Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM Trần Quang Lâm đã cung cấp cho phóng viên Báo SGGP tình hình hoạt động và thông tin liên quan sau 2 tháng đầu tiên phương thức vận tải công cộng mới mẻ này được đưa vào khai thác, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.
- PHÓNG VIÊN: Thưa ông, buýt đường thủy đã bước sang tháng hoạt động thứ 3 và loại hình VTHKCC mới này có sức thu hút hành khách đến đâu?
- Ông Trần Quang Lâm: Thống kê của ngành GTVT từ ngày 25-11-2017 đến ngày 11-1-2018 cho thấy, tuyến buýt đường thủy số 1 đã đưa vào vận hành 2.199 lượt phương tiện, vận chuyển được gần 32.000 hành khách. Tính ra, bình quân mỗi lượt thu hút từ 60 - 75 hành khách. Đặc biệt, vào các ngày nghỉ cuối tuần, số lượng hành khách đến với buýt đường thủy rất đông, có nhiều thời điểm đạt đến 95% công suất khai thác của phương tiện. Như vậy, có thể nói rằng việc khai thác, vận hành của tuyến buýt đường thủy số 1 Bạch Đằng - Linh Đông được đảm bảo an toàn và ổn định trong suốt 2 tháng đầu tiên.
- Tiến độ đầu tư xây dựng các bến bãi phục vụ tuyến buýt đường thủy số 1 hiện nay như thế nào?
- Theo Quyết định phê duyệt số 5080/QĐ-UBND được UBND TPHCM ký ngày 12-10-2015, tuyến buýt đường thủy số 1 Bạch Đằng - Linh Đông có chiều dài khai thác 10,8km. Lộ trình tuyến từ bến Bạch Đằng (quận 1) đi theo sông Sài Gòn qua kênh Thanh Đa rồi ra lại sông Sài Gòn để đến khu vực phường Linh Đông (quận Thủ Đức) tại vị trí giáp bến khách ngang sông Bình Quới và ngược lại. Suốt lộ trình này được quy hoạch tổng cộng 9 bến đón - trả khách, đi qua địa bàn các quận 1, 2, Bình Thạnh và Thủ Đức. Đến nay, 5/9 bến đón - trả khách đã cơ bản hoàn thành, đưa vào khai thác. Đó là các bến Bạch Đằng (quận 1), bến Bình An (quận 2), bến Thanh Đa (quận Bình Thạnh) và 2 bến thuộc địa bàn quận Thủ Đức là bến Hiệp Bình Chánh và bến Linh Đông. Có 3 bến đang được nhà đầu tư chuẩn bị xây dựng là Saigon Pearl, Tầm Vu và Thảo Điền. Dự kiến, 3 bến này sẽ được đưa vào khai thác từ quý 3 năm nay. Bến thứ 9 là Bình Triệu đang trong giai đoạn thu hồi mặt bằng để giao cho nhà đầu tư xây dựng.
- Theo ông, sau 2 tháng hoạt động, tuyến buýt đường thủy số 1 cho thấy những ưu điểm và hạn chế gì?
- Trước hết cần nhấn mạnh rằng đây là loại hình VTHKCC mới mẻ, lần đầu tiên được đưa vào khai thác ở TPHCM. Loại hình này cũng là một trong những tiền đề để góp phần phát triển VTHKCC và du lịch đường thủy của thành phố. Có một thực tế là với đặc thù khai thác tiềm năng sông nước, phương thức buýt đường thủy đã tạo sự sinh động, nét đẹp văn hóa sông nước của thành phố. Sau 2 tháng đầu tiên hoạt động, tuyến buýt đường thủy số 1 đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ phía hành khách. Nhiều hành khách cho biết, ngồi trên phương tiện vận tải công cộng này, hành khách được thụ hưởng không gian thoáng đãng, yên bình và hiện đại, cũng như cảm giác gần gũi với môi trường tự nhiên. Bên cạnh đó, vẫn còn một số mặt cần được hoàn thiện trong thời gian tới. Chẳng hạn như về bến bãi, nhà đầu tư cần phải xây dựng hoàn chỉnh và đầy đủ các bến bãi theo hợp đồng đã ký kết. Bến phải có dịch vụ giữ xe cho hành khách và các dịch vụ tiện ích khác. Về công tác vận hành, nhà đầu tư cần bảo đảm linh động tăng số chuyến tùy theo nhu cầu hành khách, đặc biệt tăng mạnh trong các ngày nghỉ cuối tuần…
- Nhiều ý kiến cho rằng, buýt đường thủy sẽ khó phát triển nếu thiếu sự kết nối hiệu quả với hệ thống vận tải đường bộ nói chung và VTHKCC đường bộ nói riêng. Vấn đề này đến nay đã được giải quyết ổn thỏa?
- Đúng là buýt đường thủy không thể tách rời với xe buýt đường bộ nói riêng và vận tải đường bộ nói chung. Cho đến nay, việc kết nối giao thông cho tuyến buýt đường thủy số 1 đã được thực hiện nhiều phần việc. Đó là đã có 2 trạm xe buýt đường bộ liền kề với bến Bạch Đằng. Còn các bến Bình An, Thanh Đa và Hiệp Bình Chánh đã có trạm xe buýt đường bộ ở ngay phía trước mặt bến. Bến Linh Đông cũng có một trạm xe buýt nằm cách đó 800m và Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TPHCM cũng đã có phương án kết nối bằng xe buýt nhỏ đến đầu bến Linh Đông. Trong khi đó, nhà đầu tư tuyến buýt đường thủy số 1 là Công ty Thường Nhật cũng đang xây dựng các phương án, lộ trình để triển khai sử dụng xe điện kết nối bến Bạch Đằng với các khách sạn, siêu thị ở trung tâm thành phố. Tương tự là xe điện kết nối bến Bình An, bến Thảo Điền với các khu vực lân cận. Mặt khác, để việc vận tải hành khách trên tuyến được an toàn, thông suốt và nhanh chóng, Sở GTVT đã giao Cảng vụ Đường thủy nội địa TPHCM phối hợp quản lý việc vận hành, khai thác tuyến buýt đường thủy số 1; có nhiệm vụ hướng dẫn, tổ chức triển khai thực hiện công tác quản lý đối với loại hình hoạt động này; thực hiện đầy đủ công tác cảng vụ tại các cảng, bến trên tuyến buýt đường thủy số 1. Quy trình xuất bến, rời bến hiện được thực hiện theo đề xuất của Cảng vụ Đường thủy nội địa TPHCM.
- Từ hoạt động khá khả quan của tuyến buýt đường thủy số 1, vậy tuyến buýt đường thủy số 2 Bạch Đằng - Lò Gốm khi nào sẽ được đưa vào hoạt động?
- Hiện nay, công trình cống kiểm soát triều đầu rạch Bến Nghé đang được thực hiện và dự kiến trong quý 2 năm nay mới hoàn tất. Vì thế, đến thời điểm đó tuyến buýt đường thủy số 2 mới có thể được đưa vào hoạt động. Từ nay đến đó, nhà đầu tư tuyến buýt đường thủy số 2 sẽ hoàn chỉnh các bước chuẩn bị, bao gồm hoàn thành hồ sơ thiết kế và triển khai thi công các bến dọc theo tuyến, cũng như đầu tư các phương tiện theo lộ trình khai thác.
- Xin cảm ơn ông!
Bình luận
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu