Mặc dù tổng kinh phí ước tính phải chi thêm để chăm lo cho các nhóm đối tượng này là 4.730 tỷ đồng/năm nhưng theo tính toán của Bộ GD-ĐT, ngân sách hoàn toàn có thể chi trả được.
Riêng tại TPHCM, theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, mỗi năm TP thu hơn 320 tỷ đồng từ nguồn thu học phí tại các trường THCS công lập. Nếu quyết tâm và có phương án cân đối ngân sách phù hợp, TP sẽ thực hiện được quy định miễn học phí đối với học sinh THCS công lập bắt đầu từ tháng 1-2019. Như vậy, ở phạm vi một thành phố hay cả nước, ngân sách sẽ gánh thêm một khoản chi không hề nhỏ. Tuy nhiên, quyết tâm thực hiện từ các bộ, ngành cho thấy tính nhân văn, sự chăm lo kịp thời của Nhà nước đối với trẻ em ở lứa tuổi này. Đây thật sự là tin vui, nối dài hơn cơ hội được đến trường của hàng vạn học sinh có nguy cơ phải bỏ học tại các thôn, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa trên mọi miền Tổ quốc.
Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui đó vẫn còn những con số làm xấu đi hình ảnh nhân văn của giáo dục. Đó là câu chuyện một phụ huynh ở quận Gò Vấp mới đây vừa “bấm bụng” chi hơn chục triệu đồng cho con có suất học tại một trường tiểu học thuộc một quận ở trung tâm TP.
Trường hợp khác, một phụ huynh cũng có hộ khẩu tại Gò Vấp, khi biết con không có tên trong danh sách lớp tích hợp đã được người quen giới thiệu cách “chạy” để chuyển tên con từ lớp tiếng Anh tăng cường qua tích hợp. Tổng chi phí cho việc “chạy” này mất hơn 7 triệu đồng. Dù năm nào TP cũng ra sức kiểm soát, ngăn chặn tình trạng chạy trường, chạy lớp, nhưng thực tế cho thấy mới quản lý được bề nổi của tảng băng chìm.
Mặc dù các trường hợp này chỉ là thiểu số, nhưng qua đó đã làm xấu đi tính công bằng, bình đẳng của các chính sách chăm lo cho giáo dục của Nhà nước. Năm nào đại diện Sở GD-ĐT TPHCM cũng khẳng định không có chênh lệch nhiều về cơ sở vật chất giữa các trường công lập, tuy nhiên, việc trường này tổ chức được lớp bán trú, trường kia không, hoặc sự khác biệt về điều kiện phòng ốc, đội ngũ giáo viên khiến có trường phụ huynh được tự do chọn lựa giữa lớp tiếng Anh tăng cường và tiếng Anh tích hợp, nơi khác thì lại mở lớp tích hợp với chỉ tiêu rất hạn chế, đã tạo kẽ hở cho tình trạng “chạy trường”, “chạy lớp”.
Không thể phủ nhận nỗ lực không ngừng của TPHCM nói riêng, cả nước nói chung trong việc cải cách, thực hiện các chính sách chăm lo cho giáo dục. Song trước áp lực khổng lồ từ tình trạng gia tăng dân số, đòi hỏi không ngừng của phụ huynh về đa dạng hóa các loại hình trường, lớp đã đặt ra yêu cầu ngày càng tăng cao trong công tác quản lý và duy trì sự bình đẳng, công bằng trong giáo dục. Nó đòi hỏi cơ quan chức năng phải không ngừng nâng cao hiệu quả công tác quản lý, trong đó đề cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu, để trả lại niềm tin cho người học và xã hội.