng thuế, trong đó thuế tiêu thụ chiếm một phần quan trọng. Chính sách này đã từng được Thủ tướng tiền nhiệm Yoshihiko Noda áp dụng và dường như không có cách nào khác, ông Abe cũng phải đi theo hướng này. Và khi nâng thuế tiêu thụ thì hệ quả tiêu cực là sản lượng kinh tế giảm mạnh trong quý 2 ngay sau khi thuế tiêu thụ tăng lên 8%.
Nhiều chuyên gia cho rằng đây chính là thời điểm bước ngoặt, là lúc Thủ tướng Nhật phải tiến hành cải cách cơ cấu kinh tế như mục tiêu ông Abe đã đặt ra trong mũi tên thứ 3. Nếu thay vì tiến hành một cuộc cải cách sâu rộng và toàn diện, Chính phủ Nhật Bản lại lựa chọn cách tiếp cận dè dặt hơn để nhằm tránh những kháng cự quyết liệt từ các nhóm lợi ích trên chính trường Nhật Bản hiện nay thì rất khó cho Nhật Bản và Thủ tướng Abe có thể thực sự giúp “tái sinh” nền kinh tế Nhật Bản vốn nhiều năm chìm sâu trong đình trệ.
ĐỖ VĂN (tổng hợp)