Buổi giao thời khó khăn

Tuần qua, Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai có chuyến thăm Nhà Trắng để thống nhất với Tổng thống Mỹ Barack Obama về việc thúc đẩy chuyển giao khi lính Mỹ kết thúc nhiệm vụ quân sự ở quốc gia Trung Á này. Tiếp sau đó, Thủ tướng Qatar Sheikh Hamad bin Jassem Al-Thani ngày 16-1 tuyên bố công tác chuẩn bị mở một văn phòng chính trị của Taliban ở thủ đô Doha cho các cuộc đàm phán với các bên của Afghanistan đang được đẩy nhanh.

Afghanistan đang ở giai đoạn bản lề cho sự đổi thay toàn diện nhưng cũng đầy thách thức. Đó là nhận định trong một bài viết của Economist về con đường hướng đến năm 2014 của Afghanistan.

Theo bài viết, Afghanistan đang đối mặt với 3 sự chuyển giao quan trọng: an ninh, chính trị và kinh tế. Trong đó, “ồn ào” nhất là chuyển giao an ninh khi cuối năm nay, quân đội Afghanistan tiếp quản trọng trách từ Lực lượng hỗ trợ an ninh quốc tế (ISAF) do NATO lãnh đạo để đối phó với tình trạng bất ổn trong nước kể từ khi nổ ra cuộc chiến lật đổ Taliban năm 2001.

Hình ảnh quân đội Afghanistan đến nay vẫn gắn liền với sự hỗ trợ của ISAF nên lo lắng lớn nhất của họ là liệu phương Tây có bất ngờ rút lại quyết định chi số tiền tài trợ 4,1 tỷ USD/năm (trong đó có trang bị các loại vũ khí, phương tiện hiện đại) trong khi lãnh đạo NATO trong nhiều lần phát biểu đã gián tiếp thừa nhận nhiệm vụ của họ ở Afghanistan thất bại.

Không như Iraq, Afghanistan đã được lòng phương Tây khi ông Karzai cuối tuần qua quyết định duy trì quyền miễn trừ pháp lý đối với binh lính nước ngoài để tránh việc họ nhanh chóng rút khỏi quốc gia này lúc tình hình vẫn còn ngổn ngang. Chuyển giao chính trị để dập tắt sự nổi loạn của Taliban tùy thuộc vào sự hợp tác giữa Afghanistan và các nước từng tham chiến. Bên cạnh đó, chuyển giao chính trị minh bạch cũng rất cần thiết.

Đây là khía cạnh truyền thông quốc tế không đề cập nhiều nhưng là điều kiện cần để thực hiện hai cuộc chuyển giao còn lại. Báo cáo của International Crisis Group, một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Brussels (Bỉ) cho thấy chặng đường bầu cử tổng thống năm 2014 và bầu cử Quốc hội năm 2015 ở Afghanistan còn vướng nhiều trở ngại từ nội bộ. Mối đe dọa lớn nhất được nhắc đến là tình trạng quan liêu, tham nhũng. Đây được xem là lời “nhắc khéo” với ông Karzai nên ngay sau đó, ông đã tuyên bố sẽ không tham gia tranh cử trong nhiệm kỳ tới.

Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra là ông có sự chuẩn bị nào cho người kế nhiệm hay không? Các nước tài trợ sẽ quan sát chặt chẽ quá trình này trong suốt thời gian họ thực hiện gói hỗ trợ 16 tỷ USD (được cam kết tháng 7-2012). Một cuộc bầu cử minh bạch sẽ gây sức ép để Taliban nghiêm túc ngồi vào đàm phán chính trị và đồng thời cũng là điều kiện để phát triển kinh tế.

An ninh, chính trị ổn định là lời cam kết tốt nhất để khuyến khích đầu tư nước ngoài cũng như doanh nhân nước này trước nguồn khoáng sản khổng lồ chưa được khai thác. Tỷ lệ tăng trưởng cao mà Afghanistan có được kể từ năm 2002 gần như là nhờ vào viện trợ quốc tế. Bộ trưởng Khai khoáng Afghanistan Wahidullah Shahrani từng tuyên bố đến năm 2024, ngành công nghiệp này sẽ trở thành động lực tăng trưởng kinh tế lớn nhất.

Nhưng để thành công nhằm đưa Afghanistan thoát khỏi danh sách những quốc gia nghèo nhất thế giới, đáp ứng nhu cầu việc làm cho 50% dân số trong độ tuổi lao động năm 2014 quả không dễ, buộc Afghanistan phải tuân thủ nghiêm ngặt những ràng buộc của nhiều quá trình chuyển giao. 

NHƯ QUỲNH

Tin cùng chuyên mục