Ca sĩ trẻ hát nhạc xưa - Trào lưu hay đích đến?

Ca sĩ trẻ hát nhạc xưa - Trào lưu hay đích đến?

Thời gian gần đây, khá nhiều ca sĩ trẻ bắt đầu hát nhạc xưa. Có nhiều lý do để họ chọn lựa điều này: Chạy theo thị hiếu âm nhạc, khoác bộ cánh “đẳng cấp” cho mình, hoặc đó là một thể nghiệm, một đam mê…

Còn nguyên sức hấp dẫn

Minh chứng rõ nhất có lẽ từ chương trình Những tình khúc vượt thời gian, chương trình định kỳ truyền hình trực tiếp mỗi tháng một lần trên kênh VTV9 Đài Truyền hình Việt Nam. Thay vì giao những tình khúc vượt thời gian cho những tên tuổi lão làng như Lệ Thu, Phương Dung, Giao Linh, Ý Lan, Thái Châu, Elvis Phương, Bảo Yến, Đình Văn, Trang Mỹ Dung... hoặc trẻ hơn cũng là những tên tuổi từng gắn bó và thành danh với dòng nhạc xưa như Quang Dũng, Lệ Quyên, Xuân Phú… thì gần đây, chương trình mạnh dạn “trao gửi” những tình khúc cho những gương mặt trẻ, thậm chí lần đầu thử sức với nhạc xưa. Số lượng các ca sĩ trẻ như Kasim Hoàng Vũ, Đoan Trang, Hiền Thục, Quốc Thiên, Thanh Ngọc, Nguyên Vũ, Hoàng Bách, Tiêu Châu Như Quỳnh, nhóm Ayor… ngày càng chiếm tỷ lệ nhiều hơn trong cơ cấu chương trình. Bên cạnh đó, rải rác trong nhiều chương trình như Thay lời muốn nói, Những bài hát còn xanh… hay thậm chí những chương trình truyền hình thực tế nghiêng về đối tượng khán giả trẻ như Giọng hát Việt, Nhân tố bí ẩn… cũng có không ít ca sĩ trẻ mạnh dạn thử sức với dòng nhạc xưa.

Nhạc sĩ, ca sĩ Hoàng Bách thử sức với nhạc xưa

Sức hấp dẫn của dòng nhạc xưa phần nào giúp thị trường âm nhạc trở nên sôi động hơn. Ngoài các phòng trà hiện đang thống trị nhạc xưa, những cái tên ăn khách trong dòng nhạc này như Đàm Vĩnh Hưng, Quang Dũng, Lệ Quyên thường xuyên ra album và khá đắt “sô”. Bên cạnh đó, thời gian qua cũng có không ít ca sĩ hát nhạc trẻ chuyển hướng đầu tư phát hành album nhạc xưa như Quang Hà, Quách Tuấn Du, Như Ý… hay mới nhất có thể kể đến Hoàng Châu với Tình khúc bất tử 3, Uyên Trang với Duyên phận, Ngọc Liên với Nghĩa phu thê và Vi Thảo với Vol.3 Chuyến tàu hoàng hôn ra mắt trong thời gian gần đây. Có thể nói, hành trình tìm về nhạc xưa của các ca sĩ trẻ vẫn đang tiếp diễn ngày một mạnh mẽ. Và trong dòng chảy ấy, câu hỏi đặt ra là: Việc chọn nhạc xưa của các ca sĩ trẻ là đích đến trong sự nghiệp hay chỉ là trào lưu để làm mới, đánh bóng tên tuổi…?

Sự trải nghiệm và tài năng

Trước hết phải khẳng định, trong dòng chảy thị trường âm nhạc hiện nay, nhạc xưa vẫn còn sức sống rất mãnh liệt. Giai điệu mượt mà, ca từ đẹp, có lượng khán giả trung thành… là những yếu tố để các ca sĩ trẻ hào hứng tìm về với nhạc xưa để từng bước khẳng định vị thế của mình trong dòng nhạc tuổi đời nhiều hơn tuổi ca sĩ. Và với những nghệ sĩ trẻ, việc tìm tòi, khám phá, thử sức chính bản thân mình cũng là nhu cầu chính đáng và tích cực. Đạo diễn Đinh Anh Dũng có lý khi cho rằng: “Không lẽ cứ nhạc Phạm Duy thì phải Thái Thanh hát? Đã đành họ là các ca sĩ tiền bối rất thành công và mang lại cho khán giả những cảm xúc khó phai mờ, nhưng không có thế hệ trẻ thì ai sẽ là những người kế tục?”.

Tuy nhiên, rõ ràng việc thể hiện một ca khúc xưa đã “đóng đinh” tên tuổi của một ca sĩ tiền bối là điều hoàn toàn không dễ với những ca sĩ thời nay. Chuyện một số người hoài nghi về sự cảm thụ âm nhạc của lớp ca sĩ trẻ là điều có thể hiểu được. Thậm chí, giọng ca hải ngoại Anh Khoa không ngại khi nói rằng, không phải tất cả, nhưng có một số ca sĩ trẻ hiện nay hát nhạc xưa như… chơi xổ số. “Họ không sở trường một thể loại nào cả. Họ hát tất cả các bài hát trước đây mà không biết mình phù hợp với thể loại nào, trúng được bài nào thì trúng, như chơi xổ số vậy”, anh nói. Anh cho rằng, một số ca sĩ trẻ hát nhạc xưa để khoe giọng hơn là chải chuốt âm vực và diễn tả chiều sâu của bài hát.

Ở góc nhìn một người trẻ hát nhạc xưa, ca sĩ Hoàng Bách cho biết, có không ít khó khăn khi thử sức với loại nhạc này. Anh chia sẻ: “Khó khăn đầu tiên là sự trải nghiệm. Mới đầu tôi nghĩ mình đã có đủ khả năng, nhưng càng hát càng cảm nhận được mình chưa có đủ sự trải nghiệm về bài hát. Không có gì khác ngoài việc mình phải nghe nhiều hơn, sống với bài hát nhiều hơn. Với dòng nhạc xưa, càng hát càng khám phá được nhiều điều mới mẻ của nó”.

Hát nhạc xưa không khó nhưng để đi vào lòng những người yêu nhạc không phải dễ, bởi cao hứng hát cho nhau nghe thì sao cũng được nhưng một khi trình diễn phải khác, phải có cái riêng của mình. Với các nghệ sĩ trẻ, như trên đã nói, việc thử thách, khám phá bản thân rất đáng ủng hộ nhưng để không chỉ là “cơn gió lạ”… rồi lãng quên đâu đó, đòi hỏi phải thực sự đam mê, khổ luyện và tiên quyết nhất vẫn là tài năng thực thụ.

GIA BÌNH

Tin cùng chuyên mục