Trong lúc người dân bán vài tô phở đầu hẻm cũng bị đánh thuế thì TPHCM và Hà Nội là 2 thành phố lớn, đi đầu trong cả nước về thương mại điện tử lại hầu như bị bỏ trống về thuế. Dù luật đã có, nghị định đã rõ, thế nhưng đến giờ ngành công thương vẫn không quản lý hết các doanh nghiệp thương mại điện tử, các cơ quan thuế cũng chẳng có cán bộ theo dõi lĩnh vực này để thu thuế. Những trang thông tin điện tử đình đám, các trang mạng xã hội quảng cáo công khai nhưng chẳng ai bị kiểm soát, tính thuế… Trách nhiệm quản lý nhà nước ở đâu?
Nhiều cá nhưng lưới rỗng!
Nói đến thị trường thương mại điện tử, người dân thường nghĩ đến các hoạt động mua bán trên internet, mạng xã hội… nhưng thật ra đây là thị trường vô cùng rộng lớn. Không chỉ những tổ chức, cá nhân bán hàng thực hiện giao dịch trực tuyến thông qua các trang mạng xã hội google, yahoo, facebook; những website điện tử bán hàng; những cá nhân tham gia kinh doanh trên sàn giao dịch thương mại điện tử mà chúng ta nhìn thấy được, còn có những hoạt động kinh doanh dịch vụ qua mạng như trò chơi điện tử, online, quảng cáo, mua bán phần mềm… Trong đó, hàng loạt hoạt động kinh doanh mang tính quốc tế, trên các trang mạng mà chủ ở nước ngoài thì càng khó có thể kiểm tra, thu thuế.
Một vài trang web bán hàng qua mạng
Tuy nhiên, với những thông tin công khai mua bán, quảng cáo hoạt động rầm rộ trên mạng nhưng công tác quản lý thuế vẫn không thể quán xuyến hết được. Nguyên nhân, theo quy định tại Thông tư số 47/2014/TT-BCT, các công ty có trang web bán hàng, các trang mạng xã hội phải đăng ký trên sàn giao dịch thương mại điện tử và chủ các trang mạng xã hội phải có trách nhiệm quản lý thông tin, hoạt động của người đăng ký trên trang mạng xã hội của mình. Mọi hoạt động kinh doanh thương mại điện tử phải đăng ký với Cục Thương mại điện tử thuộc Bộ Công thương. Cơ quan thuế phối hợp, lấy thông tin trên Cục Thương mại điện tử để theo dõi các doanh nghiệp, các tổ chức sở hữu website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử, từ đó rà soát các hợp đồng, thỏa thuận hợp tác để thu thuế. Thông qua đó, cơ quan thuế kiểm tra chứng từ liên quan đến các khoản thu chi của các doanh nghiệp này. Thông tin nguồn dữ liệu quản lý kê khai hoạt động thương mại điện tử, cơ quan thuế sẽ nắm bắt hoạt động kinh doanh qua sàn, nhất là các trường hợp xây dựng kho hàng trên mạng của các cá nhân, doanh nghiệp để áp dụng các biện pháp quản lý thuế. Thế nhưng, hiện nay việc kê khai đăng ký với Cục Thương mại điện tử không nhiều. Nguyên nhân, do Thông tư quy định trách nhiệm đăng ký là của doanh nghiệp mà không siết trách nhiệm kiểm tra, giám sát của cơ quan nhà nước. Do vậy, đến nay rất nhiều doanh nghiệp “né” trách nhiệm đăng ký vẫn không bị xử lý. Đó cũng là lý do ngành thuế thất thu vì không có nguồn dữ liệu doanh nghiệp điện tử để tính thuế mà phụ thuộc hoàn toàn vào “lòng trung thực” của doanh nghiệp. Bởi, ngành thuế không có bộ phận chuyên trách để theo dõi, giám sát hoạt động kinh doanh qua mạng. Trong khi đó, hoạt động kiểm tra, giám sát của ngành công thương ở địa phương chưa làm hết trách nhiệm.
Luật có, khó thực thi
Dù Thông tư số 47/2014/TT-BCT quy định rất rõ trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh thương mại điện tử cũng như trách nhiệm của các cơ quan nhà nước của từng ngành Công thương, ngành thuế… nhưng đến nay việc thu thuế vẫn còn khoảng trống. Theo Luật Quản lý thuế thì tổ chức, cá nhân phát sinh nghĩa vụ thuế khi có hoạt động thương mại hoặc làm công, mua bán tài sản, không phân biệt giao dịch thương mại được thực hiện theo phương thức truyền thống hay theo phương thức điện tử. Có nghĩa là bất kể doanh nghiệp hay cá nhân có đăng ký kinh doanh hay không, miễn có hoạt động mua bán phát sinh thu nhập thì có trách nhiệm thực hiện đăng ký, kê khai, nộp thuế. Với người bán hàng là cá nhân thì được miễn nộp các loại thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân nếu mức doanh thu cả năm không vượt quá 100 triệu đồng. Tuy nhiên, đã mua bán phải kê khai, khi kê khai mới xác định có phải nộp thuế hay không. Thế nhưng, hầu hết những cá nhân kinh doanh trên các trang thương mại điện tử hiện nay không kê khai. Thậm chí nhiều doanh nghiệp kinh doanh trên mạng không có địa điểm kinh doanh, không tài khoản ngân hàng rõ ràng. Không ít doanh nghiệp, cá nhân có cả website điện tử bán hàng nhưng không thông báo cho Cục Thương mại điện tử và không kê khai hoặc kê khai thuế không đầy đủ. Hiện tại, ngành thuế chưa có lực lượng để theo dõi quản lý thuế và nếu bản thân ngành thuế quản lý thì sẽ mất rất nhiều thời gian, trong khi ngành thuế hiện nay còn thiếu nhân sự trong thanh tra, kiểm tra thuế.
Theo xu thế phát triển trên thế giới thì hoạt động thương mại điện tử ngày càng phát triển, nếu chúng ta quản lý không tốt thì chắc chắn thất thu thuế trong lĩnh vực này rất nhiều. Qua tổng kết, đánh giá về công tác quản lý thuế giai đoạn 2012 - 2014 cho thấy, ngành thuế chỉ mới rà soát, kiểm tra việc chi trả tiền bản quyền, tiền liên kết trong các cơ sở giáo dục đại học, các trung tâm đào tạo ngoại ngữ, các doanh nghiệp phần mềm... đã thu thuế nhà thầu nước ngoài tăng thêm hàng trăm tỷ đồng. Ngoài ra, qua việc kiểm soát chi phí của doanh nghiệp, cơ quan thuế cũng tìm ra các cơ sở kinh doanh trong nước là đối tác bán hàng hóa, dịch vụ liên quan đến các giao dịch thương mại điện tử để thực hiện việc phối hợp kiểm tra, truy thu, xử phạt.
Hiện nay, còn nhiều trường hợp hoạt động đào tạo, quảng cáo, cung cấp dịch vụ được các bên thực hiện theo phương thức giao dịch thương mại điện tử cũng chưa được các ngành chức năng phối hợp giám sát thu thuế hết được. Và hàng vạn loại hình, dịch vụ kinh doanh bằng hình thức thương mại điện tử hiện nay chưa đăng ký, kê khai, nộp thuế thì lọt lưới, nhà nước thất thu. Nhưng nếu chỉ ngành thuế theo dõi, quản lý thì không xuể, do vậy, ngành công thương, thông tin truyền thông cần làm hết trách nhiệm trong công tác kiểm tra, quản lý hoạt động kinh doanh thương mại điện tử - trong đó trách nhiệm lớn nhất vẫn là các cơ quan chức năng ở TPHCM và Hà Nội.
NHI HOÀNG