Cá tra, cá basa tồn đọng ở ĐBSCL: Nông dân chờ giãn, khoanh nợ và được tiếp tục vay vốn

"Trước đây, hiệp hội thủy sản chỉ nắm thông tin từ doanh nghiệp nên phản ánh chưa đúng “huyệt”. Hiện nông dân nuôi cá tra mới thật sự là người cần vốn. Nhưng tình thế hiện nay rất khó khăn: Hầu hết tài sản của nông dân nuôi cá đã thế chấp ở ngân hàng, giờ họ muốn vay thêm quả là chuyện xa vời – giao dịch dạng này gần như chưa có tiền lệ giữa nông dân và ngân hàng” – ông Bùi Hữu Trí, Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản Cần Thơ, nhận ra thiếu sót và đồng cảm với nông dân nuôi cá ĐBSCL.

Nhiều doanh nghiệp (DN) sau khi từ chối vay nguồn vốn 1.000 tỷ đồng của Ngân hàng NN-PTNT vẫn thực hiện khá tốt việc thu mua cá tra tồn đọng ở ĐBSCL. Điển hình là Công ty TNHH Thiên Mã (Cần Thơ), sau khi “chê” khoản vốn phân bổ 6 tỷ đồng (từ nguồn 1.000 tỷ đồng của ngân hàng) vẫn mua 120 – 130 tấn cá/ngày. Ông Phan Bá Tòng, Giám đốc Công ty Thiên Mã, cho biết: “DN vừa đưa thêm một nhà máy hoạt động tại Thốt Nốt, khả năng nâng mức tiêu thụ cá tra lên 180 tấn/ngày là trong tầm tay”. Như vậy, vấn đề “bơm” vốn hay không để DN mua cá tra tồn đọng ở ĐBSCL không phải là yếu tố cấp bách hiện nay.

Nếu như hiệp hội thủy sản và lãnh đạo các tỉnh ĐBSCL chịu khó lắng nghe và tìm hiểu sát hoàn cảnh người nuôi cá thì sự tình không đến bây giờ mới biết. Cách đây 11 ngày (ngày 8-6), tại cuộc giao ban trực tuyến do Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát chủ trì, một nông dân ở Hậu Giang đại diện cho 100 hộ liên kết nuôi cá tra bức xúc nói: “Nông dân tụi tôi cầm cố hết tài sản ở ngân hàng vay được 45 tỷ đồng. Cá tra trong hầm nhịn đói hơn 15 ngày. Cá ốm, không có tiền mua thức ăn, DN lại chê cá xấu! DN nói thiếu vốn, chứ hồi nào giờ ổng mua cá có trả liền đâu, nông dân phải đợi cả tháng mới có tiền”! Tiếng kêu cứu của nông dân Hậu Giang phần nào đã phản ánh thực trạng nằm “chiếu dưới” của người nuôi cá tra, cá basa ở ĐBSCL.

Thoạt nhìn toàn cảnh nghề nuôi cá tra hiện nay, ai cũng cho “thủ phạm” là do ngân hàng không cho vay vốn, song thực chất có phải vậy không? Đây là vấn đề cần được mổ xẻ và phân tích có lý có tình. Giá cá trồi sụt thất thường, tình trạng thừa - thiếu cá không phải mới đây, mà diễn ra từ nhiều năm qua. Làng cá bè ở An Giang lúc thịnh vượng, lúc suy kiệt không phải trong chớp mắt! Cách đây vài năm, nông dân lão làng có thể dự đoán được thời điểm dư thừa - thiếu hụt nhưng 2 năm trở lại đây sự thăng trầm nhanh và quyết liệt hơn; ngư dân điêu đứng nhiều hơn! Ông Bùi Hữu Trí cho biết: Chính phủ đã có chủ trương cho nông dân gặp khó khăn được giãn nợ và khoanh nợ. Tuy nhiên, ngân hàng nào cũng có đòi hỏi thủ tục khắt khe. Chúng tôi kiến nghị với Chính phủ để hiệp hội thủy sản và lãnh đạo địa phương “xác nhận bảo chứng” cho nông dân để tiến hành thực hiện giãn, khoanh nợ và cho vay tiếp. Đây là cách làm thiết thực trong bối cảnh hiện nay và cần “thiện chí” từ phía ngân hàng!

  • Ông Nguyễn Tấn Phước, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng NN-PTNT An Giang: Tôi đảm bảo các nhà máy không thiếu vốn

Nguồn vốn dù hạn chế nhưng chúng tôi vẫn ưu tiên cho vay, chúng tôi cũng muốn nâng lên nhưng vẫn không thể đáp ứng nổi. Một số hộ nuôi có năng lực tài chính yếu, khi có biến động giá, bán đổ bán tháo nên nợ quá hạn chúng tôi phải thu về. Chúng tôi sẽ cố gắng điều chỉnh cho vay các lĩnh vực khác để tập trung sang lĩnh vực thủy sản… Hiện một DN vay 30 - 40 tỷ đồng. Hiện nay một DN vay không dưới 3-4 ngân hàng, vậy số tiền là bao nhiêu? Tôi đảm bảo hiện nay các nhà máy không đến nỗi thiếu vốn để mua cá như họ nói!

  • Ông Doãn Tới, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Nam Việt: Cho dân vay vốn để cầm cự

Tuần qua, chúng tôi đã ký hợp đồng xấp xỉ 50.000 tấn cho các tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Cần Thơ. Đến nay, đã chính thức bắt khoảng 9.750 tấn. Nam Việt sẽ cố gắng phấn đấu tăng công suất lên 1.300- 1.400 tấn/ngày. Số hộ đăng ký bán cá vẫn tăng lên. Đương nhiên sẽ có nhiều hộ không thể đăng ký được và phải bán đổ bán tháo vì khả năng của chúng tôi chỉ có hạn. Khả năng đến 15-8, mới giải quyết hết cá tồn đọng, Chính phủ nên giải quyết cho dân vay để giữ lại cá. Tôi sẽ bảo lãnh nhận vốn nhà nước đưa về… và chuyển cho dân.

Phong - Tuyển - Điểu

Tin cùng chuyên mục