Búp bê đậm bản sắc Việt

Đầu năm 2018, búp bê của họa sĩ Hoàng Anh từng được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chọn làm quà tặng trong chuyến thăm Thụy Sĩ. Sau đó, búp bê này được đưa vào danh mục quà tặng đối ngoại của lãnh đạo Quốc hội Việt Nam trong các chuyến công du nước ngoài.

Du khách trong và ngoài nước yêu thích

Chị Hồng Điệp, Giám đốc vận hành Sáng kiến hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp tại Việt Nam (Wise), rất kỳ công chọn quà tặng các đối tác nước ngoài. Món quà đó là búp bê mặc trang phục các dân tộc Việt Nam - một sản phẩm mang đậm bản sắc văn hóa Việt được các bạn quốc tế rất thích. Theo giới thiệu của chị Điệp, tôi tìm đến một cửa hàng lưu niệm nằm trên phố Lương Văn Can (Hà Nội), nơi thường xuyên có du khách nước ngoài ghé thăm, và tôi đã bị hút hồn bởi những cô búp bê xinh xắn trong trang phục các dân tộc thiểu số Việt Nam. Có lẽ đây là lần đầu tiên tôi nhìn thấy những búp bê Việt đẹp đến như vậy.

Hóa ra, búp bê mặc trang phục dân tộc đã có mặt trên thị trường cách đây hơn 10 năm. Người chế tác ra búp bê chính là họa sĩ Hoàng Anh. Anh Hoàng Anh chia sẻ, sản phẩm của mình được tạo ra từ niềm đam mê và từ tình yêu với quê hương xứ sở. Nhiều người đã tìm đến anh Hoàng Anh để đặt hàng. Họ sẵn sàng chờ anh nhiều ngày, thậm chí nhiều tháng để được sở hữu những cô búp bê xinh đẹp, hoàn hảo trong từng đường nét, từng đường kim mũi chỉ.

Nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng, bản sắc văn hóa dân tộc là “mã định danh”, “thẻ căn cước” của một dân tộc trong quá trình hội nhập với thế giới, mà trang phục chính là một phần quan trọng làm nên bản sắc văn hóa. Vì vậy, anh Hoàng Anh mong muốn, mỗi sản phẩm mình làm ra không chỉ đơn giản là một món quà, mà hơn thế, nó có thể là một “sứ giả” văn hóa.

Chị Thanh Hải (dân tộc Tày), Trưởng làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải, một điểm du lịch nổi tiếng của TP Thái Nguyên, kể, cách đây ít ngày, chị đã tìm đến họa sĩ Hoàng Anh. Đứng trước tủ trưng bày hàng trăm mẫu búp bê của 46 dân tộc anh em đang khoe sắc rực rỡ, chị đã lặng người khi nhìn thấy búp bê trong trang phục của dân tộc Tày. Nó quá đẹp, mang đúng hồn vía của núi rừng quê chị. Chị Thanh Hải đã đặt luôn 10 cô búp bê để trưng bày tại khu làng. Khi đến thăm khu làng, nhiều đoàn khách du lịch trong và ngoài nước đã rất ấn tượng với những cô búp bê này và muốn được mang về như một món quà lưu niệm đặc sắc tặng cho chính mình hoặc người thân.

Họa sĩ Hoàng Anh chế tác búp bê

Họa sĩ Hoàng Anh chế tác búp bê

Chị Nguyễn Vân Hà, một nhà sưu tập trẻ người Việt đang sống tại Mỹ, cũng rất háo hức chờ nhận 40 cô búp bê này. Vân Hà chia sẻ, chị có ý định mở một không gian văn hóa Việt tại bang Arkankas (Mỹ), bởi chị nhận ra có một sự kết nối rất mạnh mẽ với cội nguồn. “Tôi muốn khoe với bạn bè quốc tế về vẻ đẹp truyền thống của dân tộc Việt Nam, một dân tộc nhỏ bé nhưng kiên cường và giàu bản sắc. Mỗi bộ trang phục dân tộc là một câu chuyện văn hóa Việt mà tôi sẽ kể cho họ”, chị Hà nói.

Giấc mơ đủ bộ búp bê 54 dân tộc

Họa sĩ Hoàng Anh cho biết, chỉ cộng tác để làm phôi búp bê, còn tất cả các khâu họa mặt, chọn vải thổ cẩm, thiết kế… đều tự tay làm. Và đặc biệt, để trang phục búp bê giống như trong đời sống thật, anh đã dành nhiều thời gian để đi thực tế tại các bản làng, vùng sâu, vùng xa. Cho đến nay, anh Hoàng Anh đã có bộ sưu tập búp bê của 46 dân tộc, trong đó có nhiều dân tộc rất ít người, như trang phục của dân tộc Si La (chỉ hơn 900 người). Hoàng Anh đã đến tận bản Seo Hay, Sì Thâu Chải thuộc huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu, nơi người Si La tập trung sinh sống, để tìm hiểu về đời sống, trang phục của họ. Trang phục của phụ nữ Si La lại khá cầu kỳ. Mảng áo trước ngực thường được may bằng vải khác màu với thân áo và gắn đầy những đồng xu bạc, xu nhôm. Khăn đội đầu của phụ nữ Si La cũng khác nhau theo lứa tuổi. Họ thường đeo chiếc túi được trang trí những tơ chỉ đỏ sặc sỡ. Nhờ búp bê của Hoàng Anh, nhiều người dân ở thành thị, hay ở nước ngoài đã có dịp chiêm ngưỡng những cô gái Si La rạng rỡ như trong ngày hội truyền thống của dân tộc.

Một trang phục cũng được anh Hoàng Anh dành nhiều tâm huyết là của dân tộc Sán Dìu. Phụ nữ Sán Dìu dùng rất nhiều vòng trang sức, dây vải màu sắc xanh, đỏ, tím để làm nổi bật trang phục. Thế nhưng ngày nay, phụ nữ Sán Dìu lại chủ yếu mặc quần, áo sơ mi và đi dép nhựa, giày da, giày vải như người Kinh. Đó là lý do Hoàng Anh muốn ưu tiên làm trang phục Sán Dìu, với mong muốn góp phần giữ lại một bản sắc riêng, không pha trộn với bất cứ dân tộc nào. Hoàng Anh bảo, vui nhất là khi chính người Sán Dìu xem búp bê của anh và thấy tự hào về dân tộc mình. Điều này thực sự đáng mừng khi trong thực tế ở nhiều nơi, trang phục truyền thống hầu như chỉ còn được dùng trong dịp lễ tết, không ít thanh niên dân tộc còn cảm thấy thiếu tự tin khi mặc trang phục của mình.

Hiện búp bê của họa sĩ Hoàng Anh mới chỉ gắn tên dân tộc trên sản phẩm. Sắp tới, anh sưu tập đủ bộ búp bê 54 dân tộc và sẽ có thêm các thông tin về dân tộc như dân số, địa bàn cư trú, tập quán… bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh. Anh muốn góp một phần, nhỏ thôi, để dòng chảy văn hóa Việt tiếp tục được nối dài, để bản sắc văn hóa truyền thống Việt hiện hữu luôn trong đời sống hiện đại…

Hiện bộ sưu tập của Hoàng Anh còn thiếu mảng trang phục các dân tộc ở vùng Tây Nguyên. Anh bảo để làm được không khó, anh có thể đến bảo tàng để nghiên cứu trang phục mẫu. Nhưng để mỗi búp bê có hơi thở cuộc sống thì anh phải đi, phải cảm nhận được đời sống thật của đồng bào. Anh đã từng chế tác một búp bê theo lời đề nghị của một cô giáo dạy văn ở Hà Nội, để minh họa cho bài giảng văn “Lời ru trên nương” của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm. Dù mọi người đều khen đẹp nhưng anh vẫn không ưng ý. Anh tự nhủ sẽ đến tận nơi để làm lại búp bê người mẹ Tà Ôi địu em bé Akay trên lưng, đúng như những hình ảnh đời thường của người dân tộc này.

Tin cùng chuyên mục