Buông lỏng quản lý rừng đặc dụng

Trong 10 ngày qua, lực lượng liên ngành của UBND huyện Đông Giang (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện hai vụ cất giấu khoảng 35m³ gỗ kiền kiền tại khu vực rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa, vùng giáp ranh giữa TP Đà Nẵng và Quảng Nam. Đây là vụ bắt giữ gỗ nhóm 2 lớn nhất từ trước đến nay tại khu vực rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa.
Buông lỏng quản lý rừng đặc dụng

Trong 10 ngày qua, lực lượng liên ngành của UBND huyện Đông Giang (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện hai vụ cất giấu khoảng 35m³ gỗ kiền kiền tại khu vực rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa, vùng giáp ranh giữa TP Đà Nẵng và Quảng Nam. Đây là vụ bắt giữ gỗ nhóm 2 lớn nhất từ trước đến nay tại khu vực rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa.

66 phách gỗ kiền kiền bị lực lượng liên ngành huyện Đông Giang bắt giữ khi đang cất giấu tại khu vực giáp ranh rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa (Đà Nẵng).

Bãi tập kết gỗ giữa rừng

Lực lượng liên ngành của huyện Đông Giang (tỉnh Quảng Nam) và lực lượng Kiểm lâm TP Đà Nẵng đã phát hiện hàng chục điểm cất giấu gỗ quý tại thôn Láy và Tiểu khu 37, rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa. Đây là khu vực rừng đặc dụng do Trạm Quản lý bảo vệ rừng Cà Nhông (thuộc Ban Quản lý rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa, TP Đà Nẵng) quản lý.

Kiểm lâm huyện Đông Giang (Quảng Nam) phát hiện hàng trăm phách gỗ khai thác trái phép tại khu vực giáp ranh với rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa.

Sáng 15-10, vượt hơn 60km từ Đà Nẵng, chúng tôi tìm đến khu vực giáp ranh giữa TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam, nơi các lực lượng chức năng phát hiện hàng chục mét khối gỗ kiền kiền (gỗ nhóm 2) khai thác trái phép cất giấu. Để đến được hiện trường, từ Trung Mang đi khoảng 15km đường đèo dốc trơn trượt là đến Trạm Quản lý bảo vệ rừng Cà Nhông. Từ Trạm Cà Nhông đi bộ gần 3 giờ đồng hồ đường rừng mới tới nơi. Khu vực cất giấu gỗ nằm rải rác nhiều điểm trong rừng.

Ngày 6-10, Tổ liên ngành xử lý vi phạm lâm luật huyện Đông Giang (đóng tại xã Tư) do ông Đinh Văn Hươm, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang làm tổ trưởng, phát hiện 66 phách gỗ kiền kiền khai thác trái phép cất giấu tại khoảnh 5, tiểu khu 37 lâm phận rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa với khối lượng hơn 14m³. Tổ liên ngành đã lập biên bản và đưa toàn bộ số gỗ tang vật về tạm giữ tại Trạm Kiểm lâm Dốc Kiền (xã Ba, huyện Đông Giang).

Ngày 11-10, Tổ liên ngành huyện Đông Giang và Lực lượng Kiểm lâm TP Đà Nẵng kiểm tra và phát hiện 9 điểm cất giấu gỗ quy cách với số lượng lớn tại Tiểu khu 37, rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa. Trong đó, 5 điểm cất giấu thuộc lâm phận tỉnh Quảng Nam với 227 phách gỗ quy cách có khối lượng hơn 10m³; 4 điểm thuộc lâm phận TP Đà Nẵng với 224 phách gỗ có khối lượng hơn 10,1m³.

Do địa điểm cất giấu gỗ đường đi rất hiểm trở, lại nằm ở vùng giáp ranh giữa Quảng Nam và TP Đà Nẵng nên hai địa phương thống nhất gỗ nằm ở lâm phận nào thì địa phương đó tạm giữ và lập hồ sơ điều tra. Đến sáng 15-10, Tổ Liên ngành Đông Giang đã đưa toàn bộ hơn 14m³ gỗ phát hiện hôm 6-10 và hơn 10m³ gỗ phát hiện ngày 11-10 về tạm giữ tại Trạm Kiểm lâm Dốc Kiền và trụ sở UBND xã Tư.

Về phía Đà Nẵng, Sở NN-PTNT TP Đà Nẵng đã cắt cử hơn 60 cán bộ kiểm lâm vào để bảo vệ hiện trường, lập hồ sơ điều tra nguồn gốc và đối tượng khai thác gỗ. Đồng thời, tập hợp và vận chuyển toàn bộ hơn 10,1m³ gỗ tang vật về tạm giữ tại Đà Nẵng chờ xử lý. Tuy nhiên, do địa hình hiểm trở và mưa rừng, đến nay toàn bộ số gỗ do Kiểm lâm Đà Nẵng tạm giữ vẫn chưa được vận chuyển ra khỏi rừng.

Rừng bị tàn phá, chủ rừng không biết

Điều đáng nói trong vụ phá rừng lớn nhất Đà Nẵng từ trước đến nay đó là rừng đặc dụng bị tàn phá với số lượng lớn nhưng chủ rừng là Ban Quản lý rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa hoàn toàn không biết mặc dù tại khu vực rừng bị tàn phá có Trạm Quản lý bảo vệ rừng Cà Nhông với 5 cán bộ thuộc ban quản lý và 2 kiểm lâm viên thuộc Hạt Kiểm lâm Bà Nà - Núi Chúa.

Điều đáng nói hơn nữa, rừng bị tàn phá trong một thời gian dài, quy mô lớn và gỗ được vận chuyển đi tiêu thụ trên con đường ngang qua Trạm Cà Nhông nhưng không bị ai phát hiện(?!).

Mãi đến đầu năm 2014, qua thông tin của quần chúng nhân dân xã Tư, UBND huyện Đông Giang thành lập tổ liên ngành bí mật điều tra và phát hiện thì lúc đó Ban Quản lý rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa và Kiểm lâm Đà Nẵng mới biết, mặc dù tại khu vực rừng bị tàn phá luôn luôn có lực lượng của Ban Quản lý và Kiểm lâm của Đà Nẵng túc trực.

Ông Đinh Văn Hươm, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang kiêm Tổ trưởng Tổ liên ngành, bức xúc: “Việc khai thác gỗ trái phép tại rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa diễn ra rất lâu rồi nhưng phía Đà Nẵng không phát hiện. Thế nhưng, ngày 6-10, khi chúng tôi phát hiện 66 phách gỗ (tương đương hơn 14m³) cất giấu tại đây thì phía Kiểm lâm Đà Nẵng bảo họ đã phát hiện từ trước nhưng chỉ phát hiện…17 phách. Tại sao có hai đống gỗ, một đống 30 phách và một đống 36 phách mà Kiểm lâm Đà Nẵng bảo chỉ phát hiện 17 phách? Vậy mười mấy phách nữa đi đâu?”.

Ông Hươm cũng khẳng định, số gỗ lậu bị lực lượng chức năng phát hiện chắc chắn là khai thác ở rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa vì từ năm 1993, địa bàn xã Tư không còn gỗ kiền kiền.

Chiều 15-10, trao đổi với PV Báo SGGP, ông Phạm Ngọc Sự, Trưởng ban Quản lý rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa, thừa nhận vụ việc xảy ra tại lâm phận thuộc Ban Quản lý rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa quản lý. Hiện nay, đơn vị phối hợp với Chi cục Kiểm lâm, Sở NN-PTNT TP Đà Nẵng để điều tra làm rõ.

Sẽ khởi tố vụ án để điều tra

Chiều 15-10, ông Đinh Văn Hươm, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, cho biết: Sau khi phát hiện vụ việc, UBND huyện Đông Giang đã có báo cáo với UBND tỉnh Quảng Nam cũng như Chi Cục Kiểm lâm tỉnh. Theo quan điểm của huyện, sau khi hoàn tất các hồ sơ, thủ tục, huyện sẽ chuyển sang cơ quan điều tra đề nghị khởi tố điều tra vụ án phá rừng. Bởi lẽ, vụ phá rừng đặc dụng tại địa bàn giáp ranh giữa Đông Giang và Hòa Vang là hết sức nghiêm trọng.

NGUYÊN KHÔI

Tin cùng chuyên mục