Bãi nghêu Khai Long ở xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển (Cà Mau) được hình thành vào năm 2009 với 16 hợp tác xã chuyên nuôi nghêu giống và nghêu thương phẩm. Mấy ngày gần đây, hàng ngàn “nghêu tặc” tấn công dữ dội gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng và làm ảnh hưởng xấu đến môi trường sống của nghêu. Đáng lo ngại, “nghêu tặc” sẵn sàng tấn công lực lượng chức năng bằng bom xăng, dao búa, gậy gộc…
Ông Võ Công Trường, Phó Chủ tịch UBND xã Đất Mũi cho biết, thời gian trước người dân khai thác nghêu trái phép ở bên ngoài khu vực nuôi nghêu của 16 hợp tác xã, số lượng khoảng 5.000 – 7.000 người/ngày. Nhưng vài ngày nay họ tụ tập đông hơn, có khi lên đến gần 20.000 người và tự ý vào bãi nuôi nghêu của các hợp tác xã để khai thác trái phép.
Khai thác vô tội vạ
Có mặt tại bãi nghêu Khai Long, chúng tôi chứng kiến hàng trăm phương tiện với hàng ngàn người từ các nơi đổ xô về khai thác trái phép.
Để chống đối lại lực lượng làm nhiệm vụ, những người khai thác nghêu đi theo từng đoàn (một đoàn có trên 50 phương tiện, với vài trăm người), từ già trẻ, lớn bé tranh nhau khai thác khi thủy triều bắt đầu rút. Đàn ông thì dùng máy hút có công suất lớn để tận diệt nghêu giống, còn phụ nữ, trẻ em vào khu vực nuôi nghêu thương phẩm… mạnh ai nấy bắt kiểu vô chủ.
Cảnh tượng mua bán nghêu giống, nghêu thương phẩm của những người khai thác và các tay thương lái cũng diễn ra sôi động ngay trên biển. Thậm chí ở những khu vực có nghêu giống nhiều thì chuyện cự cãi giữa các tay thương lái tranh mua nghêu liên tục xảy ra. Giá nghêu giống từng loại được cò mồi rao lên bằng loa phóng thanh thu hút sự chú ý của người khai thác…
Theo tìm hiểu của chúng tôi, giá nghêu giống được chào hàng tại bãi nghêu Khai Long rất cao, độ chừng 1 thau nhỏ nghêu giống có lẫn với cát được mua với giá từ 500.000 đến 1 triệu đồng (tùy loại).
Theo ông Lý Hoàng Tiến, Chủ tịch UBND xã Đất Mũi, những năm trước người dân khai thác theo kiểu lén lút với số lượng ít, ngành chức năng địa phương còn kiểm soát được. Trong mùa nghêu năm nay, do nguồn lợi từ việc khai thác nghêu trái phép quá lớn nên lượng người đổ về gấp mấy lần so những năm trước, mọi biện pháp can thiệp của ngành chức năng đều thất bại. Và việc khai thác trái phép đã vượt tầm kiểm soát của chính quyền địa phương.
Theo báo cáo nhanh của UBND xã Đất Mũi, khoảng 6 giờ 30 phút ngày 1-9, tại cửa biển Vàm Xoáy, lực lượng chức năng yêu cầu hàng chục phương tiện ngưng khai thác trái phép thì lập tức những phương tiện này chạy xuồng đâm thẳng vào canô của lực lượng liên ngành, sau đó họ dùng dao búa, gậy gộc, bom xăng vây đánh, tấn công người thi hành công vụ. Trước đám đông quá khích, lực lượng làm nhiệm vụ rút lui, nhóm người này tiếp tục đuổi đánh và sau đó kéo đến vây quanh trụ sở UBND xã Đất Mũi.
Ông Lê Văn Sử, Bí thư Huyện ủy huyện Ngọc Hiển khẳng định: Những người ngang nhiên vào “cướp” nghêu giống vi phạm pháp luật. Đặc biệt, họ tấn công lực lượng chức năng bằng vũ lực, chửi bới và đe dọa tính mạng của anh em làm nhiệm vụ. Cùng với việc tuyên truyền, huyện đang yêu cầu cấp trên chi viện lực lượng và chỉ đạo xử lý.
Đâu là nguyên nhân?
Nhiều người dân địa phương cho biết, việc có hàng ngàn người dân đổ xô vào khai thác nghêu giống và nghêu thương phẩm trái phép ở bãi nghêu Khai Long lỗi chính là ở các xã viên của 16 hợp tác xã.
Nếu như trước đó người dân khai thác nghêu chỉ dám khai thác ở những khu vực bên ngoài, hay vào các hợp tác xã khai thác ở những nơi chưa thả nghêu giống. Nhưng do có nhiều xã viên lén lút khai thác nghêu giống trong vùng nuôi nghêu giống của các hợp tác xã đem ra ngoài bán, từ đó người dân thấy vậy và làm theo.
Ông Lê Thanh Sử, Bí thư Huyện ủy huyện Ngọc Hiển nhìn nhận vấn đề các xã viên lén lút khai thác nghêu giống trong các hợp tác xã là có thật. Theo ông Sử đây cũng là một phần nguyên nhân khiến cho hàng ngàn người dân vào các hợp tác xã khai thác vì nguồn lợi quá lớn. Sự yếu kém trong khâu quản lý của các hợp tác xã ở bãi nghêu Khai Long cũng là vấn đề cần được xem xét lại.
Trao đổi với chúng tôi về giải pháp xử lý tình trạng khai thác nghêu giống trái phép ở địa phương, ông Lê Thanh Sử cho biết sẽ tổ chức họp bàn cách thức xử lý và rút kinh nghiệm về sự yếu kém trong khâu quản lý của các ban ngành địa phương. Thời gian tới sẽ tổ chức cho bà con khai thác dưới sự quản lý của nhà nước. Chủ trương của huyện là không đối đầu với người dân.
Thực tế cho thấy, việc tìm ra một giải pháp hữu hiệu để tránh tình trạng trên tái diễn là một thách thức lớn đối với chính quyền địa phương khi đời sống của người dân còn quá nghèo. Họ không đất đai sản xuất, sống chủ yếu nhờ vào các nguồn lợi thủy sản sẵn có từ biển như, cua, tôm, cá… để nuôi sống bản thân và gia đình.
NHẤT THIÊN