Ngoài những câu hỏi được chuyên gia tư vấn trả lời tại buổi truyền hình trực tiếp chương trình tư vấn “Tiên hướng nghiệp - Hậu hướng trường” do Báo SGGP tổ chức tại An Giang ngày 13-3 vừa qua, hàng ngàn câu hỏi qua đường dây nóng của buổi tư vấn cũng được Ban Tư vấn chọn lọc và tiếp tục giải đáp.
- Đa dạng các ngành nông nghiệp, môi trường
- Em rất thích ngành công nghệ kỹ thuật môi trường nhưng em không biết ngành đó đi sâu vào vấn đề nào? Cơ hội việc làm như thế nào? Em rất thích nghiên cứu về môi trường nước, vậy có chuyên ngành này không? Huỳnh Văn Thực (lớp 12C3 Trường THPT Bình Khánh – An Giang)
- Ngành công nghệ môi trường nói chung đào tạo các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường, nắm vững lý thuyết, thành thạo kỹ năng thực hành, tư vấn và giải quyết các vấn đề liên quan đến công nghệ kiểm soát ô nhiễm môi trường. Theo đó, sinh viên sẽ được học các kiến thức cơ bản và chuyên sâu như quản lý môi trường, sinh thái học, độc học môi trường, công nghệ xử lý khí thải và tiếng ồn, suy thoái và bảo vệ đất, quản lý chất thải rắn và nguy hại, công nghệ xử lý nước thải, công nghệ xử lý nước cấp, bản đồ học và ứng dụng GIS quản lý môi trường, công nghệ sản xuất sạch hơn, kinh tế môi trường, đa dạng sinh học, quy hoạch môi trường…
Ngành công nghệ môi trường gồm hai chuyên ngành: Công nghệ môi trường nước và đất, công nghệ môi trường khí và chất thải rắn. Thực tế hiện nay hầu hết các khu công nghiệp, khu chế xuất, nhà máy, xí nghiệp, trường học, bệnh viện đều có nhu cầu xử lý chất thải, khí thải… Do đó, tỷ lệ sinh viên ngành này có việc làm đúng chuyên ngành rất khả quan. Khi môi trường sống ngày càng bị đe dọa bởi khói bụi, chất thải công nghiệp, ô nhiễm kênh rạch, xã hội càng cần nhiều kỹ sư môi trường để xử lý ô nhiễm, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, môi trường sống xanh sạch đẹp.
- Ngành bảo vệ thực vật và khoa học cây trồng có gì khác nhau? Hai ngành này tại ĐH An Giang thi khối nào, có hệ CĐ không? Nhan Nhựt Trinh (lớp 12C9 Trường THPT Bình Khánh – An Giang)
- Ngành bảo vệ thực vật đào tạo kỹ sư có kiến thức, kỹ năng nghiên cứu và phòng trừ các tác nhân gây hại tài nguyên thực vật, để bảo vệ cây trồng (cả trước và sau thu hoạch) nhằm đạt hiệu quả kinh tế, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, giữ gìn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường. Theo đó, sinh viên được trang bị những kiến thức khá cơ bản và toàn diện về sinh học, bảo vệ thực vật, nông học và môi trường.
Còn ngành trồng trọt (khoa học cây trồng) đào tạo kỹ sư nông nghiệp có kiến thức chuyên sâu về ngành trồng trọt, đáp ứng nhu cầu phát triển nông nghiệp của đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa; có kỹ năng nghiệp vụ giải quyết các vấn đề sản xuất trong ngành trồng trọt (kỹ thuật canh tác, giống, sâu bệnh…).
Tại Trường ĐH An Giang, ngành bảo vệ thực vật thi khối A, B; ngành khoa học cây trồng thi khối B. Hai ngành này hiện không có hệ CĐ, chỉ có trung cấp ngành trồng trọt.
- Làm sao để chọn nghề phù hợp
- Em đắn đo trong việc chọn nghề vì thiếu kinh nghiệm, vậy nên chọn nghề như thế nào? Nguyễn Quốc Việt (học sinh lớp 12A1 Trường THPT Long Xuyên – An Giang)
- Thạc sĩ Trần Đình Lý, Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ hướng nghiệp các trường ĐH, CĐ phía Nam, trả lời: Thật may mắn cho học sinh ngày nay khi có nhiều kênh thông tin, nhiều sự lựa chọn để hoặc là chọn, hoặc là tránh. Thực tế có rất nhiều người hiện nay rất thành đạt, nhưng đọc qua câu chuyện của họ mới thấy được trước đây họ không chọn đúng nghề ngay từ đầu. Hy vọng những người đi trước, với tất cả kinh nghiệm, cả tốt và chưa tốt, cả đúng lẫn sai, cùng chia sẻ giúp học sinh có thêm thông tin tham khảo hữu ích cho tương lai. Định hướng nghề nghiệp không thể chờ nước tới chân mới nhảy. Nó bắt đầu từ khi còn nhỏ trong gia đình, trong sự hình thành nhân cách con người. Điều có ý nghĩa rất lớn và rất quan trọng là các bạn trẻ phải biết mình là người có những sở trường sở đoản nào và biết mình muốn gì.
Theo tôi, vấn đề chọn ngành nghề bao gồm nhiều yếu tố mà người học cũng như gia đình cần hết sức lưu ý: Tìm hiểu năng lực bản thân, công việc đang quan tâm, khả năng điều kiện theo học, tìm hiểu thị trường lao động, nhà trường, cơ sở đào tạo để biết nhu cầu việc làm, điều kiện việc làm, ngành nghề đào tạo, chú trọng tìm hiểu kỹ các nguồn thông tin để chọn lựa và lượng sức mình. Nếu cảm thấy chưa yên tâm về việc lựa chọn ngành học, việc làm của bản thân, nên tìm đến các nhà tư vấn, các tổ chức hỗ trợ sinh viên học sinh, tổ chức tư vấn đào tạo - giới thiệu việc làm… Việc tư vấn là để tham khảo, vấn đề quan trọng là bản thân phải xác định và khám phá được bản thân, chọn ngành phù hợp năng lực, điều kiện học hành, sở trường và phù hợp nhu cầu xã hội.
Ban Tư vấn