Buôn Ma Thuột: Vươn tới đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên

Kỷ niệm 35 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột (10-3-1975 – 10-3-2010) cũng là thời điểm tỉnh Đắc Lắc công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận TP Buôn Ma Thuột là đô thị loại I trực thuộc tỉnh.
Buôn Ma Thuột: Vươn tới đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên

Kỷ niệm 35 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột (10-3-1975 – 10-3-2010) cũng là thời điểm tỉnh Đắc Lắc công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận TP Buôn Ma Thuột là đô thị loại I trực thuộc tỉnh.

Nằm ở trung tâm Tây Nguyên, với diện tích tự nhiên 377,18km2, dân số hơn 330.000 người, Buôn Ma Thuột có vị trí chiến lược quan trọng cả về chính trị, kinh tế-xã hội và quốc phòng-an ninh. Vì thế trong suốt hai cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc giải phóng đất nước, Buôn Ma Thuột đã trở thành địa bàn tranh chấp chiến lược, nơi diễn ra những trận chiến đấu lịch sử, mà oanh liệt nhất là Chiến thắng Buôn Ma Thuột (10-3-1975)-mở màn thắng lợi cho Đại thắng mùa xuân 1975.

Niềm vui của các thiếu nữ dân tộc ở Buôn Ma Thuột hôm nay. Ảnh: THÁI BẰNG

Niềm vui của các thiếu nữ dân tộc ở Buôn Ma Thuột hôm nay. Ảnh: THÁI BẰNG

Sau 35 năm giải phóng, Buôn Ma Thuột đã đạt nhiều thành tựu trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị và cải thiện đời sống nhân dân. Từ năm 2001 đến nay, Buôn Ma Thuột đã đạt được nhiều thành tựu, tốc độ tăng trưởng GDP tăng từ 11,38% (2001-2005), giai đoạn (2006-2010) đạt bình quân 17,5%.

Năm 2009 tốc độ tăng trưởng kinh tế của TP Buôn Ma Thuột đạt 20,09%, huy động tổng vốn đầu tư toàn xã hội 3.067 tỷ đồng, tổng thu ngân sách theo phân cấp đạt 747 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người 24,7 triệu đồng/người, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 2,3%; trong cơ cấu kinh tế, tỷ trọng các ngành công nghiệp-thương mại-dịch vụ chiếm 89%.

Bên cạnh việc đẩy mạnh phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa, TP Buôn Ma Thuột đặc biệt quan tâm tới đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị, làm tốt công tác quy hoạch cho cả trước mắt và lâu dài. Chỉ tính giai đoạn 2006-2010, Buôn Ma Thuột huy động khoảng 12.000 tỷ đồng cho đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng.

Trên địa bàn đã hình thành một số khu, cụm công nghiệp và các công trình quan trọng như: Khu công nghiệp Hòa Phú rộng 181ha, cụm công nghiệp Tân An rộng 105 ha, thủy điện Buôn Kuốp công suất 280 MW, cơ sở giáo dục từ mầm non đến đại học trên địa bàn đã được xây dựng kiên cố, mạng lưới trạm y tế ngày càng phát triển theo hướng xã hội hóa với nhiều bệnh viện tư nhân được xây dựng trên thành phố này. Bệnh viện đa khoa Buôn Ma Thuột vừa được đầu tư xây dựng hiện đại với kinh phí 34 tỷ đồng đã đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh của bà con ở đây. Mạng lưới giao thông, hệ thống cấp thoát nước, cấp điện, thông tin liên lạc phát triển nhanh và từng bước hiện đại hóa. Đến nay toàn TP Buôn Ma Thuột đã nhựa hóa hơn 96% đường nội thành, 100% đường liên xã và 70% đường liên thôn. 100% khu dân cư và 80% ngõ hẻm của TP đã có điện chiếu sáng.

Những năm qua, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo hiện chỉ còn 8%. TP Buôn Ma Thuột đã hoàn thành chương trình giải quyết đất ở, đất sản xuất, nhà ở, nước và điện sinh hoạt cho 100% số hộ theo Chương trình 134 của Chính phủ.

Trở thành đô thị loại I thuộc tỉnh Đắc Lắc là dấu mốc quan trọng để TP Buôn Ma Thuột phát triển nhanh và vững chắc theo hướng xây dựng thành phố hiện đại văn minh, hướng đến mục tiêu trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên. Theo ông Huỳnh Ngọc Luân, Chủ tịch UBND TP Buôn Ma Thuột, để đáp ứng kịp thời sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Đắc Lắc và cả vùng Tây Nguyên, Buôn Ma Thuột cần làm tốt công tác quy hoạch, bảo đảm cho mở mang đô thị nhanh và vững chắc; tranh thủ tối đa nguồn đầu tư của Trung ương, của tỉnh, của thành phố và các doanh nghiệp cho xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật.

Trong định hướng xây dựng và phát triển trong những năm tới đây, TP Buôn Ma Thuột xác định tiếp tục chăm lo tốt hơn nữa đời sống đồng bào dân tộc thiểu số, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đô thị thực sự văn minh, hiện đại nhưng vẫn giữ gìn và phát huy được những nét đẹp về văn hóa truyền thống của Tây Nguyên, thực sự xứng tầm là đầu mối giao lưu kinh tế giữa Tây Nguyên với miền Đông Nam bộ, duyên hải miền Trung và vùng tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia.

Sáng  9-3, tại Trung tâm Văn hóa Đắc Lắc, Sở VH-TT-DL Đắc Lắc đã phối hợp với Hội VH - NT Đắc Lắc tổ chức khai mạc triển lãm ảnh thời sự, nghệ thuật “Buôn Ma Thuột - Đắc Lắc thời kỳ đổi mới”. Triển lãm giới thiệu 105 bức ảnh thời sự, nghệ thuật có chất lượng để gửi đến người xem về một Đắc Lắc, một thành phố Buôn Ma Thuột giàu truyền thống lịch sử và văn hóa đang vươn mình phát triển thành đô thị trung tâm của vùng Tây nguyên. Triển lãm diễn ra đến hết ngày 14-3.

C.HOAN

BÌNH ĐỊNH

Tin cùng chuyên mục