Ca khúc hay về Hà Nội: Đã lâu chưa có

Chỉ còn hơn trăm ngày nữa là đến Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Ngược dòng thời gian, hình như đã đến hàng chục năm có lẻ, vẫn chưa có ca khúc nào thật hay, có sức lay động và lan tỏa rộng rãi khi nói về Hà Nội. Có một thời, dù khó khăn gian khổ vẫn vút lên những ca khúc thật hay về Hà Nội.

Mỗi ca khúc hay ra đời, người Hà Nội và cả nước nồng nhiệt đón chào. Những giai điệu, lời ca cứ tự nhiên thấm đẫm tâm hồn con người. Sức lan tỏa của những ca khúc hay về Hà Nội thật vô bờ bến, có thể gặp ở bất cứ nơi đâu, từ Lũng Cú, Hà Giang đến chỏm đất mũi Cà Mau, hay nơi cát cháy miền Trung... Nếu một ca khúc không diễn đạt được các cung bậc tình cảm, không gõ cửa được trái tim mỗi người, gợi lên những cảm xúc trong trẻo, nhân văn, niềm kiêu hãnh, tự hào... thì cho dù có quảng bá thế nào, giọng ca tuyệt hảo ra sao, ca khúc ấy vẫn chỉ đứng bên rìa của sự tiếp nhận.

Hà Nội vẫn luôn là đề tài hấp dẫn của văn học nghệ thuật, đặc biệt là âm nhạc. Chưa có địa danh nào trên cả nước có số lượng ca khúc nhiều và hay như Hà Nội. Điều này là bình thường bởi Hà Nội là kinh đô có từ ngàn năm trước, thủ đô ngày nay, nhưng điều đặc biệt chính ở những gì đã làm nên một Hà Nội rất riêng, mà tụ hội được tinh hoa cả nước. Có phải thế chăng, nên câu thơ của “Thi tướng Huỳnh Văn Nghệ”, người con của miền Đông Nam bộ đã đi vào lòng người cả nước: Từ độ mang gươm đi mở cõi/ Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long...

Nhà văn, nghệ sĩ Nguyễn Đình Thi đã viết nên bản hùng ca Người Hà Nội. Người con của miền Nam, nhạc sĩ tài năng Trịnh Công Sơn, đã thấm đẫm và cảm nhận được cái riêng của Hà Nội mà viết nên ca khúc tuyệt hay Nhớ mùa thu Hà Nội. Phiêu du trời Nam mà đau đáu nỗi niềm Hà Nội nên Phú Quang tạo tác bức tranh tâm trạng về Hà Nội rất điển hình Em ơi, Hà Nội phố… 

Còn nhiều, rất nhiều nhạc sĩ tài năng của mọi miền đất nước đã tạo dựng nên bằng âm nhạc, qua những ca khúc hay về Hà Nội như Phạm Duy, Hoàng Dương, Phạm Tuyên, Vũ Thanh, Hoàng Hiệp, Phó Đức Phương, Hồng Đăng, Nguyễn Cường, Dương Thụ, Trần Tiến, Trọng Đài, Lê Vinh, Trương Quý Hải...

Trao đổi với nhạc sĩ Phạm Tuyên, Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội, ông cho rằng thật khó lý giải lâu nay Hà Nội thiếu những ca khúc hay như thủa trước. Còn nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc cũng giật mình: Ừ nhỉ! Đã lâu lắm không có bài hát hay nào về Hà Nội, mặc dù Hà Nội hôm nay hiện đại hơn, thuận lợi hơn so với những năm trước...

Có thể thấy rằng, sáng tạo nghệ thuật phụ thuộc hoàn toàn vào những rung cảm, cảm xúc của người nghệ sĩ. Để thăng hoa được những cảm xúc trở thành tác phẩm, người nghệ sĩ phải thật sự hòa mình vào cuộc sống, chính cuộc sống với những cảm nhận không khí thời đại của nó giúp người nghệ sĩ tạo nên tác phẩm hay. Không và khó có thể ép buộc được cảm xúc nhằm “đẻ” ra tác phẩm hay.

Những năm qua, Hà Nội được mở rộng, đẹp và hiện đại hơn nhiều, đời sống vật chất và tinh thần của người thủ đô cũng khá hơn nhiều. Tuy nhiên, sự thương mại hóa đã len lỏi vào mọi ngóc ngách của đời sống người Hà Nội; song hành, nhiều giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể bị suy giảm, mất đi hoặc lai tạp dẫn đến những cảm nhận về Hà Nội không còn độ tinh khiết, thanh nhã. Trong đời sống âm nhạc của cả nước và riêng của Hà Nội, hình như sự bất lực và thả nổi cho những hỗn tạp, dễ dãi, cẩu thả... mặc sức tung hoành khiến âm nhạc đích thực, giá trị thật khó có thể cạnh tranh.

Hà Nội sẽ mãi là đề tài bất tận cho văn học nghệ thuật, nhất là những sáng tác âm nhạc. Khơi gợi lên được những cảm xúc âm nhạc trong trẻo trong một môi trường văn hóa lành mạnh, trách nhiệm này không chỉ riêng của người Hà Nội.

CAO MINH

Tin cùng chuyên mục