Ngày 1-1-2012, Cà Mau sẽ tổ chức lễ kỷ niệm 15 năm tái lập tỉnh và đón nhận Huân chương Độc lập hạng nhất. Từ một tỉnh nghèo, thuần nông, cơ sở hạ tầng yếu kém,… sau 15 năm xây dựng và phát triển, Cà Mau từng bước hoàn thiện và trở thành một trong những địa phương trọng điểm về kinh tế ở ĐBSCL. Trao đổi với phóng viên Báo SGGP về những thành tựu đạt được và triển vọng trong thời gian tới, ông Dương Tiến Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Cà Mau, cho biết:
Nằm ở cực Nam của Tổ quốc có bờ biển dài trên 254km, ngư trường rộng 100.000km2 và có trữ lượng lớn về dầu khí. Cà Mau có hơn 100.000ha rừng, có Vườn quốc gia Mũi Cà Mau và Vườn quốc gia U Minh Hạ được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Tuy có nhiều tiềm năng và thế mạnh nhưng Cà Mau là tỉnh thuộc vùng sâu, vùng xa, sông rạch chằng chịt, xuất phát điểm về kinh tế - xã hội thấp.
Ngay khi mới chia tách tỉnh vào năm 1997, Cà Mau vẫn còn nằm trong diện nghèo, kinh tế thuần nông phụ thuộc chính vào sản xuất nông lâm thủy sản. Toàn tỉnh chỉ có 2 huyện và 20 xã có đường ô tô đến được trung tâm. Gần 3.000 phòng học tạm bợ, hệ thống y tế thiếu và yếu, thủy lợi bất cập không đáp ứng được nhu cầu sản xuất, đời sống người dân rất khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm gần 28%...
Khó khăn chung là vậy nhưng với sự quyết tâm của các cấp, các ngành, sự đồng lòng của người dân, cùng sự trợ lực tích cực của Trung ương, Cà Mau phát huy tối đa lợi thế để tăng tốc trên nhiều mặt. GDP năm 2011 của tỉnh ước đạt 16.400 tỷ đồng, gấp 4,7 lần so năm 1997, thu nhập bình quân đầu người trên 1.220 USD, gấp 4,12 lần lúc mới tái lập tỉnh.
* PV: Để thúc đẩy kinh tế phát triển, thời gian qua Cà Mau đầu tư giao thông thế nào, thưa ông?
* Ông DƯƠNG TIẾN DŨNG: Chúng tôi xác định giao thông là một trong những yếu tố quan trọng góp phần đưa kinh tế đi lên. Trong 15 năm qua, Cà Mau tận dụng tối đa các nguồn lực đầu tư phát triển giao thông từ quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ, đường nông thôn… Đến nay, có 7/8 huyện và 58/82 xã có đường ô tô đến trung tâm. Quốc lộ 1 A đã nối liền đến Năm Căn và đang thi công về Đất Mũi - nơi cuối cùng của Tổ quốc.
Bên cạnh đó, tỉnh huy động sức dân thực hiện trên 3.300km đường bê tông, xây 3.519 cầu nông thôn với tổng kinh phí 1.852 tỷ đồng. Riêng năm 2011, xây dựng 407km đường bê tông và 716km đường đất đen. Đối với đường thủy cũng được đầu tư liên tục nhằm đáp ứng sự vận chuyển hàng hóa và đi lại của người dân. Đường hàng không hiện đã mở được 10 chuyến bay/tuần từ Cà Mau đi TPHCM.
Cà Mau đang phấn đấu đến năm 2015, tất cả các xã đều đảm bảo ô tô đến được trung tâm. Song song đó, nâng cấp quốc lộ 63; hoàn thiện đường hành lang ven biển phía Nam; mở rộng các tỉnh lộ, đường nông thôn… Chúng tôi hy vọng trong thời gian tới, khi hệ thống giao thông hoàn chỉnh sẽ tạo diện mạo mới đưa kinh tế tỉnh nhà tăng tốc.
* Nghề nuôi, chế biến và xuất khẩu tôm là thế mạnh của Cà Mau, việc đầu tư và khai thác hiện nay ra sao?
* Thời gian qua, con tôm ở Cà Mau phát triển vượt bậc đem lại những thành quả to lớn. Nếu như năm 2011, xuất khẩu tôm của cả nước đạt 2,1 tỷ USD thì Cà Mau chiếm đến 910 triệu USD. 39 nhà máy thủy sản trong tỉnh được đầu tư công nghệ hiện đại, chế biến ra nhiều sản phẩm tôm chất lượng cao xuất đi nhiều quốc gia trên thế giới; trong đó chiếm lĩnh những thị trường khó tính như Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU… Nhờ con tôm phát triển đã nâng cao thu nhập người dân, tạo việc làm cho rất nhiều lao động nông thôn, góp phần ổn định an sinh xã hội. Đồng thời đóng góp đáng kể vào kết quả thu ngân sách trên 3.700 tỷ đồng trong năm 2011.
Hiện Cà Mau có 265.000ha tôm, mục tiêu tới đây là không mở rộng diện tích mà tập trung đầu tư để tăng năng suất và chất lượng. Dự kiến đến năm 2015, phát triển lên 10.000ha tôm công nghiệp; 100.000ha tôm quảng canh cải tiến chất lượng cao. Tỉnh sẽ tiếp tục đầu tư con giống tốt, thủy lợi, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi để người dân khai thác thế mạnh con tôm.
Cái khó đang vướng là hệ thống thủy lợi còn yếu kém dù tỉnh đã quy hoạch 23 tiểu vùng ở các huyện. Nguyên nhân do nguồn vốn thiếu trầm trọng. Hiện Cà Mau cần khoảng 10.000 tỷ đồng đầu tư cho thủy lợi nhưng mỗi năm cố lắm chỉ được 100 - 200 tỷ đồng, số tiền nhỏ giọt trên chẳng thấm vào đâu. Tôi cho rằng, tiềm năng phát triển thủy sản nói chung và con tôm nói riêng còn rất lớn, vấn đề là sự đầu tư đúng mức để khai thác phát triển.
* Tới đây, Cà Mau sẽ phát triển kinh tế theo hướng nào, thưa ông?
* Tỉnh phấn đấu tốc độ tăng trưởng bình quân 13,5%/năm, đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp xuống còn 30% vào năm 2015; tăng công nghiệp, xây dựng, thương mại - dịch vụ. Thuận lợi hiện nay là nhiều dự án công nghiệp lớn đã và đang được đầu tư, đặc biệt là cụm công nghiệp khí điện đạm gồm 2 nhà máy điện công suất 1.500MW đưa vào khai thác. Nhà máy đạm công suất 800.000 tấn/năm sẽ hoạt động vào năm 2012.
Từ một tỉnh nông nghiệp, nay Cà Mau trở thành tỉnh có giá trị sản xuất công nghiệp cao trong cả nước (đứng thứ 14/63 tỉnh thành). Hiện Cà Mau đẩy mạnh đầu tư vào KCN Khánh An rộng 460 ha, lập quy hoạch chi tiết Khu kinh tế Năm Căn rộng 11.000 ha, xây dựng hệ thống cảng… nhằm đưa công nghiệp Cà Mau bứt phá mạnh trong thời gian tới với định hướng thu nhập bình quân đầu người vào năm 2015 đạt 2.150 USD. |
HUỲNH LỢI (thực hiện)