Sáng nay 19-1, Tổng cục Thống kê công bố kết quả sơ bộ tổng điều tra kinh tế năm 2017.
Theo đó, tính đến ngày 1-7-2017, cả nước có gần 5,9 triệu đơn vị kinh tế, hành chính, sự nghiệp, tăng 13,7% so với năm 2012 – mỗi năm tăng bình quân 2,6%, thấp hơn mức 5% của thời kỳ 2007 – 2012.
Trong đó, doanh nghiệp là khu vực dẫn đầu về mức tăng cả về số lượng và thu hút lao động. Tính đến ngày 1-7-2017, cả nước có 518.000 doanh nghiệp thực tế đang tồn tại, tăng 176.000 doanh nghiệp và gấp 1,5 lần so với năm 2012, trong đó có 505.000 doanh nghiệp đang thực tế hoạt động.
Khối doanh nghiệp đang thu hút 14,1 triệu lao động, tăng 28,5% so với năm 2012.
Tính ra, trong thời kỳ 2012-2017, bình quân hàng năm số lượng doanh nghiệp tăng 8,7%; lao động tăng 5,1%.
Trong khi số lượng doanh nghiệp ngoài nhà nước và doanh nghiệp FDI tăng thì số doanh nghiệp nhà nước giảm, nhưng với tốc độ chậm. Số lượng doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ tăng mạnh hơn các doanh nghiệp có quy mô lớn.
Đáng lưu ý, tỷ trọng các doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng tới 6 điểm phần trăm so với năm 2012, trong khi tỷ trọng lao động giảm 0,8%, cho thấy quy mô doanh nghiệp đang nhỏ dần.
Khu vực dịch vụ phát triển nhanh, chiếm tỷ trọng lớn nhất về số lượng đơn vị, lao động của các ngành kinh tế.
Qua tổng điều tra, cơ quan thống kê quốc gia nhận định, đơn vị kinh tế, hành chính sự nghiệp tập trung nhiều nhất tại vùng đồng bằng sông Hồng, nhưng vùng Đông Nam Bộ tiếp tục là vùng thu hút nhiều doanh nghiệp. Tây Nguyên vẫn là vùng có số lượng doanh nghiệp ít nhất.
Xét theo tỉnh, thành phố, TPHCM đứng đầu tốp 5 về địa phương có số lượng đơn vị lớn nhất. Bốn địa phương còn lại trong tốp 5 là Hà Nội, Thanh Hoá, Nghệ An và Đồng Nai.
Về mức đóng góp vào ngân sách nhà nước, các doanh nghiệp ngoài nhà nước chiếm tỷ trọng cao hơn cả, với 46%. Tiếp dến là doanh nghiệp nhà nước (29%) và doanh nghiệp FDI (25%).
Xét theo ngành nghề, các doanh nghiệp dịch vụ đóng góp nhiều nhất (51,7%) tổng các khoản nộp ngân sách của doanh nghiệp.