Số ca mắc SXH tập trung chủ yếu ở khu vực phía Nam nhưng tại Hà Nội số người mắc SXH cũng đang có chiều hướng gia tăng. Đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 820 trường hợp mắc SXH, tập trung chủ yếu ở các quận: Hà Đông, Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy, Đống Đa, Nam Từ Liêm.
Bên cạnh đó, nhiều dịch bệnh khác cũng đang gia tăng số người mắc. Trong đó, dịch sởi đã có 4.700 ca mắc, tay chân miệng 18.900 ca mắc và 255 người bị viêm màng não. Để phòng chống các dịch bệnh nguy hiểm đang diễn biến phức tạp, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần chủ động trong việc vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, nâng cao sức đề kháng của cơ thể và đi tiêm chủng đầy đủ vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng.
Theo thông tin từ Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, trong 6 tháng đầu năm, TP đã ghi nhận 24.768 ca mắc SXH, tăng 176% so với cùng kỳ năm 2018 (8.959 ca) và đã có 5 trường hợp tử vong (3 người lớn, 2 thiếu niên).
Theo bác sĩ Lê Hồng Nga, Trưởng khoa kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, tương tự mùa dịch năm trước, từ những tuần đầu tháng 6 khi mùa mưa bắt đầu, số ca nhập viện cũng như điều trị ngoại trú do mắc SXH gia tăng hàng tuần, tăng 40% so với tháng 5-2019.
Tại Đồng Nai, lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai cho biết, 6 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh Đồng Nai ghi nhận hơn 5.000 ca SXH , tăng 2,3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, năm nay có rất nhiều ca mắc SXH là người lớn, nguyên nhân là do bệnh nhân chủ quan, khi thấy sốt thì tự mua thuốc về điều trị đến khi bệnh nặng mới nhập viện cấp cứu.