Cà Mau phát triển mạnh cây keo lai

Thời gian qua cây keo lai đã chứng minh được hiệu quả kinh tế, mang lại cho người dân vùng rừng U Minh Hạ (Cà Mau) hàng trăm triệu đồng/ha sau mỗi đợt thu hoạch. Tuy nhiên, do phát triển nhanh về diện tích, cộng với một số nơi trồng ngoài quy hoạch dẫn đến nỗi lo cung vượt cầu và giá giảm.
Cà Mau phát triển mạnh cây keo lai

Thời gian qua cây keo lai đã chứng minh được hiệu quả kinh tế, mang lại cho người dân vùng rừng U Minh Hạ (Cà Mau) hàng trăm triệu đồng/ha sau mỗi đợt thu hoạch. Tuy nhiên, do phát triển nhanh về diện tích, cộng với một số nơi trồng ngoài quy hoạch dẫn đến nỗi lo cung vượt cầu và giá giảm.

Thu hoạch cây keo lai ở Cà Mau

Hiệu quả kinh tế

Năm 2009, tỉnh Cà Mau được Bộ NN-PTNT cho phép bổ sung thêm cây keo lai trồng ở khu vực đất sản xuất của rừng tràm. Ngay sau đó, một số doanh nghiệp đã thuê đất và cùng người dân chuyển sang trồng keo lai.

Năm 2015, lứa keo lai đầu tiên được thu hoạch và bước đầu cho thấy loại cây này có giá trị về kinh tế, góp phần làm thay đổi vùng đất nghèo U Minh Hạ. Theo nhận định, ưu điểm dễ thấy của cây keo lai là phát triển tốt và giá bán cao. Anh Phan Văn Đằng, ngụ xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, cho biết: “Đầu năm 2010, khi mô hình manh nha và có doanh nghiệp đầu tư nên tôi thuê cơ giới chuyển 2ha đất trồng tràm sang trồng keo lai. Loại cây này trồng rất đơn giản, chỉ cần lên liếp sau đó mua cây giống về đặt xuống. Khi cây còn nhỏ, nếu gặp trời nắng nóng mới tưới nước, không cần bón phân thuốc nhưng cây vẫn lớn trên mặt đất phèn; sau  4 - 5 năm sẽ đến kỳ thu hoạch”. Anh Đằng tính toán, mỗi hécta keo lai cho sản lượng 200 - 250m3 gỗ (mỗi mét khối khoảng 800kg). Giá gỗ dao động trên dưới 1.000 đồng/kg; riêng các phụ phẩm cành, nhánh cũng bán được giá 500 đồng/kg… Đợt thu hoạch đầu tiên, gia đình anh Đằng bán gỗ được gần 400 triệu đồng, trừ chi phí còn lời 200 triệu đồng. Đây là nguồn thu nhập cao nhất từ trước tới nay ở xứ rừng tràm U Minh Hạ.

Theo ông Nguyễn Văn Liêu, Phó Chủ tịch xã Nguyễn Phích, bình quân mỗi hécta keo lai thu về khoảng 200 triệu đồng; trừ hết các khoản chi phí còn lời hơn 50%. So với cây tràm truyền thống thì giá trị kinh tế của keo lai cao gấp đôi, thời gian trồng cũng rút ngắn được 2 năm trên mỗi chu kỳ thu hoạch.

Đua nhau trồng keo lai

Từ hiệu quả ban đầu như trên nên thời gian qua, cây keo lai phát triển nhanh đến chóng mặt, dẫn đến nguy cơ phá vỡ quy hoạch. Nếu như năm 2014, diện tích keo lai ở Cà Mau khoảng 4.000ha thì nay đã tăng lên khoảng 8.500ha. Trong đó, các doanh nghiệp đầu tư chiếm đa số, với hơn 5.500ha; còn nông hộ trồng nhỏ lẻ với khoảng 3.000ha.

Tuy số hộ gia đình trồng keo lai tăng mạnh nhưng lại chưa liên kết với doanh nghiệp để đảm bảo đầu ra nên dự báo gặp khó trong khâu tiêu thụ. Ông Trần Trọng Nghĩa, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, bộc bạch: “Gia đình tôi đầu tư trồng 5ha keo lai được gần 3 năm, ước tính 2 năm nữa sẽ thu hoạch. Vấn đề đang lo là không biết tới đó giá cây keo lai có còn duy trì tốt như hiện nay hay không, bởi nhiều nơi đang phát triển mạnh loại cây này”. Do nhiều hộ đổ xô trồng keo lai khiến nguồn giống không cung cấp đủ yêu cầu. Dẫn tới thực trạng giống chất lượng thấp, chưa được chọn lọc…

Ông Trần Văn Thức, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Cà Mau, cho biết: “Theo quy hoạch của tỉnh đến năm 2020 sẽ trồng khoảng 12.000 - 14.000ha keo lai tại U Minh Hạ. Hiện gỗ cây keo lai lớn được bán cho các cơ sở sản xuất đồ gỗ ở Bình Dương, Đồng Nai; còn cây nhỏ cung cho các nhà máy giấy. Tuy nhiên, quan điểm chung của tỉnh là không khuyến khích trồng ào ạt, nhất là những nơi ngoài quy hoạch vì dễ dẫn tới tình trạng cung vượt cầu, giảm giá…”.

KHÁNH HƯNG

Tin cùng chuyên mục