Nhiều tháng nay, tình hình buôn lậu trên tuyến biên giới Tây Nam có dấu hiệu lắng xuống, nhưng riêng khu vực giáp ranh giữa hai tỉnh Long An và Tây Ninh vẫn nóng. Hai mặt hàng “chiến lược” mà bọn buôn lậu nhập về là đường cát Thái và thuốc lá. Mỗi ngày có hàng trăm tấn đường, hàng ngàn cây thuốc lá được tuồn lậu vào Việt Nam qua cửa ngõ này. Tuy nhiên, số lượng mà các cơ quan chức năng ở đây bắt được chỉ là phần nổi của tảng băng.
Thuốc lá vẫn tràn vào
Lâu nay vẫn vậy, vùng giáp ranh giữa hai tỉnh Long An và Tây Ninh vẫn là nơi bọn buôn lậu thuốc lá tuồn hàng vào bên trong Việt Nam. Phía Tây Ninh thì tập trung phần lớn ở xã Phước Chỉ của huyện Trảng Bàng, còn phía Long An thì tập trung nhiều ở xã Mỹ Quý Đông của huyện Đức Huệ và xã Lộc Giang của huyện Đức Hòa. Từ cửa ngõ này, thuốc lá lậu sẽ được chuyển về TPHCM và các tỉnh lân cận để tiêu thụ. Các tay nài thuốc ngang nhiên chở thuốc lậu giữa ban ngày, coi như không có chuyện gì xảy ra.
Như tại cầu An Hạ (huyện Đức Hòa), chỉ trong một thời gian ngắn đã có hơn chục chiếc vỏ lãi chở thuốc lá lậu chạy từ sông Vàm Cỏ Đông rồi rẽ vào đây để chuyển thuốc lậu về huyện Củ Chi (TPHCM) theo tuyến kinh Thầy Cai. Những chiếc vỏ lãi này, thường xuất phát từ Lộc Giang, sau khi nhận hàng đã chạy hơn chục cây số trên sông Vàm Cỏ Đông rồi mới về tới địa điểm này để chuyển về TPHCM. Hay tại cầu Tân Thái (giáp ranh huyện Đức Hòa với huyện Củ Chi), chỉ cần quan sát hơn 30 phút, đã có gần 20 chiếc vỏ lãi chở thuốc lá lậu chuyển từ xã An Hòa (huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh-số thuốc lậu này được nhập vào qua cửa ngõ xã Phước Chỉ của huyện Trảng Bàng) để về Củ Chi xuyên qua xã Tân Mỹ của huyện Đức Hòa. Hay bọn buôn lậu chở thuốc bằng vỏ lãi theo tuyến kinh Mỹ Bình. Bắt đầu từ thị trấn Đông Thành (huyện Đức Huệ) chúng chạy dọc theo tuyến kinh này hơn 10 cây số, khi tới tuyến lộ N2, chúng đưa thuốc lên bờ, rồi dùng xe gắn máy chở về thị trấn Đức Hòa (huyện Đức Hòa), từ đây chúng chạy về TPHCM theo tuyến đường Bà Hom thuộc địa bàn huyện Bình Chánh. Đó là những tuyến “cơ bản” bọn buôn lậu vận chuyển thuốc lá bằng đường thủy, còn đường bộ thì “miễn bàn”. Ngóc ngách nào của tuyến biên giới cũng thấy các nài thuốc chở thuốc lá lậu về bên trong, nhưng tất cả cũng tập trung về TPHCM qua cửa ngõ Củ Chi và Bình Chánh. Theo lực lượng chức năng chống buôn lậu của Long An, chỉ tính trong 6 tháng đầu năm 2016, Long An đã bắt giữ gần 1,2 triệu gói thuốc lá lậu, nhưng số thuốc bắt được này chỉ là một phần rất nhỏ so với số lượng chúng nhập trót lọt vào bên trong.
Buôn lậu trên sông ở vùng tiếp giáp
Đường cát lậu qua biên giới
Trước đây, mặt hàng “truyền thống” mà bọn buôn lậu tuồn vào bên trong qua vùng giáp ranh giữa Long An và Tây Ninh là thuốc lá, rượu ngoại và một vài mặt hàng điện máy khác, nhưng khoảng gần 2 năm trở lại đây, đường cát Thái được nhập lậu ồ ạt qua tuyến này. Như năm 2015, các lực lượng chức năng của Long An bắt giữ hơn 700 tấn đường cát nhập lậu. Một con số “không tưởng” mà nhiều cán bộ trong lực lượng chống buôn lậu của Long An cũng không ngờ tới. Thế nhưng, chỉ mới 6 tháng đầu năm 2016, tỉnh này lại bắt giữ số đường nhập lậu gần bằng cả năm 2015. Bọn buôn lậu hoạt động ngày một lộng hành hơn. Trước đây, chúng nhập lậu qua biên giới với số lượng nhỏ lẻ, rồi dùng phương tiện xe gắn máy, xuồng nhỏ để tuồn hàng vào bên trong để tiêu thụ. Nay chúng tập kết hàng sát biên giới với số lượng lớn, sau đó tìm cách đưa qua biên giới, rồi dùng ô tô, ô tô tải để vận chuyển, đưa về TPHCM và một số tỉnh lân cận tiêu thụ. Như mới đây, Công an Long An bắt giữ 13 tấn đường lậu được vận chuyển từ biên giới Đức Huệ vào bên trong bằng xe tải. Theo lời khai của các tài xế xe tải, họ chỉ vận chuyển thuê cho các đầu nậu ở TPHCM, mỗi tấn chở trót lọt được trả công từ 80.000 -100.000 đồng…
Lý giải vì sao có chuyện buôn lậu đường cát tăng “đột biến” ở vùng giáp ranh trong thời gian qua, ông Nguyễn Anh Việt, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Long An, cho rằng: “Có lẽ do một số đường dây buôn lậu đường cát ở tỉnh An Giang đã bị triệt phá, nên số còn lại chúng chuyển địa bàn hoạt động về vùng này. Mặt khác, lợi nhuận khá cao từ buôn lậu đường cũng là một trong những “động lực” để các tay trùm buôn lậu đường nhảy vào, bất chấp pháp luật ngăn cấm”. Cũng theo ông Việt, tuy các lực lượng chức năng của địa phương đã tăng cường triển khai nhiều giải pháp ngăn chặn, nhưng tình hình buôn lậu vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp. Hành vi, thủ đoạn của bọn buôn lậu ngày một tinh vi, nhất là mức độ vi phạm ngày một nghiêm trọng hơn.
KIẾN VĂN