Sẵn sàng cho thử nghiệm lâm sàng
Phát biểu trong cuộc họp chính phủ, Tổng thống Vladimir Putin cảm ơn tất cả những người đã nghiên cứu ra loại vaccine đặc biệt ngừa Covid-19. Ông Putin khẳng định đây là một bước tiến rất quan trọng đối với toàn thế giới. Dòng vaccine này do Viện Nghiên cứu Gamaleya và Bộ Quốc phòng Nga cùng nghiên cứu và phát triển.
Giới chức y tế của Nga khẳng định, kết quả nghiên cứu cho thấy phản ứng miễn dịch ở tất cả đối tượng và không có bất cứ tác dụng phụ hay biến chứng nào. Sự ra đời của vaccine chống Covid-19 của Nga đã mở đường cho việc tiêm chủng hàng loạt cho người dân Nga nhằm ngăn ngừa dịch bệnh lây lan. Trước đó, Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko cho biết, các y bác sĩ và giáo viên sẽ được tiêm vaccine do Viện Gamaleya và Bộ Quốc phòng Nga phát triển. Vaccine này sẽ được sử dụng vào tháng 10. Loại vaccine thứ 2 do Trung tâm Vector phát triển, dự kiến bắt đầu sản xuất vào tháng 11.
Vaccine ngừa Covid-19 của Nga được đặt tên là Sputnik V. Sau tuyên bố điều chế thành công vaccine này, hơn 20 quốc gia đã tiến hành đặt hàng. Giám đốc Điều hành Quỹ đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) Kirill Dmitriev cho biết quỹ này sẵn sàng thử nghiệm lâm sàng vaccine ngừa bệnh Covid-19 do Nga sản xuất ở Philippines trong tháng 8. Tổng thống Philippines Duterte tỏ ý sẵn sàng là người đầu tiên thử nghiệm vaccine của Nga.
Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến lo ngại việc Nga cho ra đời vaccine ngừa Covid-19 sớm hơn so với thời gian thông thường. Hiệp hội các tổ chức nghiên cứu lâm sàng (ACOI) đã gửi thư cho Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko cho rằng, cần hoãn đăng ký loại vaccine đầu tiên ngừa Covid-19 cho đến khi hoàn tất thành công giai đoạn thử nghiệm lâm sàng thứ 3. Theo bức thư trên, chưa tới 100 người tham gia các cuộc thử nghiệm vaccine do Viện Nghiên cứu dịch tễ và vi sinh học Gamaleya phát triển, và trong giai đoạn thử nghiệm thứ 3, việc thử nghiệm vaccine thường được tiến hành trên vài ngàn người. Do vậy, hiện chưa thể khẳng định chất lượng của vaccine ngừa Covid-19 khi không có dữ liệu về tính an toàn của vaccine này đối với người cao tuổi và những người muốn được tiêm chủng đầu tiên và cũng không có thông tin việc sản xuất hàng loạt vaccine như thế nào.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhấn mạnh, bất kỳ chứng nhận nào của tổ chức này đối với vaccine chống dịch Covid-19 cũng sẽ đòi hỏi quy trình đánh giá khắt khe về dữ liệu an toàn.
Cuộc đua hàng tỷ USD
Cùng với Nga, Trung Quốc đang tăng tốc trong cuộc đua tìm vaccine ngừa Covid-19. Mỹ, Anh, Nhật Bản và Liên minh châu Âu đã đồng ý mua 1,3 tỷ liều vaccine chống Covid-19. Đến nay Mỹ đã ký các thỏa thuận để mua tổng cộng khoảng 1 tỷ liều vaccine ngừa Covid-19. Trong số này có một thỏa thuận trị giá 1,95 tỷ USD với Hãng dược Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) để cung cấp lên tới 600 triệu liều. Hai hãng dược của Mỹ và Đức này cũng vừa thông báo đã ký thỏa thuận với Nhật Bản về việc đặt mua 120 triệu liều. Anh đã đặt hàng để nhận 30 triệu liều vaccine từ AstraZeneca do Đại học Oxford phát triển. Pháp, Đức, Italy, Hà Lan cũng đã ký thỏa thuận với hãng dược này.
Các nhà nghiên cứu trên khắp thế giới đang ngày đêm làm việc với hơn 150 loại vaccine tiềm năng, trong đó có 26 loại đang được thử nghiệm trên người. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện tại, có 6 loại vaccine được đưa vào thử nghiệm giai đoạn 3 trên người. Công ty Công nghệ sinh học Sinovac của Trung Quốc ngày 11-8 khởi động quá trình thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối đối với vaccine CoronaVac, trước đây có tên là PiCoVacc, đối với 1.620 người mắc Covid-19 ở Indonesia.
Các loại vaccine phải chứng minh hiệu quả nhận diện và vô hiệu hóa virus SARS-CoV-2 thông qua số liệu thống kê. Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) và WTO đã hạ các tiêu chí về tính hiệu quả từ tỷ lệ thành công 80%-90% xuống 50%.
Giới nghiên cứu Israel phát hiện vaccine phòng bệnh lao có thể hỗ trợ ngừa Covid-19. Đây là nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Đại học Ben Gurion và Đại học Do Thái Jerusalem. |