Cà phê vào mùa… hái trộm

Cứ vào thời điểm đầu vụ thu hoạch cà phê, bà con nông dân ở tỉnh Gia Lai và Tây Nguyên nói chung lại sốt ruột vì nạn trộm cắp cà phê.

Cứ vào thời điểm đầu vụ thu hoạch cà phê, bà con nông dân ở tỉnh Gia Lai và Tây Nguyên nói chung lại sốt ruột vì nạn trộm cắp cà phê.

Ăn, ngủ không yên

Hơn một tháng nay, kể từ khi trái cà phê bắt đầu chuyển màu trên cây, gia đình anh Nguyễn Đức Nghĩa ở thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) phải ăn ngủ luôn tại vườn. Đêm nào vợ chồng, con cái cũng thay nhau thức để canh chừng, hai con chó bẹc-giê cũng theo chân chủ ra vườn cà phê. Anh cũng thuê thêm 5 lao động canh giữ nhưng vẫn lo mất trộm…

Anh Nghĩa cho biết: “Vợ chồng tôi làm nông, tất cả chi phí sinh hoạt trong gia đình, học hành của con cái đều dựa vào 3ha cà phê. Để có vườn cà phê trĩu quả, vợ chồng tôi phải dày công chăm sóc và đầu tư tiền bạc, thế nhưng cứ đến gần vụ thu hoạch, kẻ gian luôn tìm cách hái trộm. Vụ trước, gia đình tôi bị trộm đột nhập vào sân phơi lấy đi gần 1 tạ cà phê, không những thế, gần 150 cây cà phê đang chín quả cũng bị chặt cành. Mất cà phê tiếc một, nhưng bị chặt cây chúng tôi đau mười, vì mất luôn cả vụ sau”.

Không riêng gia đình anh Nghĩa, rất nhiều hộ trồng cà phê khác ở các vùng chuyên canh cà phê trong tỉnh cũng đau đầu trước nạn trộm cà phê. Vợ chồng ông Nguyễn Văn Châu, xã K’Dang (huyện Đăk Đoa) có 5 người con đều đang đi học. Tất cả trông vào vườn cà phê. Thế nhưng, có khi chỉ trong một đêm, cả gia sản tiêu tan hết. Ông Châu bức xúc kể: “Vụ trước, gia đình tôi bị kẻ gian lẻn vào vườn và chỉ trong một đêm đã tuốt gọn gần 200 cây cà phê, số còn lại gãy cành, rụng trái, vụ đó xem như mất trắng”.

Nạn trộm cắp cà phê không những làm người nông dân hoang mang mà còn để lại hậu quả nặng nề cho những vườn cây bị chặt trộm. Thủ đoạn của kẻ gian là lợi dụng đêm tối, trưa vắng, vườn cây rậm rạp..., đột nhập vào những vườn hái trộm cà phê trên cành; trà trộn vào những người hái thuê để trộm cắp cả bao cà phê. Đặc biệt bọn chúng còn chặt những cành cà phê sai trĩu quả đem đến những chỗ vắng vẻ tuốt trái. Những cây cà phê bị chặt cành, dù sau đó được chăm sóc tốt cũng phải mất nhiều năm mới hồi phục quá trình sinh trưởng.

Phải xử lý nghiêm

Toàn tỉnh Gia Lai có khoảng 80.000 ha cà phê đang thời kỳ kinh doanh, tập trung ở các huyện Ia Grai, Đăk Đoa, Mang Yang, Chư Prông, Chư Sê, Chư Pah... Vào thời điểm này (tháng 10-2010), giá cà phê trên thị trường đạt gần 30.000 đồng/kg, mức giá khá cao tính từ đầu năm đến nay. Với mức giá hấp dẫn như vậy, chuẩn bị vào vụ thu hoạch 2010, nhiều hộ ở Gia Lai đã thực hiện các biện pháp khác nhau để bảo vệ vườn cà phê của mình như: thuê người trông coi, dựng trại trong vườn, kéo điện thắp sáng suốt đêm để canh gác...

Ngoài ra, lực lượng chức năng cũng vào cuộc để giúp dân ngăn chặn nạn trộm cắp cà phê. Thượng tá Cao Văn Bích, Phó trưởng Công an huyện Đăk Đoa cho biết: Hàng năm, cứ đến mùa thu hoạch cà phê, kẻ gian lại hoạt động với mức độ ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Để hạn chế và ngăn chặn nạn trộm cắp cà phê, lực lượng công an phối hợp với chính quyền địa phương, dân quân xã, các công ty cà phê, đội sản xuất..., thành lập các tổ tự quản và yêu cầu các chủ trang trại cà phê cử người tham gia. Đội tự quản tổ chức tuần tra, nếu phát hiện những đối tượng trộm cắp sẽ xử lý nghiêm, trường hợp cấu thành tội phạm sẽ bị khởi tố. Bên cạnh đó, tuyên truyền, vận động các đại lý không thu mua cà phê không rõ nguồn gốc, quản lý các đối tượng có tiền án tiền sự về tội trộm cắp, gây rối và số người từ các nơi khác đến hái cà phê thuê…

ĐỨC TRUNG

Tin cùng chuyên mục